Đầu Xuân, đất nước đã chứng kiến nhiều cái mới, nhiều tin mừng trong đời sống kinh tế-xã hội. Trong đó, có hàng loạt quyết định ứng dụng tin học, điện tử trong quản lý xã hội, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính và tạo những tiện ích cho người dân.
Đúng ngày 1/2/2017 (mồng 5 Tết), Việt Nam thực hiện thí điểm việc cấp visa điện tử cho khách du lịch nước ngoài. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ mấy ngày đầu áp dụng bản đồ giao thông số đã có hàng chục nghìn người truy cập để lựa chọn đường tránh ùn tắc. Trước đó, người dân đã có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố vừa ra quyết định từ ngày 1/4 tới, toàn bộ văn bản của thành phố sẽ gửi qua mạng. Tại Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trang bị đợt đầu cho hợp tác xã và nông dân 40 máy kiểm tra (test nhanh) dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Loại máy này cho kết quả ngay lập tức giúp người dân phát hiện độc tố trong sản phẩm và tạm thời ngăn giữ lại không cho ra thị trường. Trong phong trào khởi nghiệp đang dấy lên nhiều kỹ sư nhà nông đã áp dụng thành công các phương pháp theo dõi, chăm sóc cây trồng từ xa, tự động hóa…
Cũng những ngày sau Tết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi tham gia lễ tịch điền đầu năm và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tới thăm, ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa tại Nông trường VinEco tại Lý Nhân, Hà Nam đều đã động viên, cổ vũ và nêu phương hướng đẩy mạnh mục tiêu sản xuất thực phẩm hữu cơ, an toàn trong cả nước.
Một nền sản xuất cơ giới hóa, tự động hóa, cùng những ngôi nhà, khu đô thị, cánh đồng thông minh, một xã hội thông minh đang hình thành. Đất nước sẽ trở nên an toàn, trật tự và thông thoáng hơn. Tất nhiên cùng với những quyết định mới, giải pháp mới của Nhà nước và lãnh đạo các cấp là nỗ lực của cả guồng máy xã hội, của từng người dân. Các doanh nghiệp, các nhà quản lý và chuyên môn phải xắn tay vào hướng dẫn, giúp đỡ người dân và các hợp tác xã để họ làm chủ công nghệ cao. Các doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao phải được tạo điều kiện và hỗ trợ tích cực. Và đương nhiên những ứng dụng công nghệ thông minh không tự nó, và riêng nó đem lại một đô thị, một cánh đồng, một xã hội thông minh và phải được tiến hành đồng bộ với các biện pháp đổi mới trong mọi hoạt động xã hội, gắn với trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Và máy móc, phương tiện kiểm tra, kết nối thông minh đến đâu cũng không thể thay thế hết những tiếp xúc trực tiếp của con người.
Câu chuyện một cán bộ chủ trì cấp phường ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh phản ảnh với lãnh đạo thành phố về việc có đến 20 điểm bị ngập ở quận nhưng tự thân ông chưa từng được trực tiếp đến Trung tâm Chống ngập của thành phố để báo cáo, hỏi rõ nguyên nhân và yêu cầu giải quyết là một ví dụ về phong cách làm việc trông chờ ỷ lại. Trong khi đó, dù không thiếu nguồn thông tin nhưng tại sao nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp vẫn trực tiếp đến các địa phương, doanh nghiệp và từng nhà dân để tìm hiểu về những khó khăn, mắc mớ. Tại sao lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vẫn thường xuyên dự cà phê sáng gặp mặt để lắng nghe và đối thoại với các doanh nhân, nhà quản lý, nhà chuyên môn?...
Cuộc sống dù phức tạp, cam go đến đâu đều sẽ có những lời giải nếu những người có trách nhiệm thực sự gần dân, dựa vào dân thông qua mọi phương tiện, mọi điều kiện kết hợp với thực tế tận mắt, tận tay. Xã hội thông minh khởi đầu và phát triển trên cơ sở ấy./.
Anh Nguyễn (Báo QĐND)