Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 12/8/2020 10:34'(GMT+7)

Nét mới trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Đông

Văn Miếu Mao Điền - một trong những biểu tượng của văn hóa xứ Đông. (Ảnh minh họa).

Văn Miếu Mao Điền - một trong những biểu tượng của văn hóa xứ Đông. (Ảnh minh họa).

XÂY DỰNG NÉT VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI XỨ ĐÔNG

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33), Tỉnh ủy Hải Dương đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng nét văn hóa và phong cách con người xứ Đông - Hải Dương theo hướng phát triển toàn diện với ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; sống có đạo đức, nhân cách và đời sống văn hoá lành mạnh; có trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân; có tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Các nhà trường đã dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, triển khai thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, nghề phổ thông; biên soạn, đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy ở cả 3 cấp học, gắn bài giảng với tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương, đất nước; các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên ngày càng được chú trọng; Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm, chất lượng các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ở các địa phương được duy trì thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tích cực. Sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã tổ chức được trên 20.000 lớp chuyên đề cho hơn một triệu lượt người tham gia học tập nâng cao kiến thức thuộc các lĩnh vực giáo dục chính trị - pháp luật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, thể thao, thể dục dưỡng sinh..., đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần trong nhân dân.

Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tận tụy phục vụ nhân dân theo chức trách, nhiệm vụ được giao; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh đã có 160/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 89,9%); 3 huyện Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng, thành phố Chí Linh đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; 3 huyện Nam Sách, Bình Giang và Gia Lộc chuẩn bị có Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ về đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Cùng với việc xây dựng và phát triển con người, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, nhân dân trong tỉnh đã tổ chức khôi phục 725 lễ hội truyền thống, duy trì 35 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng trên 2 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về tham quan, nghiên cứu và tham dự. Nhiều lễ hội truyền thống ở Hải Dương đã khôi phục được các tục và trò chơi dân gian đặc sắc gắn với hoạt động văn nghệ quần chúng tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia

Hiện nay, toàn tỉnh có 12/12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 248/264 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã;1419/1425 nhà văn hóa, sân thể thao thôn, khu dân cư; 1 thư viện tổng hợp cấp tỉnh; 12/12 thư viện cấp huyện; 1 Bảo tàng tỉnh; ngoài ra còn có các sân bóng đá, sân cầu lông, bể bơi, thư viện tư nhân... (do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, vui chơi, giải trí cho người dân trong tỉnh. Chất lượng và hiệu quả phục vụ của hệ thống thư viện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã được nâng cao, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Hiệu quả hoạt động của các nhà văn hoá, trung tâm văn hoá cấp xã ngày càng được nâng cao, đây là nơi sinh hoạt của 1.332 đội văn nghệ quần chúng và 4.682 câu lạc bộ sở thích trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đến nay 100% các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh đã thực hiện xong việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đảm bảo sát với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn có tính đặc thù của cơ quan, đơn vị và tổ chức cho cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch đăng ký làm theo sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc xây dựng nền nếp văn hóa, văn minh trong tổ chức Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể được tỉnh quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Tỉnh quan tâm xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân, phát triển các thương hiệu hàng hoá, dịch vụ với ý thức tôn trọng pháp luật, coi trọng chữ “tín”, cạnh tranh lành mạnh, khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa xứ Đông; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá những sản phẩm văn hóa đặc sắc của người Hải Dương với bạn bè trong và ngoài nước (tiêu biểu như lễ hội Văn hóa xứ Đông chào đón năm mới 2019; Lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc; Ngày hội vải thiều...).

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ quần chúng luôn được quan tâm đầu tư, trung bình mỗi năm có từ 2.200 - 2.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Những năm qua, hai đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của tỉnh đã dàn dựng hàng chục vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, đạt được những kết quả bước đầu trong việc vận dụng sáng tạo, hài hòa giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật truyền thống trong chèo và ca múa nhạc. Nhiều tiết mục, vở diễn đoạt các huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ liên hoan toàn quốc, khu vực và quốc tế; xây dựng nhiều chương trình đặc sắc biểu diễn giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam tại các nước Pháp, Hàn Quốc, Lào...

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa luôn được tỉnh quan tâm. Công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích được tiến hành định kỳ hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 di tích được đưa vào danh mục cần bảo vệ, có 4 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), cụm di tích Văn Miếu Mao Điền, đền Bia, chùa Giám, đền Xưa (Cẩm Giàng), 141 di tích quốc gia, 229 di tích cấp tỉnh; trên 50 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các mức độ khác nhau bằng nguồn ngân sách của trung ương và của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 10.000 hiện vật đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các nhà truyền thống; Công tác lập hồ sơ khoa học đảm bảo quy định, quy trình của Luật Di sản văn hóa.

Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, giới thiệu văn hoá phi vật thể đã được tiến hành trên các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian đang được lưu giữ trong nhân dân như: hát chèo, hát ca trù, hát đối, hát ru, hát chầu văn, hát trống quân, nghệ thuật xiếc. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong tỉnh luôn được tăng cường, thực hiện đúng quy định, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được chú trọng và đạt được kết quả tích cực.

NHỮNG MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Có được kết quả trên, là do Hải Dương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết 33. Từ, đó, các ngành, các cấp của Hải Dương thể chế hoá bằng những việc làm cụ thể. Ngành Văn hoá hướng dẫn lồng ghép nội dung Nghị quyết làm tiêu chuẩn bình xét gia đình văn hoá, công nhận làng, khu dân cư văn hoá. Đoàn Thanh niên xây dựng mô hình“Cưới tiết kiệm” cho thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân viên chức và thanh niên ở khu vực đô thị. Mặt trận Tổ quốc tỉnh gắn việc thực hiện Nghị quyết vào nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; Liên đoàn lao động tỉnh đưa nội dung Nghị quyết vào tiêu chuẩn xét công nhận cơ quan, đơn vị văn hoá, gắn với phát động các phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”. Tỉnh đoàn xây dựng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình trẻ”; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội vào các phong trào thi đua của tổ chức hội coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm. Hội Cựu chiến binh xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, trong cơ quan xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người để thực hiện, lồng ghép với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, xây dựng những điễn hình để lan tỏa, nhân rộng; Công an Tỉnh gắn với phong trào “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệ Công an nhân dân”. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xây dựng 14 mô hình “Xứ Đạo, Họ an toàn về an ninh trật tự” tại địa bàn vùng giáo, 168 mô hình “Dòng họ hiếu học, an toàn về an ninh trật tự”... Huyện Tứ Kỳ phát động phong trào “Người tốt việc tốt”, xây dựng đề án  và tổ chức thực hiện nghề thêu ren, dệt chiếu cói, nghề mây tre đan; Huyện Thanh Miện gắn với với dự án cải tạo, xây dựng khu di tích Quốc gia Danh lam thắng cảnh Đảo Cò xã Chi Lăng Nam thành điểm du lịch sinh thái của huyện...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như công tác quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn chậm đổi mới ở một số lĩnh vực; một số cán bộ văn hóa (nhất là ở cơ sở) còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỉnh chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho đội ngũ làm công tác văn hoá. Công tác hỗ trợ đào tạo tài năng, chế độ chính sách đối với diễn viên, vận động viên còn thấp. Công tác quảng bá du lịch về đất và người Hải Dương với thị trường trong nước và quốc tế chưa được đẩy mạnh; công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã được triển khai thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả cao.

Chất lượng một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có tiến bộ bước đầu nhưng chưa rộng khắp; công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, lẻ; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới, Tỉnh uỷ Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW; Chương trình hành động số 62-CTr/TU gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người. 

Thứ hai, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới. Mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm đến đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông chính thống; lập những trang thông tin điện tử nhằm ngăn chặn, phản bác những quan điểm sai trái, thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến giới trẻ.

Thứ tư, quan tâm bố trí kinh phí phục vụ sự nghiệp văn hóa, thể thao nói chung trong đó, bố trí kinh phí hằng năm tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ ở thôn, khu dân cư, thực hiện từ năm 2020 để từng bước nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa khu vực nông thôn; các thiết chế văn hóa trong các khu, cụm công nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Nâng cấp hệ thống đài phát thanh xã, huyện, đảm bảo phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các công trình cấp thiết. Ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và tổ chức các hoạt động văn hóa đảm bảo đáp ứng các tiêu trí xây dựng nông thôn mới; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân./.

Đào Văn Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất