Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 27/10/2009 21:53'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa

Biểu diễn múa trong hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).

Biểu diễn múa trong hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).

Phong trào xây dựng làng văn hóa những năm gần đây đã phát triển khá đồng đều trong cả nước, nhất là tại các tỉnh:Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ... và các tỉnh miền núi phía bắc:  Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng. Các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã triển khai phong trào với những  bước đi hợp lý, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tiễn đặc thù để xây dựng tiêu chí phù hợp. Một số tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc, Lâm Ðồng đã triển khai xây dựng làng văn hóa với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa nhà rông. Nam Bộ đã năng động trong việc đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng ấp văn hóa với việc xây dựng làng văn hóa, đi đầu là thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, xây dựng ấp văn hóa phù hợp địa bàn dân cư vùng sông nước Cửu Long...

Hai mươi năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa đã trở thành một phong trào quần chúng ngày càng phát triển được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia hưởng ứng, được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện nên đã đạt được thành tựu và kết quả quan trọng. Xây dựng làng văn hóa đã gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, tạo bộ mặt nông thôn mới. Các làng văn hóa đã phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc "lá lành đùm lá rách". Từ năm 2000 đến năm 2008, đã đóng góp 9 nghìn tỷ đồng vào Quỹ Vì người nghèo và hơn 8 nghìn tỷ đồng giúp các gia đình khó khăn và gặp thiên tai, tổ chức hàng chục lớp phổ biến và tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho hơn mười triệu lượt người; huy động mạnh mẽ sự đóng góp của người dân ở nông thôn xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, với hơn 250 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng đường làng, ngõ xóm kiên cố. Nhiều làng đã xây dựng được hệ thống thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống...

Trong công cuộc CNH, HÐH đất nước, nông thôn nước ta có những bước phát triển mới. Theo Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp có những thay đổi lớn, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp giảm, tỷ lệ sản xuất công nghiệp dịch vụ tăng lên, có làng phát triển theo mô hình nông thôn mới với quá trình phát triển đô thị  hóa nhanh. Hàng loạt vấn đề mới nảy sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: Giải quyết công ăn việc làm cho nông dân khi ruộng  đất  thu hẹp lại, nhất là ở những nơi xây dựng khu đô thị và khu  công nghiệp; áp dụng khoa học kỹ thuật đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại... Người nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn phải có kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật và bản lĩnh trong xây dựng nông thôn mới. Văn hóa có vai trò rất quan trọng là nền tảng tinh thần để xây dựng cuộc sống và con người của nông thôn hiện nay.

Ðể nâng cao chất lượng Phong trào xây dựng làng văn hóa, mọi hoạt động  văn hóa của làng phải hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Khơi dậy và phát huy tinh thần làm chủ, ý thức tự cường và  ý chí vươn lên của người dân ở nông thôn để thoát nghèo, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề phụ và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Một số vấn đề nổi bật đặt ra là: Giải quyết tốt mối quan hệ  giữa truyền thống và hiện đại trong sản xuất và xây dựng cuộc sống. Về sản xuất phải tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức và năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Trong lúc mặt trái cơ chế thị trường tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền thì làng văn hóa phải phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa của dân tộc, tăng cường tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau về giống, vốn, vật tư, kỹ thuật, nhân lực, để cùng nhau vươn lên xóa nghèo vận động mọi người tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học và các hoạt động từ thiện, tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế và các thiết chế văn hóa của làng. Trong việc xây dựng gia đình văn hóa và nếp sống mới, việc phát huy truyền thống kết hợp với hiện đại rất quan trọng, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có Chỉ thị về việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhưng không ít các làng vẫn giữ hủ tục cũ như ăn uống linh đình, cúng lễ mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội... Trong quá trình phát triển đô thị và mở rộng giao lưu văn hóa, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại đã tràn về vùng quê, hủy hoại nề nếp, gia phong, thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người, làng văn hóa phải xây dựng quy ước, hương ước được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, quy ước cộng đồng, xây dựng xã hội nông thôn  dân chủ, đoàn kết tương thân tương ái, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội đẩy lùi các tệ nạn xã hội và ảnh hưởng của văn hóa xấu độc hại.

Hội nghị Tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua tại Thái Bình đã nêu ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng Phong trào xây dựng làng văn hóa trong tình hình mới: Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn trong sạch, vững mạnh; nhận thức và quan tâm đầy đủ đến phát triển văn hóa; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở chính trị cho sự phát triển của phong trào xây dựng làng văn hóa. Khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực tự quản cộng đồng ở nông thôn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu làng văn hóa, tránh tình trạng công nhận làng văn hóa nặng về hình thức, làm giảm ý nghĩa, tầm quan trọng của danh hiệu  này. Việc tôn vinh làng văn hóa tiêu biểu và được sự quan tâm đầu tư, sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phong trào ngày càng lớn mạnh./.

(Theo: Nguyễn Thu Hiền/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất