Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 3/11/2009 9:47'(GMT+7)

Chức năng của phê bình

Hai chức năng chính của phê bình văn học là phát hiện ra cái đẹp và quy phạm hóa cái đẹp. Nếu chức năng trước liên quan đến sự phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là phê bình luôn đi sau sáng tác, thì chức năng sau nhấn về việc “lập thuyết”, một dạng phê bình khả năng dẫn đạo sáng tác.

Hai chức năng này song hành tồn tại trong sự phát triển của một nền văn học. Nên, không thể nói phê bình không phát triển được bởi chưa có sáng tác hay. Phê bình đi trước, sau, và cả song hành với sáng tác văn học. Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam đã có công lớn trong việc phát hiện cái mới, cái đẹp trong Thơ Mới. Nghĩa là phê bình của ông đi sau sáng tác. Nhưng sau đó ông đã qui phạm hóa cái đẹp của Thơ Mới mang nặng yếu tố hậu lãng mạn chủ nghĩa với sự biểu hiện độc đáo của cái Tôi chủ quan. Để qua đó, qui phạm này đã ảnh hưởng không ít đến sáng tác và phê bình giai đoạn sau.

Trong quá khứ, đã có không ít phê bình đi trước sáng tác. Phong trào siêu thực khởi đầu từ Tuyên ngôn siêu thực ra đời vào năm 1924, ở đó chủ trương thực tại đích thực nằm trong vô thức, và bổn phận tối thượng của nghệ thuật là biểu hiện chúng ra trong tác phẩm nghệ thuật, đã dẫn đạo sáng tác siêu thực gần mươi năm sau đó. Trước đó, phê bình của Aristotle (Poetics), của Horace (The Art of Poetry), hay ở phương Đông với lý thuyết “thi ngôn chí” hay “văn dĩ tải đạo”, hoặc mới đây: “văn học phục vụ đời sống”, phê bình đã là ánh sáng soi đường cho sáng tác. Chính nó được dùng làm thước đo để thẩm định giá trị tác phẩm.

Loại phê bình này rất gần gũi với lý thuyết và dễ biến thành lý thuyết. Đó là các loại phê bình “đi trước” sáng tác, đi trước cả thị hiếu, thẩm mỹ chung của xã hội. Cho nên, nói rằng “các nhà phê bình văn nghệ luôn được coi là những người đại diện cho thị hiếu chung của xã hội”, thì chỉ đúng một phần. Kẻ sáng tạo có thể đi trước thị hiếu chung của xã hội, vượt qua tầm mong đợi (horizon of expectations) của người đọc đương thời. Đó là lý do vì sao rất nhiều sáng tác của tác giả lớn ít khi được người đương thời chấp nhận: Whitman, Baudelaire, Rimbaud, Stendhal, Hồ Xuân Hương… Chuẩn “của phê bình văn nghệ” chưa hẳn “là cái chuẩn trong sáng tác văn nghệ”. Trong lịch sử văn học, đã có nhiều cuộc vượt bỏ ngoạn mục.

Qui phạm hóa cái đẹp của Hoài Thanh chỉ bay bổng trong chân trời lãng mạn, hậu lãng mạn và một phần ở ngưỡng tượng trưng; khi bước qua siêu thực, ông đã dừng lại. Đó là lý do giải thích vì sao ông chỉ chấp nhận Hàn Mặc Tử của Gái quê, chứ không chịu được nhà thơ này ở các tập sau đó. Con người sáng tạo vẫn có thể (và đã nhiều lần) phá chuẩn (qui phạm) do nhà phê bình áp đặt, và ngược lại. Khi một kẻ sáng tạo hay nhà phê bình dừng lại, tức là họ chấp nhận sự ngưng trệ của tiến trình (văn học như là một tiến trình). Và họ bị vượt qua.

Bởi thời đại thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Với nhà phê bình mang nặng chức năng thứ hai thì càng phải thay đổi.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Tạm phân loại nhà thơ làm ba nhóm.

- Nhóm làm vần để phục vụ đại chúng: gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường,… Loại thơ ưa chuộng là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.

- Nhóm tiếp hiện viết phục vụ cho một tầng lớp độc giả có chọn lọc hơn. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó.

- Nhóm sáng tạo là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mỹ học sáng tạo.

Có thể áp dụng lối chia đó với “nhà” phê bình: nhà phê bình đại diện cho thị hiếu chung của xã hội, nhà phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, và nhà phê bình lý thuyết mang yếu tính khai mở hướng đi mới chưa từng có mặt trong sáng tác.

Sự hiện hữu của họ đều có lý do chính đáng. Và tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho sự phát triển của văn học./.
 
IN RA SA RA

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất