Thứ Sáu, 15/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 19/9/2009 16:26'(GMT+7)

Nga trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ từ bỏ chương trình lá chắn phòng thủ tên lửa ở Đông Âu

Một quả tên lửa C-300 vút lên không trong cuộc tập trận theo chuẩn của NATO, diễn ra gần Biển Đen, thuộc địa phận của Bulgaria hôm 4/9. Ảnh: AP.

Một quả tên lửa C-300 vút lên không trong cuộc tập trận theo chuẩn của NATO, diễn ra gần Biển Đen, thuộc địa phận của Bulgaria hôm 4/9. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Mét-vê-đép đánh giá cao quyết định của Mỹ, coi đây là một hành động có trách nhiệm. Qua kênh truyền hình nhà nước, ông Mét-vê-đép cho biết sự thay đổi đó của Mỹ đưa ra trên tinh thần nhất trí hợp tác giữa Nga và Mỹ trong các cuộc gặp hồi đầu năm nay về nguy cơ của hệ thống này. Ông Mét-vê-đép cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với tổng thống Mỹ, gần nhất là cuộc gặp ngày 23/9 tới tại Niu Y-oóc (Mỹ).

Phần lớn các nhà chính trị Nga cho rằng, mặc dù giữa Nga và Mỹ vẫn còn nhiều điểm bất đồng, nhưng quyết định của tổng thống Mỹ Ô-ba-ma sẽ mở ra trang mới trong quan hệ Nga-Mỹ. Ông A-lêch-xan-đrơ Pi-ka-ep, chuyên viên Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế của Nga, đánh giá: “Rõ ràng là, quyết định của chính quyền Barack Obama, nếu như được thông qua, có thể được đánh giá như chiến thắng của lý trí lành mạnh. Điều này góp phần xóa bỏ một nhân tố gây sự căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ và giúp duy trì tình trạng an ninh đã hình thành trên lục địa châu Âu sau “chiến tranh lạnh”.

Ông A-lêch-xây Ac-ba-tôp, giám đốc Trung tâm an ninh quốc tế IMEMO của Viện Khoa học Nga nói: “ Hiệp ước START-1 hết hiệu lực vào cuối năm nay và điều quan trọng là cần phải có Hiệp ước mới để thay thế. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu thực chất là chướng ngại vật trên con đường đàm phán về Hiệp ước mới và Mỹ phải loại bỏ vật cản này. Điều thứ 2 rất quan trọng là: với hành động này, Mỹ hy vọng tranh thủ được Nga trong nhiều vấn đề khác nhau. Chẳng hạn, Nga sẽ ủng hộ Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với I-ran, về các vấn đề liên quan đến I-ran được bàn thảo tại Hội đồng Bảo an LHQ và trong nhiều vấn đề khác”.

Các nhà phân tích chính trị nhìn chung cũng tin rằng: những lý do để Mỹ từ bỏ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu còn lớn hơn nhiều lý do trực tiếp để triển khai hệ thống này. Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp cũng luôn phản đối kế hoạch của Mỹ và điều này càng khiến nội bộ NATO có nhiều rạn nứt. Thế giới hiện đang có những thay đổi mạnh mẽ và theo cựu ngoại trưởng Mỹ Ma-đơ-lin Ôn-brai thì chính nước Mỹ cũng cần phải thay đổi. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định, thời gian gần đây có nhiều minh chứng cho thấy Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ tạo ra những nguy hại cho an ninh toàn cầu. Ông Côn-xtan-chin Cô-xa-chep, chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Đu-ma quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết: Mọi kế hoạch trong lĩnh vực an ninh cần phải được xem xét trong mối quan hệ tương hỗ với các đối tác, ít nhất là kế hoạch đó không phá vỡ niềm tin giữa các đối tác. Kế hoạch của tổng thống Mỹ thực chất là muốn quay lại quan hệ đối tác chiến lược và điều này có nghĩa là muốn khôi phục đối thoại trong việc đánh giá các mối đe doạ chung. Như vậy, trong tương lai, Nga và Mỹ không đơn giản là chỉ thảo luận các vấn đề này, mà còn phối hợp hành động, thậm chí cả trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.”

Chính quyền của tổng thống Mỹ Giooc-giơ Bus trước đây từng giải thích kế hoạch triển khai các bộ phận của hệ thống Phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu là cần thiết để giáng trả nguy cơ tên lửa từ phía I-ran. Song, quan điểm này hoàn toàn không có cơ sở, bởi vì I-ran không hề sở hữu tên lửa đạn đạo. Việc thiết lập hệ thống Phòng thủ tên lửa sát gần biên giới Nga đã gây sự lo ngại sâu sắc của Nga. Theo ý kiến của giới chuyên viên quân sự, mục đích của hệ thống Phòng thủ tên lửa là thay đổi tương quan lực lượng và bảo đảm ưu thế cho Mỹ, nhưng kế hoạch này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nga luôn phản đối quyết liệt kế hoạch này của Mỹ. Nga cũng đã nhấn mạnh rằng, Nga sẽ áp dụng những biện pháp thích ứng để vô hiệu hóa mối nguy cơ đe dọa xuất phát từ việc xây dựng các bộ phận của hệ thống Phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.

Việc thay đổi chính quyền ở Mỹ đã tác động đến đường lối chính trị của nước này trên một số phương hướng, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tại Đông Âu. Chính quyền tổng thống Ô-ba-ma coi kế hoạch đó là không hợp lý, và không muốn làm con tin của những quyết định cũ. Thông tin này cho thấy chính quyền Mỹ không muốn hy sinh những lợi ích lâu dài trong quan hệ Nga - Mỹ vì kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm vốn gây nhiều tranh cãi và thậm chí gây nhiều mâu thuẫn trong chính nội bộ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện điều này thì một trong những mâu thuẫn lớn nhất trong quan hệ Nga Mỹ sẽ sớm được giải quyết, tạo tiền đề giải quyết các vấn đề lớn khác trên thế giới./.


Phạm Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất