Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo Luật Khám chữa bệnh tiếp tục được đưa ra thảo luận trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.
Đây cũng là một trong những dự thảo luật được Hội đồng Dân tộc tập trung thảo luận cho ý kiến tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 vừa qua.
Cho đến thời điểm hiện nay việc nên gọi tên là Luật Khám bệnh, Chữa bệnh hay Luật Hành nghề y là vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến khác nhau. Đa số các thành viên của Hội đồng Dân tộc phát biểu nhất trí với tên gọi là Luật Khám chữa bệnh. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo khám bệnh, chữa bệnh như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tuyến y tế; quy định về ưu tiên trong khám chữa bệnh, các hình thức khám chữa bệnh đặc thù. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về đào tạo cán bộ phục vụ khám chữa bệnh, vấn đề tài chính và giá dịch vụ khám chữa bệnh, xã hội hoá ý tế và đặc biệt là vấn đề nâng cao y đức.
Theo bà Đinh Thị Biểu- Uỷ viên Hội đồng dân tộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, trong hệ thống tổ chức cơ sở y tế, luật cần quy định thêm về tiêu chí hoặc chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi, đặc biệt là ở cấp xã: “Hiện nay chúng ta thấy trong dự thảo có ghi phải xây dựng chuẩn y tế xã nhưng không có quy định cụ thể nào về mặt chủ trương, nên việc đầu tư cho y tế xã hiện nay không được chú trọng nhiều. Nếu không được chú trọng thì bệnh nhân cứ phải chuyển lên tuyến trên, gây áp lực cho tuyến trên rất nhiều. Nên phải có quy định, cơ chế chính sách cụ thể đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ở xã không có giường bệnh, không có điều kiện nên có bác sĩ về rồi lại bỏ đi, bất chấp kỷ luật, rồi đến bù các khoản đã được đào tạo”.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung để các quy định về y đức đậm nét hơn. Đại biểu Lưu Thị Chi Lan của tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dù là ở nghề nghiệp nào cũng phải có đạo đức hành nghề, đặc biệt là trong nghề y thì vấn đề này càng phải được đề cao và chú trọng: “Để nâng cao y đức cho đội ngũ hành nghề khám chữa bệnh dự thảo luật cần có những quy định cụ thể hơn về những hành vi bị nghiêm cấm đối với người hành nghề về khám chữa bệnh cũng như là phía người bệnh để tạo một môi trường khám chữa bệnh lành mạnh hiệu quả và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, còn tiêu cực lâu nay”.
Vấn đề công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân cũng được đa số đại biểu nhất trí theo hương cho phép cán bộ công chức, viên chức làm việc ngoài giờ để tránh sự quá tải trong các bệnh viện hiện nay. Tuy nhiên các đại biểu nhấn mạnh là chỉ cho phép làm việc ngoài giờ chứ không được thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả cá loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Một số đại biểu cho rằng: quy định người hành nghề phải làm thủ tục xin gia hạn chứng chỉ hành nghề sau 5 năm là mang tính hình thức, vì trong dự thảo luật không có cơ chế kiểm tra, sát hạch, đánh giá người hành nghề sau 5 năm. Mặt khác chúng ta không thể có đủ nguồn lực mà thực hiện việc này đối với 28 vạn người đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Chính vì vậy quy định này vừa gây tốn kém lại vừa tạo cơ chế xin – cho.
Điều mà các đại biểu Quốc hội và cử tri mong đợi chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Để đạt được điều đó thì rất cần có một hệ thống pháp luật về y tế thống nhất, đồng bộ là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Ngọc Chi -VOV