Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 29/5/2014 15:12'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy về công tác phân luồng học sinh sau trung học

Đồng chí Lâm Phương Thanh phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Lâm Phương Thanh phát biểu tại Hội thảo

Ngày 29-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác Đức (GIZ) tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Tuyên giáo các tỉnh/thành ủy về công tác phân luồng học sinh sau trung học”. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lâm Phương Thanh khẳng định: Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề là một chủ trương lớn đã được nêu trong các văn kiện của Đảng trong gần hai chục năm qua. Chủ trương lớn này đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồn học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”. Nhiệm vụ và giải pháp thứ tư trong Chỉ thị này đã nêu rõ: “Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học nghề; hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề; có cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau trung học cơ sở qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn”. Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Ngày 4-11-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), kỳ họp thứ Tám đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một lần nữa, Trung ương nhấn mạnh chủ trương phân luồng học sinh sau trung học và được đưa vào mục tiêu của Nghị quyết: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông, có nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương”.

Đồng chí Lâm Phương Thanh nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo lần này nhằm xác định tầm quan trọng của công tác phân luồng đối với việc tái cấu trúc nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, khuyến nghị các cơ quan chức năng rà soát các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các yếu tố ảnh hưởng đến công tác phân luồng học sinh sau trung hoc, trên cơ sở đó đề xuất hệ thống giải pháp tháo gỡ những khó khăn của công tác phân luồng học sinh sau trung học, đề xuất những định hướng đổi mới nội dung, phương thức tham mưu của các Ban Tuyên giáo cho các cấp ủy Đảng, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phân luồng học sinh đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn lực địa phương và đất  nước trong giai đoạn tới.

 
 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến về thực trạng công tác  phân luồng học sinh sau trung học – nguyên nhân không thực hiện được chủ trương phân luồng; Những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh công tác phân luồng; những bất cập về chính sách đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tác động đến công tác phân luồng học sinh sau trung học;  tác động của việc xây dựng xã hội học tập đối với phân luồng học sinh sau trung học; tầm quan trọng và vai trò của các ban Tuyên giáo đối với công tác phân luồng.

Theo đồng chí Nguyễn Đắc Hưng (Vụ trưởng, Vụ Giáo dục & Đào tạo, dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, nhìn lại 18 năm (kể từ năm 1996 khi có Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về phát triển giáo dục và đào tạo), đến nay, công tác phân luồng học sinh sau trung học nhất là đối với học sinh tốt nghiệp THCS tồn tại nhiều yếu kém. Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn nghề chưa thực hiện tốt, dẫn đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không đi học nghề, đa số thi vào THPT năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2011-2012, tỷ lệ này là 80,36% . Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng luôn chiếm xấp xỉ 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi, trong khi số học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp chỉ chiếm trên dưới 27%; số học sinh đi vào thị trường lao động chiếm trên dưới 23%. Đáng chú ý là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không tiếp tục học nghề ngày càng đông với số lượng hiện nay khoảng gần 300.000 người, gây ra sự lãng phí trong đào tạo và sự thiếu hụt lao động qua đào tạo ngày càng tăng.

Nguyên nhân của sự bất hợp lý về cơ cấu tuyển sinh như trên chính là vì không thực hiện  được công tác phân luồng, đã làm cho cơ cấu nhân lực của nước ta ngày càng trở nên bất hợp lý và không đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước.

Không những thế, xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng, nhất là tỷ lệ giữa Đại học (ĐH)/Trung cấp (TC) và công nhân kỹ thuật (CNKT). Năm  1979, tỷ lệ này là 1 kỹ sư/2,25 TCCN/7,1 CNKT; năm 2012, cơ cấu nguồn nhân lực ở Việt Nam là 1 kỹ sư/ 0,43 TCCN/ 0,56 CNKT; trong khi đó ở những nước trên thế giới trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa thì tỷ lệ này là 1/4/10.

Theo con số thống kê năm 2013 được công bố, có tới 72.000 người có trình độ đại học và thạc sỹ thất nghiệp, nếu tính cả số tốt nghiệp đại học làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo thì con số này rất cao. Ở một số địa phương, trong vài năm gần đây, chỉ có khoảng 20% cử nhân mới ra trường được làm việc đúng nghề, còn lại khoảng 80% cử nhân thất nghiệp hoặc làm không đúng nghề, không đúng với trình độ đào tạo. Thực tế hiện nay, có một số lượng khá lớn người có bằng cử nhân, bằng thạc sỹ, sau một thời gian thất nghiệp phải chấp nhận  đi học nghề để có cơ hội tìm việc làm, hoặc phải đi xin việc với mức lương của lao động phổ thông. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật ở các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn nhưng lại thiếu nguồn tuyển; nguồn nhân lực có trình độ đại học lại quá thừa và không đáp ứng yêu cầu.

Đồng chí Phạm Như Nghệ (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho rằng việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học trong các cơ sở giáo dục nhà nước cần có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và chính quyền địa phương. Phân luồng học sinh phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, nhu cầu của địa phương và của cả nước, làm cho đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội. Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những địa phương còn có điều kiện kinh tế khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn hạn chế. Hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phân luồng cũng như việc học tập suốt đời của người dân.

Để nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy về công tác phân luồng học sinh  sau trung học, cần chú trọng một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện Chỉ thị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đối với thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, đặc biệt chú trọng công tác phân luồng học sinh. Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với người dân về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng học sinh sau trung học.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các  yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học phục vụ phân luồng học sinh.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề.

Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý. Quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo tập trung xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến, quy hoạch, kế hoạch dạy nghề, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách và dạy nghề, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không làm thay đổi công tác quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thứ năm, định hướng, điều chỉnh phân luồng học sinh theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia. Đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.

Thứ sáu, quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, TCCN, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở đào tạo, các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, đi đối với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của các ngành kinh tế.

Phát triển mô hình giáo dục gắn dạy chữ với dạy nghề, trên cơ sở nghiên cứu sáp nhập vào các trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp.

Thứ bảy, đầu tư mở rộng quy mô và chú ý điều chỉnh cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực theo quy hoạch quốc gia, từng địa phương, từng ngnafh, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tám, xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền, cung cấp thông tin, giúp cho Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hanhgf các bộ, ngành, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực đáp  ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học cao đẳng, nhất là những ngành đã thừa nhân lực.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất