Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 10/3/2013 20:19'(GMT+7)

Nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở Điện Biên

Đội văn nghệ bản Ten, xã Mường Phăng tham gia Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc huyện Điện Biên.

Đội văn nghệ bản Ten, xã Mường Phăng tham gia Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc huyện Điện Biên.

       Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình chủ yếu là đồi núi, là địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đây là địa danh nổi tiếng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tỉnh có 19 dân tộc anh em sinh sống, với kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, độc đáo; có nhiều di tích lịch sử, lễ hội dân tộc truyền thống, nhiều lễ tục cổ truyền còn được lưu giữ. Tuy vậy, Điện Biên  cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa: kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, hạ tầng kinh tế- xã hội còn khó khăn, lạc hậu…; nhận thức về văn hóa trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, hoạt động văn hóa trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Một số di tích, lễ hội, phong tục văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, chưa được bảo tồn nguyên vẹn.

       Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Điện Biên đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5(khóa VIII) và các nghị quyết của đảng về văn hóa. Từ đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; Chủ động xây dựng nhiều chương trình hành động thực hiện, bước đầu đã đạt nhiều kết quả trên một số lĩnh vực:

       Về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống: chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác lý luận của đảng, triển khai đồng bộ, sâu rộng, toàn diện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI )“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

       Về phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, khoa học- công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài: Ban chấp hành Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 01/11/2006 thực hiện Chương trình nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006-2010; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 23/3/2012 về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tỷ lệ lao động được đào tạo được nâng lên từ 16,41% năm 2005 lên 30,64% năm 2010.

       Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Đã huy động được các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng đời sống văn hóa, củng cố thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 61.486/107.787 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 57%), 716/1.757 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt 40,8%), 1.650/1.757 khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc” (đạt 96%); 1.036/1.220 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 84,9%).

       Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa cơ sở, từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1284/KH-UBND ngày 09/8/2010, về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều thôn, bản, dòng họ đã bàn bạc, thống nhất và xây dựng những bản quy ước, hương ước phù hợp với pháp luật, kế thừa được những nét văn hóa trong phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân các dân tộc, coi đây là một tiêu chí để bình xét, đánh giá công nhận hàng năm. 80% các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn trước khi cưới. Việc tang tổ chức trang nghiêm, chu đáo, tiết kiệm, một số nơi đã quy hoạch nghĩa trang phù hợp với đặc điểm địa lý dân cư.

        Về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thực hiện Chỉ thị 39/1998/TTg ngày 13/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, nhất là dân tộc ít người được tiến hành thường xuyên. Sau 15 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả trong công tác nghiên cứu, phát triển văn hóa các dân tộc như văn hóa dân tộc Cống, Mảng, La hủ, Si la, Hà Nhì, Lự; sưu tầm, gìn giữ những tác phẩm “Chuyện kể bản Mường”, “Lạn Chượng”, “Sống trụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”…, khôi phục và duy trì một số lễ hội như: lễ hội Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, Điện Biên), lễ hội “Kin Lẩu Búa” của dân tộc Thái, “Lễ cưới” của dân tộc Hà Nhì, “Xék Pang Ả” của dân tộc Kháng, “Khlăng Khủa” của dân tộc Mông…Trùng tu, tôn tạo các tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng: quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thành Bản Phủ, những danh lam thắng cảnh thiên nhiên như Tháp Mường Luân, thành Chiêng Lề, động Pa Thơm, hồ U Va…Điên Biên có 30 lễ hội (22 lễ hội dân gian, 6 lễ hội du nhập từ nước ngoài, 2 lễ hội lịch sử cách mạng) chủ yếu do thôn bản đứng ra tổ chức, thực hiện đúng quy định, tiết kiệm, lành mạnh. Hiện tỉnh có 9 di tích được xếp hạng (1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt), đang lập hồ sơ xếp hạng cho 6 di tích khác; tỉnh đang triển khai công tác quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của 3 di tích và lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị 3 di tích.

       Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 215 nhà văn hóa, trong đó: cấp tỉnh có 2 nhà văn hóa (Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh). Cấp huyện có 6/10 huyện Nhà văn hóa kiêm hội trường, đạt 60%. Có 25/130 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 19,23%; trong đó địa bàn nông thôn có 21/116 xã có nhà văn hóa, đạt 18,1%; có 11/23 nhà văn hóa cấp xã được đầu tư trang thiết bị để hoạt động chiếm 47,8%. Toàn tỉnh hiện có 182/1.757 thôn, bản tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 10,36%, trong đó địa bàn nông thôn có 118/1.514 thôn, bản có nhà văn hóa đạt 7,7%.

       Về phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về văn hóa, nghệ thuật, các ngành chức năng đã triển khai các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ sáng tác và quản lý; tổ chức các hoạt động phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước và quốc tế; phối hợp trong công tác xét thưởng các giải thưởng và các danh hiệu Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đã có một số tác phẩm nghệ thuật được phát hành, có chất lượng cao; một số tác phẩm đạt giải trong các Hội thi toàn quốc và khu vực. Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển, tâm huyết với nghề nghiệp. Văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số có bước phát triển về số lượng và khả năng, năng lực sáng tác. Lực lượng sáng tác trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, theo xu hướng tích cực.

       Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thông tin báo chí. Báo Điện Biên Phủ được củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ; bổ sung đội ngũ phóng viên, biên tập viên; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ báo chí tương đối hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo. Các tạp chí, bản tin của một số ban, ngành trong tỉnh sau khi được cấp phép và đi vào hoạt động đã bám sát tôn chỉ, mục đích được quy định, định hướng của các bộ, ngành chủ quản và của tỉnh. Đã tích cực tham gia tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin, nhất là những thông tin chuyên ngành cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được đọc giả đánh giá cao và ghi nhận.

       Hệ thống phát thanh - truyền hình từ tỉnh tới huyện và cụm dân cư được duy trì. Thời lượng phát sóng các chương trình, hệ số sóng chuẩn đến các vùng dân cư ngày một tăng. Các tin bài, chương trình do đài phát thanh truyền hình tỉnh biên tập, sản xuất đảm bảo đúng định hướng, thông tin kịp thời, chính xác, nội dung, chương trình được cải tiến, nâng cao, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuyển tải thông tin của cá nhân và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.

       Hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế. Trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã tiến hành một số hoạt động như: giao lưu của huyện Điện Biên với các tỉnh bắc Lào; của thành phố Điện Biên Phủ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra còn có hàng trăm lượt văn nghệ sỹ, hàng chục lượt các doanh nghệ thuật của Trung ương, các tỉnh bạn đến nghiên cứu thực tế, sáng tác, biểu diễn, trao đổi nghiệp vụ tại tỉnh.

       Xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ủy luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến  nay, toàn tỉnh có 72 đồng chí cán bộ chuyên trách công tác ở Ban Tuyên giáo tỉnh và ở các huyện thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; 23 đồng chí làm công tác tuyên huấn MTTQ và các đoàn thể tỉnh; 5 đồng chí báo cáo viên Trung ương, 31 báo cáo viên cấp tỉnh; 288 báo cáo viên cấp huyện, 1.076 tuyên truyền viên cơ sở; 52 giáo viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành ủy; 482 cán bộ, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thông tin, 137 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công chức viên chức thuộc các cơ quan báo chí; 10 hội viên Hội Nhà báo và 118 Hội Văn học nghệ thuật. Chất lượng đội ngũ cán bộ trong khối tư tưởng - văn hóa ngày một nâng lên.

Tuy vậy, việc cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 và chương trình hành động thực hiện nghị quyết còn hạn chế.

Đó là, một số cấp ủy chưa quan tâm chỉ đạo việc gắn kết các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đảng và phát triển văn hóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục,vận động quần chúng một số nơi làm chưa tốt, chưa cảnh giác nên bị lôi kéo vào hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, di cư tự do; một số cán bộ, đảng viên còn vi phạm: quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu, mắc tệ nạn xã hội… Môi trường văn hóa phát triển không đều, chất lượng thấp (phường Mường Thanh thiếu đất xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư). Chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, khu vực cao. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn nặng về hình thức. Hoạt động thông tin, báo chí, văn hóa, văn nghệ tuy có bước phát triển mới nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là dân tộc ít người còn ít về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo còn nhiều khó khăn và bất cập cả về yêu cầu phát triển số lượng và nâng cao chất lượng.

Những cố gắng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Điện Biên trong việc xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian qua là đáng trân trọng. Văn hóa vùng biên cương phía Bắc đã và đang đổi thay, trở thành nguồn lực mạnh mẽ đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Mỗi người dân đều ý thức được việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình là góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vũ Công Hội

      


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất