Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 13/6/2018 15:23'(GMT+7)

Nâng niu nét duyên thuần Việt

Tìm về dấu ấn Việt

- Được coi là người ngoại đạo về nghiên cứu văn hóa, lý do nào khiến anh tìm hiểu trang phục dân gian? 

“Hiện nay, trang phục dân gian chủ yếu được sử dụng trong sân khấu truyền thống, nhưng đã được cải biên cho phù hợp với biểu diễn. Tuy nhiên, vì thiếu tư liệu gốc, chính xác, nên trang phục biểu diễn bây giờ khác ngày xưa theo chiều hướng xấu hơn, lòe loẹt hơn. Nếu mọi người ý thức đó là trang phục biểu diễn thì không sao, nhưng nhiều trang phục đó lại được lấy để minh họa cho văn hóa dân gian. Điều đó có thể khiến người ta nghĩ rằng, ngày xưa có thể tinh hoa của mình chỉ đến thế thôi”.

Tác giả Bùi Quang Thắng




- Tuy không làm nghiên cứu nhưng trong công việc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, tôi thấy rằng thế giới càng hội nhập thì họ lại càng đề cao bản sắc văn hóa, trong đó có trang phục dân tộc. Tự ngẫm về một bộ trang phục có thể được xem như “dấu ấn Việt”, tôi đi sâu tìm hiểu, đầu tiên là nón thúng, và bất ngờ vì nó quá đẹp và khác biệt. Tôi thấy rằng có trang phục nhìn vào có thể nhận ra người Việt ngay như nón thúng, tóc vấn khăn, áo dài... Đó là lý do tôi tập trung đi tìm bản sắc văn hóa trong trang phục dân gian. 

Tác giả Bùi Quang Thắng

- Hành trình tìm những câu chuyện xác thực về lai lịch của y phục bình dân xưa chắc hẳn mang lại cho anh nhiều điều lý thú?

- Rất may mắn là Thư viện Quốc gia Pháp đã số hóa tất cả tài liệu của họ, ở đó tôi tìm được nhiều sách người Pháp viết rất kỹ về Việt Nam và trang phục dân gian từ thế kỷ XVIII tới đầu thế kỷ XX. Năm ngoái, tôi cũng thực hiện chuyến đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bằng xe máy. Ban đầu tôi về quê hương của nón thúng (thôn Yên Hội, vùng Kẻ Hạ xưa, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ngày nay, hầu hết người dân ở đó không biết gì về nghề làm nón cổ truyền, thậm chí còn cho nón thúng là của quan họ Bắc Ninh. Cán bộ văn hóa xã Tùng Ảnh giới thiệu tôi tìm tới các cụ cao tuổi trong làng. Rất may ở đó, tôi gặp cụ Kỷ, 93 tuổi, có thể nói là thợ làm nón cuối cùng của làng, được cụ kể nhiều chuyện về làm nón ngày xưa. Tôi cũng tìm được các bài báo đăng trên tạp chí B.A.V.H (Những người bạn cố đô Huế), có bài viết của cụ Hồ Đắc Hàm về làng làm nón này. Trong chuyến đi ấy, tôi cũng đến làng nón ở huyện Phù Cát, Quy Nhơn, Bình Định, và thấy ở đó vẫn giữ được kỹ thuật làm mê bên trong, đan như đan lưới, còn đa số nón bây giờ chỉ có lá nón... 


Cuốn sách “Nét cũ duyên xưa” làm sáng rõ thêm nét đẹp thuần Việt trong trang phục dân gian

Hiểu đúng về trang phục dân gian

- Qua nghiên cứu, anh thấy y phục lưu giữ được những nét đặc sắc của văn hóa Việt ra sao?

- Trang phục cung đình của vua chúa, quan lại mang nặng ảnh hưởng Trung Hoa, tới mức khó phân biệt. Còn trong dân gian, trang phục nam giới cũng không đặc sắc. Tuy nhiên, nhìn phụ nữ Việt đội nón thúng, mặc áo tứ thân, búi tóc trong vành khăn thì sẽ khác hẳn phụ nữ Nhật mặc kimono, phụ nữ Hàn mặc hanbok... Trang phục dân gian không bị chi phối quá nhiều bởi thể chế triều đình, nên còn mang nét riêng. 

- Những trang phục dân gian ấy đã biến đổi và được truyền lại tới ngày nay thế nào?

- Trang phục dân gian cũng có sự biến đổi mạnh mẽ qua thời gian. Ví như chiếc nón thúng, được coi là một phần trong trang phục phụ nữ Việt, đến thế kỷ XVIII, nam giới vẫn đội. Khi nón thúng chuyển sang cho phụ nữ, họ làm nón đẹp thêm như đan mê, thêu thùa, quai thao... Sang thế kỷ XX, xã hội hiện đại hơn, nón thúng khá cồng kềnh, phụ nữ không đội nó nữa, mà chuyển sang đội chính nón chóp của nam giới ngày xưa (như chiếc nón mà ta vẫn thấy hiện nay), còn nam giới lại chuyển sang đội mũ châu Âu. Áo dài cũng vậy, năm 1744, thời Võ Vương, áo ngũ thân được ra đời theo chủ trương “học theo phương bắc”, nhưng tới giữa thế kỷ XX đã trở thành chiếc áo dài rất Việt. Tôi rất thích quá trình tự biến đổi của trang phục khi đi vào đời sống, mang theo nhiều nét Việt.  

- Qua tác phẩm Nét cũ duyên xưa, người đọc có thể hình dung được về trang phục dân gian xưa như anh vừa nói không?

- Trước khi tìm hiểu, tôi không biết nón thúng như thế nào, áo dài trước kia trông ra sao. Phần đông bạn trẻ bây giờ cũng khó hình dung về những điều đó. Hình bóng của quá khứ cứ mờ dần cũng là điều tất yếu. Tôi mong muốn Nét cũ duyên xưa sẽ góp phần nhỏ để mọi người hiểu đúng về trang phục dân gian. Tất nhiên, không thể ép buộc thanh niên bây giờ mặc áo dài, đội nón thúng, nhưng nên hiểu đúng về nó. Chắc chắn thế hệ trẻ sẽ có người làm việc trong ngành điện ảnh, sân khấu, nếu họ hiểu đúng sẽ giữ được hình ảnh trang phục dân gian đẹp hơn.  

- Xin cảm ơn anh!

Theo daibieunhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất