Không chỉ ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và đền chùa, tục đốt vàng
mã, xe ngựa còn lan sang các cơ quan nhà nước, trở thành hoạt động không
thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình trong
các buổi lễ động thổ, khởi công.
Theo nhiều tài liệu, tục đốt vàng mã
xuất phát từ Trung Quốc. Qua hàng nghìn năm với nhiều biến tướng mê tín,
dị đoan như giải tội lỗi cho vong nhân, người thân thuộc, ông, bà, cha
mẹ… Và không thể không nói đến một biến tướng khác trong quan niệm “âm
dương đồng nhất thể”, ở trần gian sinh hoạt ra sao thì nơi âm cảnh cũng
như vậy. Do thế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy thị trường vàng mã rất đa
dạng, gì cũng có, nào quần áo, mũ, giày, đồ trang sức, xe hơi, nhà lầu,
điện thoại cảm ứng, giường, tủ… với nhiều màu sắc bắt mắt có giá từ vài
trăm nghìn đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Thực
tế, giáo lý nhà Phật vẫn hướng mọi người không nên đốt đồ vàng mã mà
khuyên con người ta sống ở chính cái tâm, lòng thành, bởi dù có đốt
nhiều đồ vàng mã mà cái tâm không sáng thì cũng là vô nghĩa.
Thống kê sơ bộ, có khoảng 50.000 tấn
vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã... Tuy nhiên,
theo các nhà sư, việc đốt vàng mã không có tác dụng làm cải biến cũng
như làm tốt cho người đã khuất hoặc để hoán đổi, làm tăng lợi lộc cho
gia chủ. Đó chỉ là hủ tục. Trong khi đó, đốt vàng mã cũng đồng nghĩa với
việc làm ô nhiễm môi trường, bởi khói, bụi tro tàn từ vàng mã sau khi
đốt sẽ bay đầy nhà, đầy ngõ. Mặt khác, theo quy định, việc người dân đốt
vàng mã vô tội vạ đã vi phạm Nghị định 75/2010/NĐ - CP về quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá. Trong đó, tại điểm C,
Điều 18 có quy định mức phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng với hành vi
đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công
cộng. Không những thế, việc đốt vàng mã không cẩn thận, nguy cơ cháy nổ
gây thiệt hại người và của là rất cao. Thực tế thời gian qua, đã có
không ít vụ cháy đã xảy ra do đốt vàng mã như khu đô thị, chung cư ở Hà
Nội, TP Hồ Chí Minh… được ghi nhận trong những năm gần đây gây thiệt hại
người và của…
Để tránh lãng phí tiền
bạc cũng như cải thiện môi trường, mỗi người dân, mỗi gia đình nên bỏ
hủ tục đốt vàng mã và thói quen rải tro xuống mặt nước. Nếu người người,
nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm
được một khoản tiền nhất định, bởi nếu số tiền hàng trăm tỷ đồng kia
thay vì chi cho mua vàng mã để đốt thì có thể quyên góp làm từ thiện,
hoặc làm được rất nhiều việc có ích như xây dựng được nhiều trường học;
và thay vì môi trường bị ô nhiễm bởi khói, bụi do vàng mã thì việc không
đốt vàng mã sẽ khiến môi trường sống trở nên xanh - sạch hơn./.
Hải Thanh (Báo ĐBND)