Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) thì cơ cấu nguồn điện Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giảm và bỏ hẳn nhiệt điện than.
ƯU TIÊN NĂNG LƯỢNG SẠCH
Theo đó, đến năm 2030, tổng công suất
các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao
gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản
xuất năng lượng mới).
Trong đó nguồn điện năng lượng tái tạo
gồm: Điện gió trên bờ là 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy
điện); điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), trường hợp công nghệ tiến
triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô
cao hơn.
Điện mặt trời 12.836 MW (8,5%), không bao gồm điện mặt trời mái nhà
hiện hữu, gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện
mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự
tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Điện sinh
khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,5%), trường hợp đủ nguồn nguyên
liệu, hiệu quả sử dụng đất cao, có yêu cầu xử lý môi trường, hạ tầng
lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển
quy mô lớn hơn.
Đối với nguồn thủy điện, đến năm 2030 là 29.346
MW (19,5%) nhưng có thể phát triển cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ
thuật cho phép; thủy điện tích năng 2.400 MW (1,6%).
Nguồn nhiệt
điện than đạt 30.127 MW (chiếm 20,0%) trừ một số dự án đang triển khai.
Tuy nhiên với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển
khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG
hoặc năng lượng tái tạo.
Nguồn nhiệt điện khí trong nước đạt
14.930 MW (chiếm 9,9%); nhiệt điện LNG là 22.400 MW (chiếm 14,9%); nguồn
điện nhập khẩu đạt khoảng 5.000 MW (chiếm 3,3%), nhưng có thể lên đến
8.000 MW.
Bên cạnh các nguồn điện truyền thống và năng lượng tái
tạo, nguồn điện đến năm 2030 sẽ có thêm pin lưu trữ 300 MW (chiếm 0,2%);
nguồn điện linh hoạt 300 MW (chiếm 0,2%); nguồn điện đồng phát, sử dụng
nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong
các cơ sở công nghiệp đạt 2.700 MW (1,8%), quy mô có thể tăng thêm phù
hợp với khả năng của các cơ sở công nghiệp.
NĂM 2050 KHÔNG CÒN NHIỆT ĐIỆN THAN
Theo Quy
hoạch điện VIII, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2050 đạt từ
490.529-573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản
xuất năng lượng mới).
Trong đó, tiếp tục phát triển mạnh nguồn
điện năng lượng tái tạo như: Điện gió trên bờ đạt 60.050-77.050 MW
(chiếm 12,2-13,4%); điện gió ngoài khơi 70.000-91.500 MW (chiếm
14,3-16%); điện mặt trời đạt từ 168.594-189.294 MW (chiếm 33,0-34,4%);
điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 6.015 MW (chiếm 1-1,2%).
Nguồn
thuỷ điện đến 2050 được phát triển đạt 36.016 MW (chiếm 6,3-7,3%);
nguồn điện lưu trữ đạt từ 30.650-45.550 MW (chiếm 6,2-7,9%); điện đồng
phát, sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công
nghệ trong các cơ sở công nghiệp 4.500 MW (chiếm 0,8-0,9%).
Đặc
biệt sẽ không còn nhiệt điện than (không sử dụng than để phát điện) thay
vào đó sẽ phát triển nhiệt điện sử dụng sinh khối và amoniac từ
25.632-32.432 MW (chiếm 4,5-6,6%).
Nguồn nhiệt điện khí bao gồm:
Nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG là 7.900 MW (chiếm
1,4-1,6%); nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro là
7.030 MW (chiếm 1,2-1,4%); nhiệt điện LNG đốt kèm hydro đạt từ
4.500-9.000 MW (0,8-1,8%); nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng
hydro đạt từ 16.400-20.900 MW (3,3-3,6%).
Nguồn điện nhập khẩu đạt khoảng 11.042 MW (1,9-2,3%) và phát triển nguồn điện linh hoạt đạt từ 30.900-46.200 MW (6,3-8,1%).
PHÁT TRIỂN ĐIỆN XANH, SẠCH THEO ĐÚNG CAM KẾT TẠI COP26
TS.
Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng nhìn nhận: Quy
hoạch điện VIII được lập trong điều kiện hết sức phức tạp cả trên thế
giới lẫn trong nước. Việt Nam đang đi vào xu hướng phát triển điện xanh,
sạch theo những cam kết tại COP26. Do đó, quy hoạch lần này được xây
dựng cẩn thận, nhưng lại có nhiều nội dung mang tính đột phá, đã tính
toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng
được.
"Đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm xây
dựng quy hoạch mở. Trong quá trình thực hiện quy hoạch sẽ cập nhật, tính
toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội thực tế ở mỗi
giai đoạn, phù hợp với sự tăng trưởng công nghệ thế giới và điều kiện
phát triển của Việt Nam", TS. Ngô Tuấn Kiệt nhận xét.
Cụ thể, Quy
hoạch điện VIII vừa được phê duyệt đã đảm bảo nguồn điện kịp thời, giảm
nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2025 – 2030, giúp các dự án đang xây dựng
hiện nay đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu điện cho những năm tới.
Thêm
vào đó, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch với định hướng mở, đảm bảo an
ninh năng lượng, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đủ cho
nhu cầu phụ tải, định hướng rất chi tiết cụ thể nhưng không bị "khóa
chặt" như quy hoạch cũ.
Nhìn chung, Quy hoạch điện VIII vừa đặt ra
mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
vừa thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện
đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện
tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát
triển khoa học công nghệ của thế giới./.
VGP