TRÊN 97% CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN ĐẠI HỌC TRỞ LÊN
Qua khảo sát của Đề án, đối với đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, phần lớn số cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên và cao cấp lý luận chính trị; tỷ lệ cán bộ được đào tạo sau đại học ngày càng tăng. Số cán bộ chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là các đồng chí làm công tác phục vụ.
Đa số cán bộ tuyên giáo ở các địa phương có thời gian công tác trong lĩnh vực tuyên giáo nói chung và tại ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy nói riêng tương đối lâu năm, vì vậy có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Sau Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã có sự biến động nhất định. Một số đồng chí lãnh đạo ban được bổ nhiệm vị trí cao hơn hoặc điều động, chuyển sang vị trí công tác mới, một số đồng chí trưởng thành, được bổ nhiệm tại chỗ, đồng thời tiếp nhận cán bộ về công tác tại ban, một số đồng chí nghỉ hưu theo chế độ; một số đồng chí trưởng phòng được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc các sở, ngành.
100% cán bộ lãnh đạo ban tuyên giáo cấp tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trong đó, có 98 đồng chí trình độ thạc sĩ, chiếm 46,7%; 11đồng chí trình độ tiến sĩ, chiếm 5,5%. Phần lớn các đồng chí lãnh đạo ban (nhất là các đồng chí phó trưởng ban) đều là những đồng chí có thời gian công tác lâu năm trong ngành Tuyên giáo, có đồng chí lâu năm nhất là 37 năm, nên có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và quản lý.
Cho đến nay, tất cả các ban tuyên giáo về cơ bản đã thực hiện việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo ban, với 1 đồng chí trưởng ban và 2 đến 3 đồng chí phó trưởng ban. Tổng chỉ tiêu biên chế so với chỉ tiêu được phân bổ đạt 93%, cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác.
Tính đến tháng 6/2021, số lượng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh là: 1.528 đồng chí (chỉ tiêu được phân bổ là 1.643 người), đạt 93%; trong đó: Nam: 769 đồng chí, chiếm tỷ lệ 50,3%; nữ: 759 đồng chí,chiếm tỷ lệ 49,7%. Lãnh đạo cấp ban: 210 đồng chí. Lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên và nhân viên: 1.318 đồng chí.
Về trình độ chuyên môn: Trên đại học có 643 đồng chí, chiếm tỷ lệ 42,1%. Đại học có 845 đồng chí, chiếm tỷ lệ 55,3%. Cao đẳng có 23 đồng chí, chiếm tỷ lệ 2,27%.
Về trình độ lý luận chính trị: Trình độ cao cấp và cử nhân có 930 đồng chí, chiếm tỷ lệ 60,86%. Trung cấp có 433 đồng chí, chiếm tỷ lệ 28,34%. Sơ cấp: 99 đồng chí, chiếm tỷ lệ 6,48%. Chưa qua đào tạo: 66 đồng chí, chiếm tỷ lệ 4,32%.
Về độ tuổi: Dưới 30 tuổi có 33 đồng chí, chiếm tỷ lệ 1,12%. Từ 31-40 tuổi có 648 đồng chí, chiếm tỷ lệ 42,45%. Từ 41- 50 tuổi có 604 đồng chí, chiếm tỷ lệ 39,53%.Trên 50 tuổi có 243 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,9%.
Số cán bộ đã tham gia lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo: 1.153 đồng chí, chiếm 75,46%.
Về số lượng và chất lượng lãnh đạo các ban tuyên giáo
Hiện cả nước có 210 đồng chí lãnh đạo ban tuyên giáo cấp tỉnh, trong đó: Nam: 164 đồng chí, chiếm tỷ lệ 78%. Nữ: 46 đồng chí, chiếm tỷ lệ 22%.
|
CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CÁC TỈNH, THÀNH ỦY GẮN VỚI QUY HOẠCH, TẠO NGUỒN, PHÁT TRIỂN
Trong những năm qua, công tác đào tạo cán bộ tuyên giáo các tỉnh, thành được thực hiện thường xuyên, gắn với định hướng quy hoạch, tạo nguồn phát triển cán bộ, có tính tới sự kế thừa và định hướng phát triển. Hiện nay, số cán bộ tuyên giáo tại ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy được đào tạo sau đại học và cao cấp lý luận chính trị ngày càng tăng. Các chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm kịp thời, trên cơ sở quy hoạch và khả năng, trình độ, phẩm chất và năng lực cán bộ, nhìn chung đủ năng lực thực thi nhiệm vụ được giao.
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tuyên giáo. Hằng năm, kế hoạch bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với thực tế đặc điểm tình hình của địa phương, có sự phối hợp với các đơn vị đào tạo tại chỗ, mở các lớp tập huấn với sự tham gia giảng dạy của cán bộ từ trung ương và lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Phần lớn ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đều mở lớp tập huấn tập trung vào các lĩnh vực như: công tác điều tra, phản ánh, nắm bắt dư luận xã hội, công tác lý luận chính trị, kỹ năng tuyên truyền miệng, công tác khoa giáo, văn hóa văn nghệ, Lịch sử Đảng…
Công tác đánh giá, phân loại, sử dụng cán bộ được ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy thực hiện nghiêm túc; công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ giữa các phòng chuyên môn được thực hiện dân chủ, đảm bảo đúng quy trình, trình tự, các tiêu chí, tiêu chuẩn cho từng vị trí, chức danh và quy trình trong việc luân chuyển, góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo. Các đồng chí sau khi được bổ nhiệm đều phát huy được sở trường, khả năng công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tuyển dụng cán bộ được thực hiện theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của bộ máy tuyên giáo cấp tỉnh.
MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Tuy nhiên, đánh giá khách quan, ở một số tỉnh, thành ủy có tình trạng hụt hẫng về đội ngũ cán bộ tuyên giáo, sự tiếp nối, kế thừa giữa các thế hệ nhất là sự chênh lệch về năng lực tham mưu giữa lực lượng nòng cốt với lực lượng đại trà còn khoảng cách khá xa. Một bộ phận cán bộ tuyên giáo còn thiên về thực thi nhiệm vụ một cách thụ động, làm theo lối sự vụ hành chính. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nói, viết và tham mưu cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo chưa có chiều sâu, chưa dày công.
Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu, chưa xây dựng kế hoạch dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng, chưa có những chuyên gia đầu ngành, chuyên sâu về các lĩnh vực công tác tuyên giáo; sự kết nối lực lượng trong hệ thống chính trị và ngoài xã hội chưa chặt chẽ.
Tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình của cán bô tuyên giáo chưa cao, đánh giá cán bộ còn chung chung, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”.
Việc thực hiện Quy định 219-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy” ở nhiều địa phương còn lúng túng và bất cập dẫn đến mô hình ban tuyên giáo ở các địa phương khác nhau, chưa thống nhất trong toàn quốc.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH TUYÊN GIÁO
Nhiệm vụ cơ bản đặt ra cho ngành tuyên giáo cả nước trong thời gian tới là phải tiếp tục bám sát thực tế cuộc sống, đổi mới sâu sắc, toàn diện phương thức, nội dung hoạt động, tiếp tục “nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị”. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học... xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền của Đảng” có vai trò vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực.
Xây dựng chiến lược phát triển và thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc một cách thiết thực, hiệu quả.
Có cơ chế tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo được tham gia các khóa học tập dài hạn, ngắn hạn về cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương cần lập kế hoạch dài hạn và hằng năm nhằm bảo đảm cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo phải được đào tạo bài bản, chính quy, có khả năng phát triển lâu dài bằng nghề nghiệp, đồng thời tạo nguồn cho cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương thức hoạt động; sử dụng triệt để những tiện ích, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên giáo, trong việc đấu tranh, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tuyên giáo được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn. Môi trường, điều kiện làm việc khác nhau sẽ giúp cho cán bộ phát huy được khả năng, sức sáng tạo, đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ chưa qua thực tiễn.Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ làm công tác tuyên giáo ở các cấp bảo đảm phát huy được sở trường của cán bộ, sử dụng đúng người, đúng việc. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những cán bộ đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ thiếu về phẩm chất và năng lực ở những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết kéo dài.
Thực hiện tốt chế độ quản lý cán bộ, nhất là quản lý chất lượng chính trị; bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ. Đây vừa là giải pháp vừa là yêu cầu kết hợp biểu dương khen thưởng đúng mức các cán bộ có thành tích với việc kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hoá biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Phải đào tạo, rèn luyện, thử thách mới có được cán bộ tốt. Theo đó, “kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nghiêm khắc nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị tuyên giáo để rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
Ban tuyên giáo các các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực tham mưu cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở để thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn kết chặt chẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân đối với việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ gìn môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Hai là, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, ngành Tuyên giáo phải tiên phong trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ.
Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý về vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cần làm cho mỗi cán bộ, công chức hiểu rõ bản chất, yêu cầu đặt ra trong thực thi nhiệm vụ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó hình thành ý thức công vụ của từng cán bộ, công chức gắn với mục tiêu phát triển của đơn vị, địa phương hay quốc gia. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để phát huy tài năng, tâm huyết, khát vọng cống hiến, làm việc của cán bộ, công chức vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong xã hội thông tin ngày nay, cán bộ Tuyên giáo các cấp nhất thiết phải biết về công nghệ, có trình độ quản trị mạng, có năng lực khai thác, sàng lọc, xử lý thông tin và đấu tranh chống các luồng tin xấu, độc trên không gian mạng. Mỗi người cán bộ Tuyên giáo phải có ý thức phấn đấu trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực của mình và góp phần nâng cao “sức mạnh” toàn ngành. Cán bộ Tuyên giáo phải không ngừng học tập để có sự tinh thông về tri thức, nghiệp vụ; tích cực rèn luyện khả năng nghiên cứu lý luận, nâng cao hàm lượng khoa học trong công tác, rèn luyện kỹ năng “nghe kỹ, nghĩ nhanh, viết rành, nói giỏi”.
Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên giáo, Đảng và nhà nước phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện tác nghiệp cho cán bộ Tuyên giáo, nhất là ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, việc đầu tư tài chính chưa tương xứng với vai trò của Tuyên giáo và yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt, càng ở cấp thấp, ngân sách dành cho Tuyên giáo càng chiếm tỷ lệ nhỏ. Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc hoàn thiện chính sách, chế độ đặc thù cho cán bộ Tuyên giáo, góp phần giúp mỗi cán bộ Tuyên giáo có thể yên tâm sống bằng nghề.
Hệ thống tuyên giáo các cấp được kết nối để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện được tối đa các hoạt động tuyên truyền và phản hồi thông tin có kiểm soát.
Bốn là xây dựng hệ thống đồng bộ, thống nhất, kết nối số trong toàn ngành tuyên giáo
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền các cấp; cùng với phương châm “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đổi mới tư duy, cách làm linh hoạt, sáng tạo, áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số; phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, định hướng và triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trong toàn ngành Tuyên giáo, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, kịp thời, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội tích cực, giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng, trong thời gian tới, toàn ngành Tuyên giáo quyết tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm sau: (1) Ưu tiên triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong toàn ngành Tuyên giáo; (2) Rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu, yêu cầu của “công dân số” trong ngành Tuyên giáo để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch chuyển đổi số với lộ trình và giải pháp phù hợp. Định hình hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo trên 3 trụ cột: Trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số; (3) Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, triển khai và hoàn thiện các phần mềm phục vụ các lĩnh vực công tác, như: Phần mềm “Theo dõi báo chí và các trang mạng xã hội”; phần mềm “Thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu nghị quyết của Đảng”; phần mềm “Phản ánh kiến nghị” trên thiết bị di động; nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương và các tỉnh/thành uỷ; tích hợp thêm nhiều tính năng, phần mềm phục vụ công tác Tuyên giáo nhằm xây dựng kho “dữ liệu lớn” trên Cổng thông tin; (4) Tiếp tục đẩy mạnh công tác số hóa, cập nhật các ấn phẩm đã được phát hành lên phần mềm ấn phẩm điện tử; (5) Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, sử dụng 100% tài liệu điện tử có mã QR-Code trong tổ chức cuộc họp, hội nghị, cuộc thi, hội thi của ngành Tuyên giáo; (6) Đẩy mạnh phối hợp với các ban, bộ, ngành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong truyền thông số;…
PGS.TS. Phạm Ngọc Linh