Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 11/1/2012 22:1'(GMT+7)

Thị trường Tết ở các địa phương: Hàng hóa dồi đào, giá cả hứa hẹn không tăng đột biến

* Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nhâm Thìn trên địa bàn Nghệ An không thiếu và giá cả sẽ ổn định, không tăng mạnh như những năm trước. Trên thực tế, những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ thịt vào dịp Tết không còn tăng đột biến. Hơn nữa, thị trường thịt đã mở cửa bán hàng từ ngày mồng 2 Tết nên người dân không mua tích trữ nhiều. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của cả tỉnh gồm 680.000 con, trên 1 triệu con lợn, 15 triệu con gia cầm. Với số lượng này, sản lượng thịt trâu, bò đạt gần 12.000 tấn, 135.000 tấn thịt hơi. Theo đánh giá, năm nay sản lượng chăn nuôi lợn toàn tỉnh tuy có giảm, song nhìn chung ở các trang trại hoặc các hộ chăn nuôi có quy mô lớn vẫn giữ được sản lượng xuất chuồng ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt cho nên nguồn cung cấp thịt lợn Tết khá dồi dào. Còn chăn nuôi gia cầm, nhất là các sản phẩm như gà thả vườn, gà công nghiệp, vịt, vịt bầu, gà đen… đang phát triển mạnh nên nguồn cung khá phong phú và đa dạng. Số lượng các sản phẩm chăn nuôi như thịt gia súc gia cầm, trứng, sữa bò tươi do nông dân Nghệ An sản xuất đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ của người dân trong tỉnh. 30% còn lại, Sở Công Thương Nghệ An và các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm nguồn cung ứng từ các tỉnh lân cận.

Cùng thời điểm này so với năm ngoái, chị Nguyễn Thị Bông - chủ đại lý Bông Dũng chuyên kinh doanh hàng tạp hóa tại phường Đội Cung, thành phố Vinh đã phải nhập 2 lần hàng về để phục vụ người dân mua sắm Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại lý vẫn khá vắng vẻ. Khách hàng đến mua chủ yếu là các vật dụng thiết yếu để dùng sinh hoạt hàng ngày cho gia đình, chứ chưa chú trọng đến mua sắm Tết. Tại Siêu thị Intimex Nghệ An, không khí mua sắm ở đây chẳng khác gì ngày thường. Phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, siêu thị đã chuẩn bị 15 tỷ đồng nguồn hàng các loại từ bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo…; song sức mua của người dân vẫn chưa nhiều. “Hầu hết họ chỉ mua sắm các vật dụng thường ngày, hay quần áo, giày dép, còn các mặt hàng phục vụ Tết chưa bán được nhiều” - chị Nguyễn Thu Phương, nhân viên bán hàng cho biết. Sôi động hơn là ở Siêu thị Big C, bởi ở đây có nhiều “chiêu” thu hút khách hàng. Ngay từ ngoài cổng, doanh nghiệp này đã có băng rôn treo “giảm giá” hay “giá cực sốc” khuyến mãi hơn 1.000 mặt hàng, hay giảm giá 50% giá trị sản phẩm nhằm thu hút khách hàng đến mua sắm. Ngoài mở một số điểm bình ổn giá, siêu thị còn cam kết tăng giờ bán hàng để thỏa mãn sở thích mua sắm của người dân, bởi vậy sức mua ở đây có tăng hơn so với ngày thường.

Theo khảo sát của Sở Công thương Nghệ An, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào, một số mặt hàng giữ nguyên hoặc giảm giá, chỉ có mặt hàng thực phẩm giá tăng nhẹ. Tuy nhiên, sức mua của người dân trong dịp này giảm từ 20% - 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn đối với nhiều tiểu thương, doanh nghiệp thì vẫn hy vọng, từ 20 tháng Chạp âm lịch đến Tết mới là những ngày cao điểm của mua - bán hàng.

* Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá nhân dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Quảng Trị đã giải ngân 10,8 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh ứng vốn để mua và dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết. Theo đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị được ứng 5 tỷ đồng và cam kết tổ chức bán hàng bình ổn phục vụ Tết ở thành phố Đông Hà và 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Công ty Cổ phần thương mại Hiền Lương được ứng 3 tỷ đồng và cam kết tham gia bán hàng bình ổn phục vụ Tết trên địa bàn huyện Vĩnh Linh; Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn – Đông Hà (Siêu thị Co.op Mart) được ứng 2,8 tỷ đồng tham gia bán hàng bình ổn ở thành phố Đông Hà và các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh. Được biết, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã chủ động dự trữ nguồn hàng, nên đến thời điểm này hàng Tết đã sẵn sàng phục vụ người dân với giá cả ổn định, mẫu mã đa dạng và chất lượng đảm bảo. Ngoài nguồn hàng phong phú do tư thương các chợ chuẩn bị, các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Trị đã dự trữ hàng hóa Tết với tổng giá trị khoảng 30 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị dự trữ 10,5 tỷ đồng hàng hóa bình ổn; siêu thị Coo.Mark Đông Hà dự trữ khoảng 15 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Thương mại Hiền Lương dự trữ hàng hóa trị giá khoảng 4,8 tỷ đồng.

* Diêm dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có thêm niềm vui mới vì từ giữa tháng 12/2011, giá muối hạt trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại, từ 18.000- 20.000 đồng/giạ (30 kg/giạ) nay tăng lên 28.000- 30.000 đồng/giạ (tùy loại). Điều đáng mừng hơn là có nhiều thương lái xuống tận vùng sâu tìm mua muối hạt nên thị trường trở nên sôi động. Ông Hồ Văn Chốn, ấp Cồn Cù, xã Dân Thành không giấu được niềm vui cho biết: Niên vụ muối 2009- 2010 giá muối xuống thấp, bán không ai mua, gia đình ông còn tồn khoảng 2.000 giạ; bước vào vụ thu hoạch muối 2010- 2011, lại gặp cảnh “muối ế” như niên vụ trước, không còn chỗ chứa buộc ông phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng để xây kho tạm trữ thêm gần 2.500 giạ nữa. Nay giá muối tăng, thương lái đến tận nhà chấp nhận mua với giá 29.000 đồng/giạ nhưng ông chỉ đồng ý bán 1.000 giạ để lấy tiền tiêu Tết và chi phí cho vụ muối năm 2011- 2012, số còn lại ông tiếp tục trữ chờ giá lên nữa mới bán. Tuy giá muối hiện chưa cao bằng thời điểm năm 2009 (khoảng 60.000 đồng/giạ) nhưng nếu so với niên vụ 2010- 2011 vừa qua, giá muối hạt hiện tăng gần gấp đôi. Theo các diêm dân tính toán, với giá cả như hiện nay các hộ làm muối đã thu được lãi, tuy mức lãi không cao và chưa tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng đời sống diêm dân tạm ổn định, có vốn đầu tư tái sản xuất vụ sau. Vụ muối 2011- 2012, Trà Vinh có khoảng 300 hộ dân ở 3 xã: Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hoà (huyện Duyên Hải) sản xuất muối, với diện tích gần 300 ha.

* Sức mua hàng hóa trên thị trường Hà Nội bắt đầu tăng lên. Người dân đã đi sắm Tết, dự trữ mặt hàng thiết yếu trong những ngày nghỉ; vừa để thoải mái lựa chọn hàng hóa khi chưa quá đông, vừa tránh sự tăng giá có thể diễn ra trong những ngày giáp Tết. Tâm điểm được người tiêu dùng nhắm tới là các siêu thị lớn trên địa bàn, bởi nơi này phong phú hàng hóa, ổn định giá cả, chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, các chợ dân sinh, các cửa hàng đường phố cũng thu hút đông người tới mua, sức bán cũng chuyển biến rõ rệt. Không khí Tết đã ngập tràn khắp nơi. Tranh thủ sau giờ làm, chị Hoàng Lê Thủy, phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy ghé vào Siêu thị Fivimart Hoàng Quốc Việt mua một số mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho Tết nguyên đán sắp tới. Danh mục, trọng lượng những thứ cần mua được chị cẩn thận liệt kê vào một tờ giấy để tránh thiếu đồ và thiếu lượng. Lần này, chị mua chủ yếu những đồ hóa phẩm, thực phẩm khô, đồ hộp có thể dự trữ trong dịp Tết. “Cuối năm, mình không có nhiều thời gian nên rảnh rỗi lúc nào là ghé vào mua lúc đó. Tết đến nơi rồi, mua sắm là vừa” – Chị phân trần.

Siêu thị Big C Thăng Long luôn là điểm thu hút đông đảo khách tại Hà Nội, nhất là thời điểm giáp Tết nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông Siêu thị Big C khu vực miền Bắc và miền Trung khẳng định: “Ngay từ cuối tuần qua, lượng khách đến với Big C Thăng Long đã tăng cao, lượng hàng bán ra cũng nhiều hơn trước. Dự kiến từ giữa tháng 1 trở đi, lượng khách sẽ tăng rất mạnh bởi đó là thời gian cao điểm mua sắm hàng Tết”. Không riêng Big C Thăng Long, các siêu thị khác như Metro Phạm Văn Đồng, CoopMart Sài Gòn tại Hà Nội, chuỗi Hapro Mart, Intimex… cũng đón lượng khách đông hơn so với những ngày đầu tháng. Chính bởi vậy, khung giờ bán hàng được các siêu thị nới rộng nhằm tăng khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đội ngũ bán hàng, an ninh cũng như mọi điều kiện cơ sở vật chất khác được tăng cường. Nhiều siêu thị cũng tổ chức nhiều dịch vụ tăng khả năng phục vụ cho khách hàng như giao hàng tại nhà, mở gian hàng lưu động, đặc biệt là thực hiện các chương trình khuyến mại với sự tham gia của các nhà cung cấp…

Riêng với lượng hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch dự trữ, hợp đồng với nhà cung cấp từ 4 – 5 tháng trước Tết. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã huy động gần 1000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, điện máy, thời trang, ăn uống; đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm truyền thống và thiết yếu như giò chả, bánh chưng, gà ta, thịt trâu bò, gạo đặc sản, dầu ăn, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản. Ngoài những mặt hàng do các đơn vị thành viên chủ động sản xuất, Hapro trực tiếp khai thác nguồn hàng ở các tỉnh, thành, ký hợp đồng với các nhà cung cấp nhằm cung ứng cho thị trường hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý. Cũng trong dịp Tết nguyên đán này, siêu thị Big C tăng lượng hàng lên từ 25% – 30% so với Tết năm 2011, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và cố gắng bình ổn giá trước, trong và sau Tết. Theo đó, đơn vị này cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa đầu vào, đặc biệt đối với các mặt hàng truyền thống chủ đạo phục vụ Tết, đồng thời chỉ hợp tác với các nhà cung cấp lớn và uy tín. Dự báo hàng thực phẩm tươi sống trong dịp Tết sẽ tiêu thụ mạnh, thậm chí có thể xảy ra khan hiếm; vì vậy Big C chủ động thương lượng với các nhà cung cấp để tăng cường nguồn hàng, đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn, Sở Công thương Hà Nội khẳng định, sẽ không khan hiếm hàng hóa và giá cả không tăng quá cao. Cơ quan này cũng chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chủ động tăng cường khai thác nguồn hàng, dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất