Thứ Tư, 27/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 9/1/2015 20:23'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã

Ngày 9-1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Nhìn lại một năm thực hiện Hướng dẫn số 98-HD/BTGTW về “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã”. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh, Hướng dẫn số 98- HD/BTGTW về “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã” ra đời với mục đích hướng dẫn các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, giải pháp chủ yếu của Đảng: “Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức phải xử lý nghiêm các hành vi  sử dụng lãng phí tài nguyên, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật  hoang dã” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã nêu.

Sau 2 năm thực hiện Hướng dẫn này, Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận, biểu dương những nỗ lực rất đáng khích lệ của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như sự tham gia giúp sức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước trong năm qua.

Đặc biệt, thông qua  Hội thảo, Ban Tổ chức cũng muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Hướng dẫn trong thực tế. Từ đó, tiếp tục thúc đẩy việc tuyên truyền giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương. Các ý kiến tham luận tập trung vào hai nội dung: Thứ nhất, nhìn lại tình hình sau một năm thực hiện Hướng dẫn 98 – ghi nhận những nỗ lực phối hợp đáng biểu dương, những kết quả đạt được đồng thời cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tế để Hội thảo cùng bàn biện pháp tháo gỡ. Thứ hai, kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền giảm cầu tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

Các ý kiến tham luận đã thể hiện trách nhiệm và những nỗ lực triển khai trong thực tiễn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Đảng ủy khối đối với việc tuyên truyền thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, gửi văn bản, lồng ghép với các nội dung tuyên truyền về môi trường, loa truyền thanh, tuyên truyền miệng, phổ biến tại chi bộ, vận động đến các hộ buôn bán, bài giảng ở nhà trường, xóa bỏ nhiều biển bảng quảng cáo động vật hoang dã, đóng cửa chợ buôn bán động vật hoang dã. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin hàng ngày liên quan, tổ chức diễn đàn trên internet, tạo dư luận phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật. Các hoạt động truyền thông được diễn ra vào dịp lễ Tết và thường xuyên do Bộ TN&MT(Cục bảo tồn đa dạng sinh học) chủ trì phối hợp các bộ, ban, ngành với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu. Chương trình tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng Tê giác do CITES Việt Nam chủ trì phối hợp tuyên truyền rộng rãi thông điệp về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác

Theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện KSND Tối cao, từ 2009 đến 2013, số vụ án được khởi tố điều tra và truy tố về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ gần 500 vụ, với gần 750 bị can. Nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm đã được thực hiện. Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang soạn thảo Thông tư liên tịch về “Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép sừng tê giác, ngà voi”, sẽ ban hành trong thời gian tới.

"Qua khảo sát, hiện nay còn rất ít cửa hàng bán sừng tê giác“, - ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam cho biết. “Trước đây nếu khảo sát 10 hiệu thuốc Đông y thì có đến 9 nơi bán sừng tê giác”. Từ 2004 tới nay, số lượng bắt giữ các vụ vận chuyến trái phép sừng tê giác của Việt Nam đứng đầu thế giới, với gần 150 kg.  Bên cạnh giảm về số lượng cửa hàng buôn bán trái phép, giá mua bán cũng giảm khoảng 50% (từ trên 100 triệu – 50/70 triệu VND). Số người tin sừng tê giác chữa bách bệnh đã giảm, theo các cuộc khảo sát và thăm dò ý kiến của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị cần thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã trong thời gian tới. Đó là:

Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, quan tâm đầu tư, lồng ghép, phối hợp hoạt động, chú trọng dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Thứ hai,  tăng cường nhiều hơn nữa các chương trình truyền thông phối hợp (từ các dự án do bộ, ngành chủ trì phối hợp, hỗ trợ địa phương).

Thứ ba, tuyên truyền pháp luật - Hướng dẫn thực thi pháp luật – củng cố niềm tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Thứ tư, tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là công an, hải quan, Cites VN… để các bên cùng phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng, tương trợ tư pháp về điều tra hình sự. Các bên liên quan cũng cần tăng cường xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm cụ thể đồng thời công khai thông tin về các vụ vi phạm và xử lý vi phạm; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả cộng đồng giám sát.

Thứ năm, quy hoạch, quản lý các vùng gây nuôi, phát triển kinh tế.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất