Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức chương trình tập huấn Công tác dược và y học cổ truyền: thực trạng, thách thức và giải pháp.
Theo Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Văn Dũng, mục đích của lớp tập huấn là cung cấp những quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại cho cán bộ làm công tác tuyên giáo. Từ đó, nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền của cán bộ tuyên giáo cho các cấp, các ngành tại địa phương về vấn đề này. Bên cạnh đó, chương trình tập huấn, cung cấp các kiến thức cơ bản về y dược cổ truyền nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ tuyên giáo các cấp, từ đó tham mưu tích cực, chủ động và cụ thể cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Chương trình tập huấn cũng là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động y học cổ truyền tại địa phương, kiến nghị, đề xuất các chính sách và giải pháp cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả sự kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở Việt Nam trong thời kỳ tới.
Tại chương trình tập huấn, các đại biểu đã được nghe và thảo luận các chuyên đề: Công tác quản lý chất lượng thuốc toàn diện-triển khai áp dụng các nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt, hoạt động quản lý, kiểm tra kiểm soát đảm bảo chất lượng thuốc tại Việt Nam; chuyên đề thông tin và hình ảnh về hoạt động đầu tư sản xuất thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc của các doanh nghiệp dược trong nước. Thông tin hình ảnh về chất lượng thuốc, các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế và việc ưu tiên thuốc sản xuất trong nước trong đấu thầu; Hệ thống y dược cổ truyền Việt Nam: thực trạng, thách thức và giải pháp; Thực trạng và giải pháp nguồn nhân lực y dược cổ truyền.
Tăng trưởng sản xuất thuốc trong nước năm 2012: tổng giá trị tiền thuốc ước tính khoảng 2.6000 triệu USD, trong đó giá trị sản xuất trong nước khoảng 1200 triệu USD. Giá trị sản xuất trong nước tăng trưởng từ 200.29 triệu USD vào năm 2002, đến năm 2012 đạt khoảng 1.200 triệu USD tăng 5, 26% so với năm 2011. Tổng giá trị xuất khẩu thuốc năm 2012 khoảng 100 triệu USD, tăng khoảng 7,5% so với năm 2011. Tiền thuốc bình quân đầu người tăng từ 6,7 USD năm 2002 lên khoảng 29,5 USD vào năm 2012.
Để nâng cao chất lượng thuốc trong nước cần tăng cường các định hướng: Đầu tư nghiên cứu các dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, nghiên cứu sản xuất thuốc mới. Đẩy mạnh sản xuất thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế, thuốc phục vụ cho các chương trình y tế quốc gia. Phát triển sản xuất nguyên liệu hoá dược cung cấp nguyên liệu, tá dược làm thuốc cho CN dược, trong đó nguyên liệu kháng sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin trong CN dược, hệ thống phân phối, cung ứng thuốc. Phát triển ngành dược thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên môn hoá. Nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước. Xây dựng Chính sách quốc gia về dược và chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Đảm bảo thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 70% vào năm 2020 và 80% vào năm 2030. Xây dựng và triển khai các đề án: “Đề án quy hoạch hệ thống lưu thông phân phối thuốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030” và “Đề án quy hoạch công nghiệp dược Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó, cần phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu và y học cổ truyền, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu. Đến năm 2015, đảm bảo 30% số thuốc sản xuất trong nước có nguồn gốc từ dược liệu. Quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt GAP và GACP, đẩy mạnh nuôi trồng dược liệu theo hướng chuyên canh, tập trung. Đẩy mạnh sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu. Phát triển cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc: các văn bản liên quan thử nghiệm BA/BE… Đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống kiểm tra chất lượng thuốc để phục vụ công tác giám sát thị trường. Tăng cường thực hiện cơ chế hậu kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp không đảm bảo chất lượng thuốc qua việc kiểm tra chất lượng trên thị trường.
Bảo Châu