Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 10/2/2012 10:16'(GMT+7)

Nên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền của báo cáo viên

Thông thường, các báo cáo viên phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu, mất nhiều thời gian, công phu, nhưng khi lên lớp, tùy theo điều kiện thời gian của từng nơi mà những tài liệu ấy được truyền đạt đến người nghe đầy đủ hoặc sơ sài. Cũng bởi báo cáo viên thường dùng phương pháp truyền đạt theo cách diễn thuyết truyền thống, đơn thuần chỉ là lên bục giảng đầy đủ nội dung những vấn đề có trong tài liệu cần triển khai, sau đó hỏi ý kiến một số người ngồi nghe phía dưới. Mặt khác, những điều truyền đạt vốn dĩ là những vấn đề lý luận, chính trị nên khô khan, lại được diễn thuyết với thời gian dài - thường là một buổi - mới xong một chuyên đề (có khi hơn) nên người nghe thường ít tập trung nghe, một số chỉ ngồi được một lát rồi nói chuyện, hoặc làm việc riêng. Vì vậy các buổi học kém hiệu quả.

Hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền đã được Ban tuyên giáo ở một số nơi vận dụng và đạt được hiệu quả không ngờ. Trước khi người báo cáo viên lên lớp, cần chuẩn bị thật chu đáo và thiết kế các trang trình chiếu sử dụng phần mềm Powertpoint. Ngoài việc đưa đầy đủ nội dung chuyên đề truyền đạt lên các trang trình chiếu, người lên lớp có thể sưu tầm thêm các hình ảnh, các clip minh hoạ cho bài giảng phong phú hấp dẫn. Trước khi lên lớp, cơ sở chuẩn bị sẵn cho một máy chiếu, người báo cáo viên mang theo máy tính xách tay và thao tác sử dụng thành thạo là buổi sinh hoạt chính trị ấy chắc chắn hấp dẫn, thành công.

Vận dụng CNTT vào công tác tuyên truyền lên lớp của các báo cáo viên có rất nhiều tác dụng. Về phía người lên lớp: vừa đưa đầy đủ các nội dung của chuyên đề, lại có thêm các hình ảnh, các câu chuyện, clip minh hoạ thêm sinh động, cụ thể. Lượng thông tin chuyển tải đến người nghe được nhiều hơn, người nghe được theo dõi cụ thể, đầy đủ hơn. Người soạn bài có thể đưa vào rất nhiều hình ảnh, câu chuyện minh hoạ cho bài giảng thêm phần hấp dẫn, bớt khô khan. Chẳng hạn, khi giảng chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, người báo cáo viên khi lên lớp có thể đưa vào phần trình chiếu nhiều câu chuyện, hình ảnh thật (có thể sưu tầm phim tư liệu, có thể chọn các hình ảnh về Bác Hồ; hoặc có thể đưa hình ảnh của các tấm gương tiêu biểu trong nước đã học tập và làm theo gương Bác ở mọi lĩnh vực…) để bài giảng thêm phong phú, có sức thuyết phục. Về phía người nghe: Khi được nghe một báo cáo viên truyền đạt với phương pháp mới, người nghe sẽ chăm chú hơn. Người nghe cũng cảm thấy tin tưởng hơn nhiều vào trình độ của người nói, từ đó có ý thức lĩnh hội đầy đủ các yêu cầu của chuyên đề được nghe. Mặt khác, có các hình ảnh minh hoạ cụ thể, người nghe sẽ được khắc sâu vấn đề hơn. Khi đã chăm chú nghe giảng, tất nhiên sẽ lĩnh hội đựơc đầy đủ nội dung chuyên đề cũng như ý tưởng mà người nói cần truyền đạt. Vì thế, buổi lên lớp sẽ vô cùng hiệu quả. Thực tế, Ban tuyên giáo huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã áp dụng phương pháp này và thu được kết quả đáng kể.

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy là cần thiết, ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền của báo cáo viên lại càng nên làm. Bởi nó vừa giúp cho người lên lớp truyền đạt hiệu quả, vừa nâng cao khả năng ứng dụng CNTT vào công việc, tránh tụt hậu, mà buổi lên lớp tuyên truyền nhờ đó cũng thành công hơn. Thiết nghĩ, đây là điều các Trung tâm chính trị, các báo cáo viên nên lưu tâm và mạnh dạn áp dụng./.

Diễm Nguyệt.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất