Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 12/1/2012 20:47'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Hiện toàn tỉnh Hà Nam có 21 cơ sở dạy nghề (trong đó có 16 cơ sở dạy nghề của tỉnh, 5 cơ sở dạy nghề của Trung ương) đào tạo 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Riêng với trình độ sơ cấp nghề, các cơ sở đào tạo theo 2 mô hình: đào tạo theo địa chỉ và đào tạo nghề giải quyết việc làm tại chỗ. Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các cơ sở dạy nghề, Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp đã có sự phối hợp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với ngành nghề để lựa chọn, đồng thời giới thiệu lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp cả ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2011, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo 29 nghề như: hàn điện, may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy, quản lý trang trại… với mức hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng đối với một lao động tham gia học nghề (tùy theo nghề khác nhau).

Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh, mở lớp đào tạo theo nhu cầu học nghề của nông dân để mở lớp cho phù hợp với điều kiện của lao động, của từng vùng và đặc biệt có tính toán đến khả năng phát triển lâu dài của nghành nghề đào tạo. Các cơ sở dạy nghề còn chủ động trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học và liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.

Năm 2012, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề sau đó doanh nghiệp tuyển dụng luôn lao động vào làm việc. Mỗi cơ sở dạy nghề cũng đều xây dựng kế hoạch hết sức rõ ràng trong việc liên kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ở Trường trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc đã cam kết với hãng taxi Mai Linh mỗi khóa đào tạo sẽ tuyển 50 học viên; liên kết với công ty ô tô Trường Hải (xã Tiên Tân, Duy Tiên) nếu học viên học nghề xong mua xe của công ty sẽ được giảm giá. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Dạy nghề, tiếp tục quán triệt Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực.

* Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Kiên Giang tổ chức đào tạo nghề cho 21.408 lao động, trong đó hơn 75% số người học nghề có việc làm ổn định, cải thiện đời sống. Các ngành nghề được tham gia học nhiều nhất là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, cơ khí, điện dân dụng, xây dựng và dịch vụ… Những lao động này chủ yếu tìm được việc làm tại các trang trại nuôi trồng thủy sản, tự tạo việc làm và làm việc tại Khu Cảng cá Tắc Cậu, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc có công ăn việc làm ổn định, lao động qua đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lực lao động ở nông thôn; tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Tỉnh Kiên Giang hiện có mạng lưới đào tạo, dạy nghề gồm 32 trường, trung tâm và cơ sở có chức năng dạy nghề, với kinh phí đầu tư hàng năm cho dạy nghề hàng chục tỷ đồng. Từ nay đến năm 2015, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở tỉnh Kiên Giang là hơn 40.000 người/năm; trong đó, các lĩnh vực ngành nghề có nhu cầu cao là xây dựng, vận tải, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và chế biến thủy sản, sửa chữa máy, điện - điện tử và những nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ thương mại, du lịch… Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề từ nông dân sản xuất truyền thống sang nông dân sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tỉnh thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của thị trường trong nước, xuất khẩu lao động và gắn với giải quyết việc làm; kiện toàn, nâng cấp hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề hiện có đủ năng lực đào tạo, đảm bảo chất lượng nguồn lực lao động phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất