Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 20/6/2009 9:4'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng

Đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai nghiên cứu quán triệt và tuyên truyền nghị quyết của Đảng nhằm tạo thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của cả xã hội; phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện nghị quyết, nghiên cứu tổng kết rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện các quan điểm, đường lối. Đó là một quy trình chặt chẽ có mối quan hệ mật thiết với nhau và là một trong những yếu tố để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Việc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, xây dựng chương trình hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng trong quy trình nêu trên.

Những hạn chế trong việc thực thi đường lối của Đảng ở nhiều địa phương, đơn vị cũng có nguyên nhân từ những yếu kém kéo dài của công tác triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng. Nhiều cấp uỷ đảng đã thấy rõ chất lượng, hiệu quả triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu và cũng đã có những giải pháp tích cực đổi mới công tác nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Lâu nay, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết vẫn được quan tâm triển khai thực hiện khá đầy đủ yêu cầu nội dung kế hoạch mà cấp trên đề ra. Chủ thể tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết thường được giao chủ yếu cho Ban Tuyên giáo các cấp. Nói cách khác, thông thường, những báo cáo viên truyền đạt, quán triệt nghị quyết được mời là lãnh đạo Ban Tuyên giáo cấp trên hoặc lãnh đạo Ban Tuyên giáo của chính cấp uỷ đó. Bí thư, phó bí thư cấp uỷ có nhiệm vụ chủ yếu là thông qua chương trình hành động của cấp uỷ. Nhưng đa phần nội dung của chương trình hành động ấy là chung chung, na ná như nghị quyết, ít được cụ thể hoá để có thể thực hiện nhanh và có hiệu quả ở chính ngay địa phương hay đơn vị mà cấp ủy ấy phải lãnh đạo. Vì thế, vai trò, trách nhiệm của bí thư, phó bí thư cấp uỷ chưa được thể hiện rõ nét. Trong nhiều trường hợp, cấp uỷ “khoán trắng” cho Ban Tuyên giáo nên hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết không cao.

Nhằm khắc phục tình trạng trên và để nâng cao chất lượng triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 169 - TB/TW ngày 2-8-2008 “về tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các quyết định Hội nghị Trung ương 7 và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X”, trong đó nhấn mạnh:

“Đổi mới việc nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, kết luận và nghị quyết của Bộ Chính trị. Cấp uỷ các địa phương, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị cho cán bộ lãnh đạo và thảo luận chương trình hành động thực hiện nghị quyết ở cấp mình, đảm bảo kết quả cao, thiết thực, tiết kiệm; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Uỷ viên Trung ương, bí thư các cấp uỷ trong việc chỉ đạo, truyền đạt nghị quyết.

Ban Tuyên giáo TW biên tập tài liệu nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị phù hợp với từng đối tượng (cán bộ chủ chốt và báo cáo viên, cán bộ, đảng viên ở cơ sở; tài liệu hỏi đáp, tuyên truyền trong nhân dân)”.

Theo đó, bí thư, phó bí thư cấp uỷ trực tiếp là báo cáo viên tuyên truyền nghị quyết. Ban Tuyên giáo các cấp - lực lượng chính trong việc truyền đạt nghị quyết của Đảng trước đây thì nay có nhiệm vụ cơ bản là tập trung chuẩn bị tài liệu, tham mưu cho cấp uỷ trong việc xây dựng các chương trình hành động, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết của cấp uỷ cấp dưới.

Sau khi có hướng dẫn của Ban Tuyên giáo TW, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đều triển khai nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương. Ở Đảng bộ tỉnh và các đảng bộ trực thuộc cấp tỉnh, hầu hết báo cáo viên là bí thư, phó bí thư cấp uỷ. Tuy nhiên, không ít cấp uỷ cấp đảng bộ trực thuộc tỉnh, bí thư, phó bí thư cấp uỷ ít tham gia truyền đạt nghị quyết và vẫn phải mời báo cáo viên cấp trên. Đặc biệt, ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở, việc mời báo cáo viên cấp trên diễn ra khá phổ biến, làm cho thời gian triển khai quán triệt nghị quyết thường kéo dài quá quy định.

Như vậy, có thể nhận thấy, nhiều cấp uỷ cơ sở và cấp đảng bộ trực thuộc tỉnh thực hiện không nghiêm túc việc bố trí báo cáo viên truyền đạt nghị quyết theo như các quy định của Trung ương đã nêu ra.

Việc kiểm tra, báo cáo, tổng hợp, đánh giá rút kinh nghiệm của các đảng bộ cấp dưới thực hiện những quy định về đội ngũ báo cáo viên theo kế hoạch đề ra ít được quan tâm và chưa kịp thời. Do đó, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về “quy định cứng” của Trung ương đối với đội ngũ báo cáo viên trong việc truyền đạt nghị quyết, dẫn đến nhận thức và hành động thiếu nhất quán.

Đến đợt tuyên truyền nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá X, những quy định về việc báo cáo viên được “mềm hoá”, có nghĩa là nếu nơi nào không có điều kiện thì có thể mời báo cáo viên cấp trên. Vậy là, các đảng bộ cấp huyện và đảng bộ cấp cơ sở đã hầu hết quay trở lại tình trạng như trước. Mục tiêu đổi mới đội ngũ báo cáo viên của hội nghị triển khai nghị quyết Trung ương theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 169 - TB/TW ngày 2-8-2008 không được thực hiện có hiệu quả.

Những năm gần đây, ngoài phương pháp thuyết trình truyền thống, đã xuất hiện ngày càng nhiều nơi sử dụng phương pháp truyền hình trực tuyến, làm phong phú thêm hình thức triển khai nghị quyết, rút ngắn thời gian, giảm chi phí tài chính, nhưng cũng chưa chú trọng quan tâm tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả thực chất để triển khai rộng.

Do lúng túng trong việc bố trí đội ngũ báo cáo viên nên những quy định về thời gian triển khai nghị quyết cũng không được thực hiện nghiêm túc. Việc không thực hiện đúng kế hoạch diễn ra khá phổ biến, làm mất tính thời sự của nghị quyết và là một trong những nguyên nhân khiến nghị quyết chậm đi vào cuộc sống.

Như vậy, rất cần có sự tổng kết thực tiễn; nhìn nhận lại một cách nghiêm túc các quy định của Trung ương về việc triển khai hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng - một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đang rất cần được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Bởi đây là nhân tố đầu tiên, quyết định đến hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác triển khai nghị quyết của Đảng, cần chú trọng một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần đa dạng hoá phương thức triển khai từng nghị quyết.

Có thể thấy rõ, mỗi đối tượng đảng viên đều có nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức khác nhau và do đó thái độ, tinh thần tiếp nhận nội dung của mỗi nghị quyết sẽ khác nhau, thậm chí cả nghị quyết đề cập đến vấn đề chung nhất.

Việc học nghị quyết là trách nhiệm bắt buộc đối với đảng viên. Nhưng, những đặc điểm nêu trên luôn có tác động đến hiệu quả của việc quán triệt nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng. Do đó, về thời gian triển khai nghị quyết, nội dung và phương pháp tuyên truyền nghị quyết cũng cần có quy định cụ thể và có sự phân biệt nhất định. Không nên có quy định bắt buộc thời gian, cách thức tuyên truyền như nhau cho mọi đối tượng. Cần xác định phương thức triển khai theo hướng thiết thực, sát với thực tiễn và nhu cầu đón nhận nghị quyết của đảng viên.

Thứ hai, về yêu cầu quán triệt nội dung từng nghị quyết của Đảng.

Nội dung của mỗi nghị quyết khác nhau nhưng về phương pháp truyền đạt đều có những nét chung. Đó là lý do ban hành nghị quyết, thực trạng, nguyên nhân, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp...

Khi trình bày lý do ban hành nghị quyết, cần phân tích sâu sắc những căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn nhằm nâng tầm tư duy lý luận khoa học cho đội ngũ đảng viên. Khi trình bày phần thực trạng, cần liên hệ tình hình quốc tế, trong nước, đặc biệt là kiểm điểm nghiêm túc ở ngành, địa phương, đơn vị mình (nếu có) về nội dung đó. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi tính chiến đấu, tinh thần phê bình và tự phê bình rất cao. Vai trò của cấp uỷ, đặc biệt là thường trực cấp uỷ là rất quan trọng.

Cần dành thời lượng đáng kể để tập trung phân tích sâu sắc cơ sở lý luận và thực tiễn của từng quan điểm chỉ đạo của Đảng và nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu, những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện nghị quyết.

Việc xây dựng kế hoạch thực hiện hoặc chương trình hành động cần nêu bật được những điểm quan trọng về mục tiêu, giải pháp của chính địa phương, đơn vị mình. Tính trung thành và sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết thể hiện rõ trong nội dung chương trình hành động của cấp uỷ.

Thứ ba, về người thực hiện nhiệm vụ báo cáo viên.

Đó là người có kiến thức chuyên sâu, có khả năng truyền đạt đem lại hiệu quả cao nhất trong việc nâng cao nhận thức cho người nghe. Mục tiêu chính đặt ra là làm sáng tỏ những nội dung của nghị quyết nên không nhất thiết phải “quy định cứng” là bí thư, phó bí thư cấp uỷ hay trưởng Ban Tuyên giáo cấp uỷ hoặc mời cấp trên. Vấn đề mà lâu nay vẫn trăn trở là khi mời báo cáo viên cấp trên thì sẽ ít hoặc không liên hệ với địa phương, đơn vị đó. Nhưng trong thực tế, ngay cả báo cáo viên là bí thư, phó bí thư cấp uỷ sở tại cũng chưa chắc đã tự liên hệ sâu sắc được với địa phương, đơn vị mình.

Do đó, cần xác định việc liên hệ với nội dung nghị quyết phải là của Ban thường vụ cấp uỷ bằng văn bản thể hiện đậm nét trong chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện của cấp uỷ. Ban thường vụ thảo luận, kết luận trên cơ sở liên hệ theo từng nội dung nghị quyết có liên quan đến địa phương, cơ sở. Đồng thời cần dành thời gian đáng kể để đảng viên góp ý kiến vào sự liên hệ đó, thống nhất về phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt nghị quyết tại địa phương, cơ sở mình.

Tuy vậy, cũng cần khắc phục trường hợp thụ động, trông chờ vào việc mời báo cáo viên cấp trên. Nên chăng, khi có nghị quyết, vai trò của Ban Tuyên giáo là sớm có kế hoạch tập huấn, huấn luyện, trao đổi, cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên - đủ về số lượng và nâng cao chất lượng, có khả năng triển khai nghị quyết trong một thời gian ngắn nhất.

Thứ tư, về thời gian triển khai nghị quyết

Thông thường, thời gian triển khai nghị quyết đến đảng viên từ 3 đến 6 tháng (theo kế hoạch) đã làm mất đi tính thời sự của nghị quyết. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Thực tế vẫn có thể thực hiện sớm hơn nếu ngay quá trình soạn thảo đề án nghị quyết cũng là quá trình chuẩn bị nội dung triển khai nghị quyết. Vì thế rất cần sự chủ động theo dõi, cập nhật những diễn biến về các quan điểm thông qua thảo luận của Đảng. Khi thông qua nghị quyết có thể thực hiện ngay việc biên soạn đề cương (không nhất thiết phải chờ in thành sách mà thông qua các phương tiện thông tin hiện đại: Báo điện tử Đảng Cộng sản, Tại chí Tuyên giáo điện tử...) để sớm tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên. Sử dụng hệ thống online trực tuyến từ trung ương đến các địa phương sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền của.

Hiện nay, bằng hệ thống thông tin hiện đại, Chính phủ đã họp giao ban trực tuyến với các địa phương nhưng chưa phát huy hết công suất của hệ thống phương tiện này. Nên chăng, nhiều ngành, trong đó có ngành Tuyên giáo có thể thực hiện giao ban trực tuyến, tuyên truyền trực tuyến trên hệ thống nối mạng đó để thực hành tiết kiệm, hiệu quả.

Các đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng như vậy, khi được trang bị và sử dụng một cách có hiệu quả hệ thống internet để thông tin và nhận thông tin hữu ích, kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền nghị quyết hiệu quả hơn.

Thứ năm, thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, sự phản ánh của đảng viên và nhân dân.

Hiệu quả tuyên truyền nghị quyết của Đảng trước hết ở sự đồng thuận trong đội ngũ đảng viên và nhân dân. Chất lượng giảng viên, hiệu quả đích thực của truyền dẫn trực tuyến hay sự liên hệ thực tiễn có sát không đều có thể được phản ánh từ đảng viên và nhân dân. Hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, những quan điểm chỉ đạo sát thực đi vào cuộc sống và những quan điểm chưa sát, chưa phù hợp cũng sẽ được phán ánh thông qua đội ngũ đảng viên và nhân dân. Do đó, sau mỗi đợt triển khai nghị quyết hoặc tổng kết, sơ kết việc thực hiện nghị quyết, ngoài vai trò của các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ và vai trò của ban thường vụ cấp uỷ, cần tham khảo ý kiến của đảng viên và nhân dân thông qua đối thoại hoặc phiếu điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo tổ chức.

Công tác Tuyên giáo nói chung và công tác triển khai nghị quyết của Đảng nói riêng đang đứng trước những thuận lợi và nhiều khó khắn gay gắt đang đặt ra trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của hệ thống thông tin. Với bề dày kinh nghiệm của Đảng về công tác Tuyên giáo, những tồn tại hiện nay nếu sớm được ngành Tuyên giáo dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ các cấp tổng kết, đánh giá nghiêm túc, thực chất, chắc chắn sẽ có những giải pháp hiệu quả trong việc tuyên truyền, triển khai nghị quyết, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống./.

TS. Nguyễn Minh Tuấn

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất