Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 10/5/2011 21:28'(GMT+7)

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trong thành tựu đạt được của các KCN, KKT Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của 1,6 triệu lao động đang trực tiếp làm việc tại đây. Việc đảm bảo cho công nhân KCN, KKT những điều kiện lao động ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết của các cơ quan chức năng cũng như của các doanh nghiệp.

Đến nay, cả nước có 260 KCN, 15 KKT được thành lập. Các KCN, KKT đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tính đến hết năm 2010, các KCN của Việt Nam đã thu hút được gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 53,6 tỷ USD và gần 4.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 336.000 tỷ đồng.

Đến hết năm 2010, các KCN đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động trực tiếp. Nhu cầu tăng thêm lao động bình quân là 10%-15%/năm. Mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp trong các KCN đạt bình quân 2 triệu/tháng, bao gồm cả các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, chuyên cần, nhà trọ, làm thêm giờ... Tuy nhiên, với mức độ lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, nhất là tại các khu đô thị tập trung đông người thì cuộc sống của họ không được cải thiện. Hiện có tới 48,2% lao động có mức thu nhập thấp nên phần lớn phải làm thêm giờ hoặc chấp nhận sống thiếu thốn; 30,7% số CNLĐ cho rằng tiền công, phụ cấp doanh nghiệp trả cho họ chưa được thỏa đáng so với công sức bỏ ra.

Đời sống vật chất của CNLĐ trong các khu KCN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa đồng bộ với sự phát triển các KCN. Tại các địa phương, chính quyền sở tại cũng chưa có sự quan tâm giúp đỡ, chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ. Về phía các doanh nghiệp, họ chỉ quan tâm đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất, còn các nội dung chi gắn liền với các công trình vui chơi, giải trí, cải thiện sức khỏe cho CNLĐ hầu như chưa được quan tâm giải quyết.

Để cải thiện điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN, KKT, Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN, KKT phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với doanh nghiệp cần nâng tối đa định mức chi trợ cấp cho công nhân nghèo phù hợp giá cả thị trường; triển khai các hoạt động phù hợp nhằm tăng cường công tác an toàn, hiệu quả trong lao động, giảm thiểu tai nạn cho công nhân. Khi có tranh chấp lao động, chủ doanh nghiệp phải chủ động, thiện chí bàn bạc với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để thương lượng, thỏa thuận giữa các bên hoặc đề nghị hội đồng hòa giải tiến hành hòa giải...

Tiến sĩ Đăng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn cho rằng, các doanh nghiệp cần hoàn thiện chính sách tiền lương, có cơ chế linh hoạt phù hợp với thị trường lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sớm nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở. Các tỉnh, thành phố khi có quy hoạch KCN nhất thiết phải quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Với nhà ở do người dân tự đầu tư đang cho CNLĐ thuê chưa đạt tiêu chuẩn hiện nay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp để chủ nhà cải tạo, đảm bảo tiện nghi sinh hoạt tối thiểu cho CNLĐ thuê theo quy định.../.

Thúy Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất