Thông báo nêu rõ: Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai
thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU
của Ủy ban châu Âu (EC), tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động
xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản làm
cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; tăng đầu tư hạ tầng
nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.
Xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm
nghiệp, thủy sản, trong đó có chính sách phát triển thủy sản, quy định
Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; thực hiện hiệu quả các quy định
của pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thủy sản.
Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp để đảm bảo
sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái xanh, góp phần phòng
chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững.
Đề xuất cơ chế hợp tác công tư trong huy động nguồn lực, người dân, xã hội đầu tư cho hạ tầng lâm, thủy sản.
Xây dựng thí điểm một số mô hình về sản xuất giống, quản lý hiện đại,
chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các
doanh nghiệp; xây dựng cơ chế theo thẩm quyền khuyến khích đổi mới sáng
tạo, khởi nghiệp trong ngành lâm sản, thủy sản.
Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực
hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí,
tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023
(trong đó nghiên cứu kiến nghị của 02 Hiệp hội về giảm thuế giá trị gia
tăng).
Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối
tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu
trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.
Hướng dẫn các cơ chế, quy định của luật pháp để giúp người dân và
doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết quốc
tế, phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi; chỉ đạo nâng cao hiệu quả
phối hợp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, các tham tán thương mại
với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ thông tin về các
chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng và thị
trường ngách.
Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và
ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước;
cung cấp các thông tin về thị trường; kịp thời cung cấp thông tin thay
đổi chiến lược, cơ chế chính sách, thể chế của các nước để các cơ quan,
doanh nghiệp có biện pháp thích ứng phù hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối kế hoạch vốn trung hạn để ưu tiên thực
hiện các chính sách đầu tư về hạ tầng theo đúng quy định pháp luật về
đầu tư công.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế
biến gỗ và lâm sản phù hợp; phát triển các dịch vụ logistic, công nghệ
cao, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thuỷ sản.
Ngư
dân phân loại cá tại cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm
(Ninh Thuận) trước khi đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công
nghệ; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan,
bảo đảm khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quốc
tế, nhất là chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu đối với lĩnh vực sản
xuất, chế biến thuỷ sản và lâm sản; khẩn trương đề xuất cơ chế sử dụng
Quỹ khoa học công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học phát triển ngành nông
nghiệp, nhất là đối với hai lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các chính sách về đất đai đảm
bảo phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát
triển theo hướng sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn, nhất
là đối với các quy hoạch về đất đai; quy định về giao đất, giao rừng,
giao mặt nước, giao mặt biển...
Đồng thời, xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện, năng lực ngành thuỷ sản và tiệm cận quy định của quốc tế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh ưu tiên đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của lao động ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, nhất là đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định về phòng cháy
chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số
220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
trong công tác phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo phù hợp với điều kiện của
Việt Nam nhưng tiệm cận với các quy định của quốc tế, không chuyển đổi
trạng thái đột ngột, điều hành chính sách không giật cục; đơn giản hoá
hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến phòng cháy, chữa cháy,
không gây lãng phí cho các doanh nghiệp và xã hội…
Các Hiệp hội là cầu nối quan trọng hiệu quả giữa nhà nước, người dân,
doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển của ngành và xây dựng nền kinh tế
độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất,
hiệu quả./.
TTXVN