Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/1/2009 7:55'(GMT+7)

Nâng cao năng suất: Một yếu tố tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Giáo sư Paul Krugman, thuộc Học viện Công nghệ MIT (Mỹ), trong phần giới thiệu cuốn sách về kinh tế của ông viết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng trong sự phát triển lâu dài nó gần như là tất cả. Năng lực cải thiện mức sống của một quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của quốc gia đó trong việc nâng cao kết quả đầu ra tính trên một đầu người lao động”.

Từ nhận định của Giáo sư Paul Krugman, người ta có thể nhận ra rằng, năng suất là một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển, tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thực tiễn nền kinh tế Việt Nam đang chứng minh điều đó.

Năng suất của Việt Nam, theo ông Shigeo Takenaka, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) biểu hiện ở chỗ, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc với mức tăng GDP bình quân hàng năm trong hàng thập kỷ qua trung bình khoảng 7,5%/năm. Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam mặc dù còn có nhiều điều cần phải điều chỉnh, song về cơ bản đang có sự thay đổi đáng kể tăng đều về tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về nhu cầu mở cửa nền kinh tế cho thương mại phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhiều doanh nhân các quốc gia thuộc châu Á như Thái Lan, Malaisia… đã coi Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản cũng như từ các nước khác. Tất cả những điều này cho thấy, tương lai của nền kinh tế Việt Nam là rất hứa hẹn. Tuy nhiên: “Toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn nữa nếu như Chính phủ và khu vực tư nhân tạo ra được những nỗ lực mới để quảng bá và nâng cao được năng suất của mọi thành phần kinh tế” - ông Shigeo Takenaka nói.

Năng suất, chất lượng và hiệu quả có vai trò rất quan trọng đối với phát triển. Điều này thể hiện rõ trong Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ Việt Nam đến 2010, Chính phủ đã đặt mục tiêu “khoa học - công nghệ phải góp phần quyết định vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả ở một số ngành kinh tế quan trọng”.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về năng suất, chất lượng…) khẳng định: “Trong điều kiện môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, quá trình toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật, các doanh nghiệp phải tự mình tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, quản lý tri thức một cách có hiệu quả, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, gắn việc bảo vệ môi trường với hoạt động kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Với chức năng của mình, Bộ Khoa học Công nghệ đã và đang khuyến khích, cổ vũ các hoạt động và phong trào nâng cao năng suất ở cả phạm vi doanh nghiệp và quốc gia”.

Theo các chuyên gia về năng suất và chất lượng, ba vấn đề trọng tâm có thể giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, tăng cường lợi thế cạnh tranh để hội nhập hiện nay đó là các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; các công cụ cải tiến năng suất; và các khía cạnh đổi mới.

Theo đó, trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần chú trọng nắm bắt cơ hội để tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế mới như Hệ thống An ninh thông tin ISO/IEC 2700; Hệ thống An toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007; mô hình quản lý chất lượng hoàn hảo; cách tiếp cận và hướng tới sự phát triển bền vững của bộ tiêu chuẩn ISO 9000 phiên bản 2008; các công cụ quản lý tiên tiến giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng và duy trì các hệ thống quản lý giảm thiểu lãng phí; cải tiến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương pháp của Nhật Bản… Đồng thời phải đổi mới tư duy quản lý, thiết kế sản phẩm, quan hệ với khách hàng; quan tâm đến các giải pháp tiên tiến hỗ trợ cho đổi mới và phát triển bền vững (quản lý tri thức, quản lý sự thay đổi, quản lý thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực, mô hình doanh nghiệp hoàn hảo, giải pháp phát triển bền vững…).

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã áp dụng thành công các hệ thống, công cụ và mô hình quản lý tiên tiến… vào việc nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Shigeo Takenaka cho biết: “Đến khi nào Việt Nam vẫn muốn học hỏi những khái niệm về năng suất và áp dụng để cải tiến các hoạt động quảng bá năng suất chừng đó APO luôn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam”./.

Nguyễn Quỳnh - Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất