(TG)- Năm 2015, Bệnh viện phổi Hà Nội đã tiếp nhận 2.650 người mắc bệnh lao các thể, trong đó số người mắc lao phổi chiếm hơn 80%… Trước đây, do chưa có thuốc chữa, chưa có thông tin đầy đủ nên việc điều trị cho bệnh nhân mắc lao kéo dài, việc điều trị lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc vô cùng khó khăn.
Việt Nam là một trong những quốc gia mang gánh nặng về bệnh lao. Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao trên thế giới. Một trong những khó khăn đối với việc điều trị lao cho người dân là tình trạng lao kháng thuốc, hay nói dễ hiểu hơn là bệnh nhân bị kháng với thuốc trị bệnh lao. Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại với các thuốc chống lao, Khi đang điều trị lao nhưng các triệu sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên. Nhiều trường hợp bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì nhưng thực tế, bệnh nhân không biết rằng vi trùng lao “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian ẩn mình và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại và nguy cơ người bệnh bị lao kháng thuốc có thể xảy ra và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu.
Ngày 24/3, Bệnh viện phổi Hà Nội phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, nhằm huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể, cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động phòng chống lao và bệnh phổi; giảm tỷ lệ mắc, chết và lây truyền bệnh lao trong cộng đồng; tích cực phát hiện, điều trị bệnh lao kháng thuốc…
Theo Giám đốc Bệnh viện phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường, để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội tập trung duy trì và đẩy mạnh hoạt động phòng chống lao có hiệu quả của mạng lưới từ thành phố đến xã, phường; thường xuyên đảm bảo cung ứng đầy đủ kịp thời và theo dõi việc cấp phát, bảo quản và sử dụng thuốc chữa lao cũng như vật tư trang thiết bị y tế, máy móc chuyên ngành. Ngành lao thành phố tăng cường tuyên truyền để nâng cao hiểu biết về phòng chống bệnh lao, xã hội hóa phòng chống lao trong nhân dân; tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khám, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị lao cho người nghèo, vô gia cư, bệnh nhân lao/HIV và các đối tượng ở trại giam và các trung tâm giáo dục lao động xã hội của thành phố; tăng cường phát hiện người bệnh lao kháng đa thuốc, hoàn thành sớm việc thu nhận và quản lý điều trị 30 người bệnh lao tiền siêu và siêu kháng thuốc bằng áp dụng điều trị thí điểm thuốc Bedaquiline. Bên cạnh đó, ngành lao thành phố tăng cường áp dụng sáng kiến, biện pháp mới, đặc biệt là kỹ thuật cao trong phát hiện, quản lý, điều trị bệnh lao…
Năm 2015, Bệnh viện phổi Hà Nội đã tiếp nhận 2.650 người mắc bệnh lao các thể, trong đó số người mắc lao phổi chiếm hơn 80%… Trước đây, do chưa có thuốc chữa, chưa có thông tin đầy đủ nên việc điều trị cho bệnh nhân mắc lao kéo dài, việc điều trị lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc vô cùng khó khăn.
Giám đốc Bệnh viện phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường cũng cho biết, hiện nay, bệnh nhân lao đã có cơ hội điều trị theo phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao, kể cả với bệnh lao siêu kháng thuốc. Với phác đồ và thuốc điều trị mới, việc điều trị bệnh lao thông thường chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng, điều trị lao đa kháng thuốc diễn ra trong khoảng 18 tháng. Từ tháng 12/2015, Bệnh viện phổi Hà Nội đã tiến hành điều trị thí điểm cho 30 bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã có tiến triển tốt.
Để kiểm soát tốt nguy cơ nhiễm khuẩn, tránh lây lan, nhất là đối với việc điều trị lao kháng thuốc, hiện bệnh viện đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm phòng bệnh thông thoáng, dành lối đi riêng cho bệnh nhân lao kháng thuốc để tránh lây sang người khác.../.
TG tổng hợp