Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 27/10/2009 21:30'(GMT+7)

Tác phẩm văn học lớn?

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong Phi điểu nguyên âm, Nhữ Bá Sĩ viết: “Loại văn chương tột bậc của thiên hạ… không ở trong cái giới hạn đóng mở kết cấu”. Kết cấu theo tác giả gồm ba phương diện: cách mở ra tác phẩm, cách bày trí văn mạch và cách gói lại tác phẩm. Không cho văn chương tột bậc ở chỗ kĩ thuật, song tác giả nhấn mạnh kĩ thuật không thể buông lơi. Nắm chưa vững kết cấu, văn chương sẽ như cỏ bồng. Rõ ràng, với Nhữ Bá Sĩ “loại văn chương tột bậc của thiên hạ” trước hết do nội dung lớn lao của nó…

Tác phẩm văn học lớn trước hết phải cắt nghĩa về sự tồn tại của con người, của một lớp người, của dân tộc hoặc cả nhân loại, từ đó xác lập cấu trúc mẫu mực của sự sinh tồn loài người. Tác phẩm lớn, một mặt đề cập đến những khát vọng ngàn đời của con người, mặt khác quan tâm tới vấn đề nhức nhối đang đặt ra trong thời đại, gọi dậy ở mỗi người sự tự ý thức sâu xa về trạng thái nhân sinh hoặc khám phá ra sự tồn tại của bản thân theo cách nào đó. Tôi cho rằng, vấn đề nhân sinh, vấn đề vận mệnh con người đối với văn học không bao giờ cũ. Thậm chí, có thể nói nó luôn được làm mới, không ngừng được lí giải theo sự phát triển của từng thời đại và mĩ cảm của người viết. Tôi cũng không tin trước khi ngồi vào bàn viết nhà văn chẳng có quan niệm xác định nào về con người và cuộc đời cả. Ở đây cần tính cả yếu tố vô thức, tiềm thức.

Tác phẩm lớn cũng thường tạo ra một hiệu ứng phản tư duy đặc biệt khi người đọc đến với nó để kiếm tìm chân lí nhân sinh hay để lĩnh hội chất thơ của cuộc sống thường ngày. Tác phẩm lớn, dĩ nhiên không chỉ đơn giản lớn về “thể xác” - dung lượng, thực chất lớn về tư tưởng, tầm nhìn, về khả năng giải quyết một vấn đề nào đó theo hướng nhân văn, tiến bộ. Người nghệ sĩ lớn phải có “con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân).

Tác phẩm lớn, không dừng lại ở việc biểu hiện “cái tôi” của nghệ sĩ, dẫu cái tôi ấy cộng hưởng, đồng điệu với số đông. Tác phẩm lớn có quy luật sinh thành riêng, ở chỗ nó thường hướng tới chiếm lĩnh “cái ta” ở tầm khái quát cao và bao giờ cũng tạo ra những chuẩn mực mới, giá trị mới từ một tầm triết mỹ xa rộng, lớn lao của chính người nghệ sĩ bậc thầy. Ở những tác phẩm thuộc loại này, “cái tôi cá nhân” cùng lắm chỉ đóng vai trò người thể nghiệm trực tiếp, chứ ít khi thành chất liệu trung tâm của sự khám phá, đánh giá và miêu tả một cách nghệ thuật.

Tác phẩm đặt ra vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh của nhiều người, do đó sẽ tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ vĩnh hằng sâu xa ở người đọc mọi thế hệ. Ví như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã khiến cho “văn nhân tài tử mắt nhìn truyện ấy thì tâm thần vui tươi khoan khoái, đến cả hàng bố cu mẹ đĩ hễ miệng đọc thì cũng khoa chân múa tay”. Nguyễn Du đã đặt ra vấn đề tình - phận, tài - mệnh, gợi lại “cái án phong lưu” thiên cổ hận, rất hợp với không khí của thời đại bể dâu, với nghịch luật sinh tồn muôn thuở. Nếu tác giả chỉ giản đơn phỏng theo “phong tình cổ lục”, phổ vào thể thơ dân tộc một “diễm khúc tình tứ” của cổ nhân, chắc hẳn không tạo ra sức lay động sâu xa như thế. Theo đó, tác phẩm lớn, nhất thiết phải có phát hiện mới về các miền đời, còn ít được biết đến, về thế giới tâm hồn con người, còn ít có điều kiện thấu hiểu. Ở đó thâu gộp được các dòng mạch lớn nhỏ của cuộc đời, như biển cả đón nhận trăm sông. Theo nghĩa nào đó, tác phẩm lớn “không được sinh ra từ cá nhân” mà được tạo ra bởi thời đại, thậm chí cả sức mạnh tinh thần, văn hóa của một dân tộc. Nghĩa là khi tác phẩm vượt thoát vóc dáng của cái tôi bé nhỏ, trở thành biểu tượng cho số phận, cách tư duy… của cả một dân tộc, một thời đại, một giai đoạn lịch sử…

Tác phẩm văn học có thể “hay” với cảm nhận của người này và chưa thật hay trong sự đánh giá của người khác. Một tác phẩm hay, có thể hay ở âm hưởng, hay trong cách cấu tứ, cách cảm, cách lí giải của chủ thể sáng tạo… Tác phẩm hay là tác phẩm gây được hứng thú thẩm mỹ khi đọc. Đọc một tác phẩm, ta cảm thấy hay, nhưng đôi khi chính ta chưa hiểu được đúng tư tưởng chủ đề của nó, ta chưa biết tới nghệ thuật của nó ra sao, mới mẻ ở chỗ nào, ta chưa thể gọi được đích xác thủ pháp, kĩ thuật nào khiến cho ta cảm thấy hay vậy. Tác phẩm hay không nhất thiết là tác phẩm khó. Một tác phẩm được viết khá dễ dàng, không khó lắm để tiếp nhận - lí giải, có thể được xem là rất hay, rất thú vị đối với người đọc. Khi nói một tác phẩm nào đó hay, ấy là đang nói về cảm nhận, cảm giác khi đọc.

Tiêu chí của cái hay không ổn định, mỗi người một quan niệm. Tác phẩm hay tồn tại trong cảm giác thẩm mỹ khá chủ quan của người đọc. Một tác phẩm hay là tác phẩm có khả năng gợi lên một cảm xúc, một nhận thức nào đó mới lạ, mà trước đó chưa từng nảy sinh, hoặc đã bị bỏ quên ở người đọc. Mỗi lần đọc cảm thấy cái hay một kiểu. Sự đồng cảm từ phía người đọc và cách truyền cảm, truyền nhận thức từ phía tác phẩm là những nguyên nhân tạo nên cảm giác hay.

Một tác phẩm xuất sắc và tác phẩm lớn, tất nhiên phải là một tác phẩm hay. Nhưng thế nào là một tác phẩm xuất sắc? Tác phẩm đó phải đảm bảo những tiêu chí nhất định của thể loại, soi vào tác phẩm đó có thể thấy được đầy đủ đặc trưng của thể loại. Tác phẩm đó phải tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật, khả năng xử lí nghệ thuật của người nghệ sĩ, đại diện cho một trào lưu văn học, một khuynh hướng sáng tác, một loại hình sáng tác. Tác phẩm đó phải độc đáo trong việc thể hiện một đề tài nào đó, hoặc kết tinh những thành tựu nghệ thuật trong một giai đoạn sáng tác nào đó của cá nhân nghệ sĩ. Đó là thế giới nghệ thuật thu nhỏ của đời viết, đời sống. Cơ chế xác định tác phẩm xuất sắc thuộc về quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học. Nếu thiếu đi thao tác so sánh, thiếu đi cái nhìn lịch sử thì sự phán đoán, xếp hạng đối với tác phẩm nào đó hoàn toàn không đáng tin cậy. Tác phẩm hay có thể được tạo ra từ một nghệ sĩ không trường vốn, song tác phẩm xuất sắc thường thuộc về những nghệ sĩ trải đời, trải nghề lịch lãm.

Tác phẩm đỉnh cao trong một đời văn, tác phẩm ưu tú của một đời viết, tác phẩm hay xuất hiện dọc chặng đường cầm bút, chưa chắc đã là tác phẩm lớn. Thần đồng có thể đem lại cho chúng ta tác phẩm hay, song “ở tuổi nghề còn trẻ”, hiếm khi sáng tạo được kiệt tác. Không phải ngẫu nhiên có hiện tượng thú vị rằng: nhà văn, nhà thơ này hay khác viết được một tác phẩm ưu tú tồn tại như cột mốc trong đời cầm bút, vì ở chính ở đây dồn tụ tất cả vốn sống, tài năng nghệ thuật của họ, còn sau đó thì hầu như không có tác phẩm nào đáng kể nữa. Tác phẩm hay, tác phẩm ưu tú, tác phẩm đỉnh cao có thể cũng sẽ lỗi thời, còn tác phẩm lớn có thể tồn tại như một chuẩn mực không tác phẩm nào có thể vượt qua, thay thế được.

Tác phẩm lớn, bởi nó đã đạt đến độ chín muồi về mọi mặt sau khi trải qua một quá trình biến đổi về ý thức sáng tạo và khả năng biểu hiện hiện thực bằng các phương tiện đặc thù của văn học; bởi vì bản thân kích cỡ, tầm vóc của nó góp phần giúp người đọc hình dung được đầy đủ diện mạo và sức mạnh của một nền văn học, một thời kì văn học.

Tác phẩm văn học lớn không chỉ là “hiện thân tuyệt đối” cho kí ức thể loại mà còn có một ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với tiến trình văn học. Tác phẩm ấy có thể ảnh hưởng tới nhiều khâu trong quá trình sáng tạo của nhiều thế hệ nhà văn nối tiếp nhau và trở thành đối tượng thẩm mỹ của các loại hình nghệ thuật khác (âm nhạc, hội họa, điện ảnh…). Thí dụ, hai bộ sử thi Iliat và Ôđixê được nhân loại coi là kiệt tác. Suốt từ thời cổ đại, cận đại nhiều người mô phỏng cách viết của nghệ sĩ mù Hômerơ. Viecgin, Tátxô, Vônte… đều muốn tạo ra thiên anh hùng ca như Iliat. Sau 28 thế kỉ, Tônxtôi cũng ví Chiến tranh và hòa bình của mình là “Iliat thứ hai”. Hai bộ sử thi của Ấn Độ là Mahabharata và Ramayana được nhiều người thừa nhận là kiệt tác, xét riêng về nghệ thuật miêu tả nhân vật ít có tác phẩm nào của người đời sau đạt tới.

Một khi tác phẩm lớn tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển văn học, thì lúc đó nó cũng tạo ra sự gián đoạn trong quá trình vận động liên tục của văn học. Tác phẩm văn học lớn hoàn thiện về mặt nghệ thuật; sâu sắc và lung linh vô vàn ý nghĩa - xét trên phương diện nội dung tư tưởng. Tác phẩm văn học lớn xuất hiện như một đỉnh cao sừng sững giữa con đường lớn của văn học. Tác phẩm lớn khước từ những định kiến thẩm mỹ hẹp hòi, nó mở ra cho người đọc cơ hội tiếp cận chính nó từ những góc độ khác nhau, con đường khác nhau và từ những yêu cầu thẩm mỹ không giống nhau.

Chúng ta thường muốn tránh đi điều tiếng về sự chủ quan của mình trong cách xếp loại, xếp đặt thứ bậc đối với các tác phẩm nghệ thuật, đối với các tác giả văn học. Và chúng ta cũng thường biện lí rằng sự so sánh của mình chỉ nhằm vào sự độc đáo, khác biệt, và sự tiến bộ nghệ thuật, nhưng trên thực tế thì việc xếp loại kia đã ngấm vào những phát ngôn đầu tiên rồi. Chừng nào không có những tiêu chuẩn rõ ràng, khách quan về sự tiến bộ nghệ thuật, về tác phẩm lớn… thì việc xếp loại nào đó, nhất là đối với những tác phẩm mới ra đời trong một thời gian chưa xa, vẫn luôn được biểu hiện một cách tế nhị và kín đáo, thậm chí thành nỗi e dè, ngần ngại.

Tôi nghĩ việc cào bằng các sáng tác bằng cách xếp nó vào nhóm những tác phẩm biểu lộ sự cách tân, tiến bộ hoặc việc phê bình thiếu tiêu chí chẳng những không giúp được gì cho việc nhận chân diện mạo đích thực của văn học, mà còn tạo ra một cuộc phiêu lưu vô ích. Ngoài nhiệm vụ làm sáng giá, sang giá (Hoàng Ngọc Hiến) những tác phẩm văn chương lớn, người viết phê bình còn phải tạo ra những thước đo mới về một tác phẩm lớn, nhằm mở đường, định hướng cho sự sáng tạo nghệ thuật hoặc chí ít cũng tạo ra một cách đọc văn học. Người nhìn thấy và luận được đâu là một tác phẩm lớn cũng là một tác giả lớn.

TRẦN THIỆN KHANH

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất