Tôi đã nghe nhiều về chùa Tây Phương mà chưa có dịp đến thăm để chứng thực những lời khen và sự thán phục của khách thập phương về ngôi chùa cổ này. Tôi cũng từng đến thăm chùa trong chuyến đi điền dã trước đây, nhưng không mấy ấn tượng bởi sự vội vã khiến tôi không thể quan tâm được nhiều và cảm nhận cũng hời hợt. Đây là một công trình bậc nhất Việt Nam? Tôi ngờ vực lắm?
Quyết định đến thăm chùa Tây Phương lần thứ hai. 237 bậc, tôi đếm và nhớ lại rằng trong sách có ghi, đứng trước không gian cao và khoáng đạt, không bị bó hẹp thời gian, tôi thử cảm nhận và thật bất ngờ, tôi đã tin, tin hoàn toàn vào những gì mà tôi đã nghe thấy. Tôi không định đi xa hơn nữa về cảm xúc của mình, tôi tự đặt câu hỏi: điều gì đã tạo ra vẻ đẹp cổ kính mà chan hòa đến thế?
Đã từ lâu, Phật giáo hòa trong tín ngưỡng dân gian chi phối đời sống người dân Việt khá sâu sắc. Từ đó có rất nhiều ngôi chùa đẹp nổi tiếng với quy mô hoành tráng, đồ sộ trên khắp Việt Nam. Nhưng chùa Tây Phương không hề to lớn, vậy chùa có gì nổi bật mà được mệnh danh là “đệ nhất thắng cảnh“?
Chùa Tây Phương không lớn, đất xây chùa hẹp và ở trên cao, nên khó vận chuyển vật liệu để có thể nghĩ đến khả năng đồ sộ của công trình. Vì thế, để tạo ra được một công trình mẫu mực, các kiến trúc sư dân gian dường như đã tập trung mọi cố gắng vào khai thác những khía cạnh khác nhau của nghệ thuật kiến trúc dân gian cổ truyền.
Phải cầu kì mới là đẹp? Điều này có thể đúng, bởi sự cầu kì tạo nên cái đẹp, nhưng chưa chắc gì cái đẹp cần đến sự cầu kì ? Bạn nghĩ gì khi tôi nói rằng: gột bỏ mọi cái không cần thiết trong sự giản lược, cô đọng mà vẫn có thể toát ra vẻ đẹp nội tại bên trong là cực khó? Chùa Tây Phương đã làm được điều đó.
Với bố cục mặt bằng thật đơn giản, hình chữ Tam, ba tòa nhà của chùa được dựng kiểu trùng thiềm điệp ốc. Chùa có lẽ có một niên đại rất cổ xưa, nhưng đến đầu thế kỷ XVII theo ghi chép trên bia “Tây Phương sơn Sùng Phúc tự thạch bi“ được trùng tu và làm lại toàn bộ tượng. Sau đó đến cuối thế kỷ XVII Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ dựng lại chùa mới và tam quan. Dường như ở chùa Tây Phương, các kiến trúc phụ không được quan tâm nhiều mà chỉ tập trung vào ba nếp chùa Hạ Trung Thượng. Nó làm nên nét đặc trưng, độc đáo của kiến trúc thời Tây Sơn, kế tục những nét căn bản của lối kiến trúc truyền thống.
Theo cuốn “Di tích chùa Tây Phương“ của Vũ Tam Lang cho rằng: chùa Quỳnh Lâm Quảng Ninh, chùa thuộc di tích thời Trần cũng có ba lớp nền song song. Do đó có ý cho rằng từ thời Trần dạng bình đồ “ba nếp nhà kiểu chữ Tam“ đã có. Nên có thể kiến trúc chữ Tam chùa Tây Phương không hẳn là một sáng tạo độc đáo của thế kỷ XVII, mà là sự kế thừa truyền thống trong sự sáng tạo của các nghệ nhân xưa. Tuy vậy, phần lớn những kiến trúc Trần và sau này không có thức nào thuộc về bình đồ chữ tam cả. Sự sáng tạo ở đây, dựa trên một nhu cầu về tính biểu tượng của một công trình kiến trúc, sự thú vị với các dạng thức chồng diêm hai tầng tám mái, và sự bay vút của các tàu đao. ở đây vẻ đẹp còn là sự phù hợp của kiểu kiến trúc đơn giản trên nền chùa hẹp ở đỉnh ngọn Câu Lậu sơn. Nó tạo nên sự cân bằng trên đỉnh núi chênh vênh. Phải chăng những kiến trúc sư dân gian đã cân nhắc kĩ để lựa chọn kiểu thức mặt bằng để tất cả kết hợp lại trong sự hài hòa.
Trong thế giới hoàn toàn tách biệt, trong chùa ánh sáng nhẹ, lan tỏa dìu dịu như bức tranh nhiều sắc độ chứ không phải là thứ ánh sáng có quá nhiều bóng tối thường thấy ở nhiều nơi phải cần đến đèn, nến thắp sáng. ánh sáng này như cộng hưởng với không gian tĩnh lặng tách biệt với thế giới sôi nổi bên ngoài. Có được điều đó là nhờ sự tính toán công phu khi dựng chùa. Để hiểu rõ hơn, chúng ta quan sát kĩ sẽ thấy rằng đó là ba tòa tách biệt được bố trí song hành gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Nhưng điều đặc biệt ở đây là ba tòa được liên kết với nhau bởi tường bao đóng thành một khối kín, có cửa nghách thông sang hai bên, rất dễ khiến người ta liên tưởng đến không gian chật chội và bó hẹp… Tuy nhiên, người thợ xưa đã biết cách sử dụng nghệ thuật đối lập ngay trong kiến trúc, bởi chỉ có chùa hạ là có 9 cửa (nhưng thường đóng), còn hai chùa trong chỉ có cột mà không có cửa có vách nên chúng được liên thông với nhau, tạo cảm giác rộng và thoáng. Hơn nữa giữa mỗi tòa nhà đều có một khoảng sân hẹp thông với không gian mở rộng lên trời hứng ánh sáng gọi là sân “Thiên Tỉnh“ (giếng trời). ở mỗi khoảng sân này lại được thiết kế một cái bể nước khiến cho lớp gạch lót mái sắc không tượng trưng cho tấm áo cà sa của đức Phật như ánh lên thứ ánh sáng muôn màu. Từ ngoài bước vào cái cảm giác về khoảng tối như dần được mở ra khi bước qua những khoảng sân thiên tỉnh để dần vào trong chiêm ngưỡng những pho tượng Phật, khiến cho cảm giác về thế giới Phật pháp như mở cõi lòng đến sự rộng lớn vô biên.
Nhìn từ ngoài vào, ta còn thấy một sự khác biệt nữa trong kiến trúc: đầu hồi của chùa Trung lùi vào khiến những đầu đao mái chùa sinh động trong nhịp điệu đã được thay đổi một cách cơ bản. Tường bao của ngôi chùa đã liên kết ba tòa Hạ Trung Thượng thành dạng thức mặt bằng gần với chữ công rất phổ biến trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Nhưng ta lại không thể quy mặt bằng này vào hình chữ công được, vì ba lớp chùa lại hoàn toàn tách bạch trong nội thất. Điều này làm nên lối kiến trúc đặc biệt hiếm thấy của chùa Tây Phương, như cái lý về sắc sắc không không vậy.
Lối kiến trúc chữ Tam chưa hẳn đã đẹp do sự kết hợp với một số thành phần kiến trúc đặc biệt như sân “thiên tỉnh“, chùa Trung “thót“. Nó đẹp còn bởi những đầu đao được uốn cong, cao vút tạo ra công trình kiến trúc đẹp và lạ mắt. ở đây có sự kết hợp giữa sự phức tạp của trang trí và sự đơn giản từ kết cấu mặt bằng, sự yên tĩnh của đường thẳng và sự sinh động của mái cong. Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên sống động một cách lạ thường.
Thật sai lầm nếu như nghĩ rằng một tác phẩm kiến trúc đẹp là khi chỉ đơn thuần tạo ra cái khác với những kiến trúc đã có. Nếu nhìn kiến trúc trên bình diện thẩm mỹ thuần túy thì ta không thể thấy hết được cái đẹp. Mọi kiến trúc đều phục vụ cho một mục đích nhất định và xét trên bình diện tôn giáo và giá trị xã hội thì điều này càng thể hiện rõ hơn. Sự tĩnh lặng hàm chứa trong chữ tam đơn giản với đường thẳng khúc triết, ngược lại với sự rối ren hỗn loạn của thời thế lúc bấy giờ, để con người tìm được nơi trú ngụ yên bình của tâm hồn trong đó.
Không đồ sộ, hoành tráng như nhiều chùa trên khắp Việt Nam, kiến trúc chữ Tam chùa Tây Phương được dựng trên non cao tĩnh lặng và cổ kính, góp phần vào sự phong phú của kiến trúc chùa Việt Nam.
Vi Phương Thảo -MyThuat0