Thứ Ba, 12/6/2018 16:28'(GMT+7)
Vài suy nghĩ về “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật hiện nay
Diễn biến hòa bình trong văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay luôn khuyến khích cho chủ nghĩa tự do vô lối trong sáng tác, phê bình và tiếp nhận, làm rối loạn đời sống tinh thần của xã hội, tạo ra những phản giá trị...
(Ảnh minh họa)
Nền văn học, nghệ thuật Việt Nam là thành quả ngàn năm lao động, sáng tạo, thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tư tưởng chân, thiện, mĩ của nhân dân ta. Nhiều tác phẩm văn học từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… cho đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ… đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và nhân cách con người Việt Nam.
Văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay vẫn đang nối tiếp truyền thống yêu nước ngàn năm của cha ông, đã đồng hành cùng dân tộc, mang lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng kể từ Cách mạng tháng Tám đến nay, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã trải qua ba thời kì phát triển khác nhau. Thời kì cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, văn học, nghệ thuật phát triển theo mô thức dân tộc - khoa học - đại chúng. Đến thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, văn học, nghệ thuật theo mô thức phát triển: nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Từ năm 1986, trong thời kì Đổi mới, văn học, nghệ thuật phát triển theo mô thức tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực chất, đó là một nền văn học, nghệ thuật phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1).
Phát triển trong một bước ngoặt mới cùng với sự thay đổi mô hình phát triển của xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kì hội nhập quốc tế, trong sự phát triển như vũ bão cuộc cách mạng kĩ thuật số, văn học, nghệ thuật nước ta đang có những thay đổi lớn. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật của nước ngoài thuộc nhiều trường phái, nhiều giai đoạn khác nhau đã được dịch ra tiếng Việt làm phong phú thêm đời sống tinh thần nước nhà. Có thể nói, chưa bao giờ lượng các tác phẩm dịch được in ấn, phát hành và phổ biến rộng rãi như hiện nay. Bên cạnh việc tái bản các tác phẩm văn học đã in đậm trong kí ức hàng triệu độc giả Việt Nam của Nga, Anh, Pháp, Mĩ, Trung Quốc, hàng loạt tác phẩm văn học và lí luận mới của các nhà tư tưởng trên thế giới được các nhà xuất bản phát hành. Mặt tích cực là các cuốn sách này đáp ứng nhu cầu khác nhau của rất nhiều tầng lớp nhân dân, ở các trình độ khác nhau. Việc nghiên cứu các quan điểm, các đề tài khác sẽ giúp cho các tác giả trong nước cũng như công chúng có nhiều sự lựa chọn trong nhu cầu thưởng thức của mình, làm giàu thêm kiến thức, mở rộng khả năng hiểu biết. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân tạo ra sự phức tạp về mặt quan điểm lí luận trong văn học, nghệ thuật hiện nay. Một loạt các câu hỏi đang được đặt ra như: Thế nào là một nền văn học, nghệ thuật của cơ chế thị trường? Hội nhập quốc tế thì văn học, nghệ thuật nên tiếp biến cái gì và bảo vệ cái gì? Thế nào là văn học, nghệ thuật định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường? Thế nào là nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc? Mối quan hệ giữa dân tộc và nhân loại trong văn học, nghệ thuật hiện nay ra sao?...
Song song với việc phát triển mạnh các ấn phẩm, các tác phẩm văn học, nghệ thuật được đăng tải trên mạng internet như website, blog, mạng xã hội facebook... cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn học, nghệ thuật ở Việt Nam bởi số người truy cập vào các trang này rất lớn. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật từ truyện ngắn, truyện vừa, phim truyện, phim truyền hình đến âm nhạc, hội họa, thơ ca… hàng ngày được đăng tải và thường xuyên cập nhập. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người xem có thể được thỏa mãn các nhu cầu của mình ở rất nhiều thể loại.
Trên văn đàn thế giới và Việt Nam có một khuynh hướng cũng rất đáng được chú ý là khuynh hướng cổ xúy cho chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại thường đề cập đến tình trạng suy thoái về nhân tính, sự cô đơn, bất an, đối diện hay bàng quan của con người trong thế giới kĩ trị.
Chính vì sự chuyển biến phức tạp của thời đại và các nhu cầu hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo văn học, nghệ thuật rất khác nhau hiện nay đã tạo nên khuynh hướng “diễn biến hòa bình” trong văn học, nghệ thuật. Vậy, bản chất của khuynh hướng diễn biến hòa bình trong văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay là thế nào? Cần có các giải pháp nào để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà nó đem lại cho công chúng yêu văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay?
Bản chất của diễn biến hòa bình trong văn học, nghệ thuật ở Việt Nam là làm cho văn học, nghệ thuật chuyển biến theo hướng ra ngoài quỹ đạo của hệ tư tưởng marxist về văn học, nghệ thuật; duy nhất hóa thị trường tự do, không chịu sự quản lí của Đảng và Nhà nước; phủ định các giá trị mà bằng núi xương, sông máu nhân dân ta mới tạo ra được.
Diễn biến hòa bình trong văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay luôn khuyến khích cho chủ nghĩa tự do vô lối trong sáng tác, phê bình và tiếp nhận, làm rối loạn đời sống tinh thần của xã hội, tạo ra những phản giá trị; làm cho mọi người nghi ngờ, dao động và hoài nghi tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng của những tư tưởng mĩ học của chủ nghĩa Marx - Lenin và của nhiều nhà mĩ học marxist khác.
Các nhà sáng tác và biểu diễn văn học, nghệ thuật cần phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, đề cao trách nhiệm trong hoạt động văn học, nghệ thuật, nâng cao hiểu biết chính trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Mọi hoạt động sáng tạo và biểu diễn văn học, nghệ thuật nhất định phải gắn với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Đó là định hướng lớn để văn học, nghệ thuật trở thành vũ khí tinh thần của đời sống xã hội hiện nay.
Mọi tác phẩm văn học, nghệ thuật phải có giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ cao. Nội dung tư tưởng cao là thể hiện tinh thần tiên tiến của văn học, nghệ thuật. Giá trị thẩm mĩ cao là biểu hiện sự thống nhất của hình thức với nội dung. Tư tưởng nghệ thuật thấp sẽ tạo nên chỗ hở để những tư tưởng độc hại thâm nhập vào đời sống tinh thần. Giá trị thẩm mĩ không cao là cơ hội để những thị hiếu hoang dã xâm nhập vào đời sống văn nghệ.
Chống diễn biến hòa bình trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngoài việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người sáng tạo, tuân theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và lao động nghệ thuật nghiêm túc còn cần phải tham gia tổ chức, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền nghệ thuật này phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn học, nghệ thuật quốc tế, phát huy cao độ bản sắc dân tộc của văn học, nghệ thuật ở nước ta.
Đối với công chúng, cần phải chú trọng bồi dưỡng cho công chúng về tình cảm thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ, lí tưởng thẩm mĩ lành mạnh để họ có thể nâng cao khả năng hưởng thụ và đánh giá các giá trị thẩm mĩ tích cực, tiến bộ..., đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ những sản phẩm nghệ thuật lệch lạc, phản động, trái với thuần phong, mĩ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
Mặt khác, chúng ta cũng cần phải xây dựng một chiến lược quốc gia kiểm soát những sản phẩm văn học, nghệ thuật độc hại về tư tưởng, thấp kém về mặt thẩm mĩ công bố trên các mạng thông tin điện tử vì đây là kênh truyền bá thông tin rất quan trọng trong thời đại ngày nay.
Làm được tất cả những điều này thì những khuynh hướng, quan điểm sai trái về văn học, nghệ thuật ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh văn hóa, đến đời sống xã hội chắc chắn sẽ bị đẩy lùi./.
___________________________
(1) GS.TS. Đỗ Huy: Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb. Thông tin và truyền thông, H, 2013, tr. 232.
Nguyễn Thu Nghĩa (Văn nghệ Quân đội)