Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 7/2/2020 9:54'(GMT+7)

Ngăn chặn nạn tin giả trước nguy cơ dịch bệnh

Nhân viên một cửa hàng thuốc tại Ninh Bình phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhân viên một cửa hàng thuốc tại Ninh Bình phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 31-1-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh do nCoV xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc virus này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, ngay sau đó, WHO cũng lập tức mở chiến dịch chống tin giả (fake news) về nCoV.

Cụ thể, WHO đang phối hợp các mạng xã hội lớn để đối phó với nạn tin giả liên quan tình trạng dịch bệnh cũng như về virus corona đang lan truyền nhanh chóng tại các quốc gia. Tổng Giám đốc WHO T.A Ghebreyesus (T.A Ghe-brây-sua) cho biết: "Chúng tôi đang hợp tác với Google để bảo đảm mọi người khi tìm kiếm thông tin về virus corona sẽ thấy thông tin của WHO ở đầu kết quả tìm kiếm. Các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Tencent và TikTok cũng đang thực hiện các biện pháp riêng để ngăn nạn phát tán tin giả". Ðộng thái này của WHO xuất phát từ tình trạng các tin đồn sai sự thật về virus corona, tình trạng lây nhiễm, cách thức điều trị... xuất hiện tràn lan và ngày càng trở nên mất kiểm soát trên mạng xã hội, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, gây bất ổn, hoang mang trong xã hội, đe dọa trực tiếp đến an ninh sức khỏe cũng như nỗ lực phòng, chống nCoV của cộng đồng, nhất là trong bối cảnh số người bị nhiễm bệnh, chết ngày một tăng.

Rõ ràng, mọi người trên thế giới đang cần được tiếp cận với thông tin chính xác, tin cậy về dịch bệnh, tránh gây hoang mang, hoảng loạn. Vì từ đây có thể xuất hiện hành vi tiêu cực, cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quốc gia. Theo báo Washington Post, trước nạn tin giả liên quan dịch bệnh, sau khi tiến hành chín quy trình kiểm chứng, các đối tác của Facebook phát hiện hàng loạt tin sai sự thật về virus corona, truyền bá "phương pháp tự điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán".

Ðể ngăn chặn nạn tin giả có nguy cơ lấn át thông tin chính thống, Google đã sử dụng thuật toán ưu tiên để hiển thị các kết quả tìm kiếm đáng tin cậy trên Google Search. YouTube, Twitter cũng khuyến cáo người sử dụng tìm kiếm thông tin liên quan dịch bệnh theo các nguồn tin, tài liệu từ Bộ Y tế và WHO. Dù vậy, sự vào cuộc của khá nhiều mạng xã hội trước vấn nạn tin giả vẫn còn chậm trễ và kém hiệu quả đang gây không ít lo ngại.

Tại Việt Nam, nạn tin giả "ăn theo corona" có nguy cơ trở nên nguy hiểm không kém so với bệnh dịch nCoV đang diễn ra. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh.

Thí dụ, việc người từ vùng dịch trở về và buộc phải cách ly để theo dõi do yêu cầu của công tác phòng bệnh lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới. Thậm chí những kẻ thiếu thiện chí còn nhân cơ hội này để bịa đặt, vu cáo cơ quan chức năng che giấu thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của mình.

Tình trạng dịch bệnh ở một số địa phương cũng thành đề tài bị một số đối tượng lợi dụng, xuyên tạc trên mạng xã hội như tung tin "ổ dịch mới bị phát hiện", thậm chí nêu tên một số cá nhân "bị mắc bệnh" để kỳ thị.

Trong khi các cấp chính quyền và cả xã hội đang dồn lực phòng, chống dịch thì cơ quan chức năng đã phải tiến hành xử phạt không ít cá nhân vì hành vi bịa đặt về dịch bệnh, tự nhận "dương tính" với corona để câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem) trên Facebook.

Những cách thức phản khoa học như cho rằng uống bia, rượu, uống Dettol (một loại dung dịch khử trùng trong nhà), thậm chí uống nước tiểu có thể chống virus corona, diệt khuẩn bằng máy sấy tóc, "hướng dẫn cách tự chữa bệnh liên quan nCoV tại nhà"... cũng được nhiều người hồn nhiên chia sẻ trên mạng xã hội, bất chấp hậu quả.

Ðáng lên án là có ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và cả nhân viên ngành y tế cũng đưa lên mạng xã hội các thông tin không chính xác liên quan tình hình dịch bệnh, gây hoang mang, bất ổn trong dư luận. Vô lương tâm hơn, trong hoàn cảnh các y, bác sĩ đang căng thẳng cho công tác phòng, chống dịch có đối tượng xông vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gây sự với nhân viên y tế để quay clíp với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một thứ cực kỳ hot trend (xu hướng được ưa chuộng) để câu view, câu like trên mạng xã hội.

Chưa kể, lợi dụng sự quan tâm theo dõi của cộng đồng về tình hình dịch bệnh, một số phần tử đã kêu gọi, kích động người dân chống phá chính quyền, gây chia rẽ và thù hằn dân tộc, gieo rắc sợ hãi trong dân cư nhằm làm mất niềm tin đối với chính quyền và cơ quan chức năng...

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, ngày 2-2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BTTTT Về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Chỉ thị yêu cầu toàn ngành thông tin và truyền thông xác định công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Chỉ thị cũng nêu rõ biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kịp thời xử lý thông tin sai sự thật, lợi dụng nhằm gây hoang mang dư luận, đó là: chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa thông tin không đúng sự thật; tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận.

Ðối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình qua Internet, doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số đông người Việt Nam sử dụng (như: Zalo, Lotus, Coccoc, Gapo, Be, Mocha, Fastgo, Facebook, Google, Grab,...), Chỉ thị yêu cầu: cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng của mình thông qua các nền tảng công nghệ. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng kịp thời, chủ động thông tin về công tác phòng, chống dịch, các chỉ đạo, kế hoạch cũng như nỗ lực từ phía chính quyền, các cơ quan chức năng, cung cấp những kiến thức, kỹ năng y tế, sức khỏe cộng đồng... tạo sự an tâm, chủ động trong người dân và dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, những ngày qua, thông tin về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng tránh đã được gửi tới từng thuê bao điện thoại di động theo hình thức tin nhắn, đáp ứng được phần nào việc cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời đến người dân.

Cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương vào cuộc, phát hiện và xử lý nhiều đối tượng đăng tải, phát tán tin không đúng sự thật, xuyên tạc về dịch bệnh. Như ngày 3-2, Công an quận Liên Chiểu (TP. Ðà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với P.H.G do có hành vi lấy kết quả điều trị bệnh sốt xuất huyết, chỉnh sửa nội dung thành "dương tính" với virus corona rồi đăng tải lên mạng xã hội. Cùng ngày, tại tỉnh Ðắk Nông, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt bà N.T.H. và ông L.Q.H. (trú TP Gia Nghĩa, tỉnh Ðắk Nông) số tiền 20 triệu đồng vì có hành vi tung tin sai về dịch corona tại Ðắk Nông...

Chính phủ của nhiều quốc gia cũng đang kiên quyết xử lý nạn lợi dụng tình hình dịch bệnh để tạo tin giả. Tại Malaysia, cảnh sát đã bắt giữ nhiều người phát tán tin giả về dịch bệnh; tại Thái-lan, hai đối tượng tung tin giả về chủng mới của virus corona đã bị bắt giữ và bị cáo buộc vi phạm Luật Hình sự vì đăng tải trên mạng xã hội video giả mạo và thông tin sai về một trường hợp cho là nhiễm bệnh ở một thành phố ven biển. Chính quyền ở Hàn Quốc cũng cho biết sẽ xử lý mạnh tay đối với hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh...

Phân tích nạn tin giả liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành tại nhiều quốc gia hiện nay, bà C.Tardaguila ở Viện nghiên cứu Truyền thông Poynter (Poynter Institute - Mỹ) đã cho biết: "Các tổ chức kiểm chứng thông tin tại hơn 30 quốc gia đang phải đối phó với ba luồng thông tin sai lệch chính về virus corona. Vấn đề đầu tiên liên quan đến nguồn gốc của virus, luồng thông tin sai lệch thứ hai là về bằng sáng chế cho vắc-xin ngừa virus - thứ không tồn tại, luồng tin giả cuối cùng là về cách ngăn ngừa và điều trị".

Dù muốn hay không, tin giả đang khiến cho cuộc chiến của các ngành chức năng với bệnh dịch tại các quốc gia trở nên khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Bởi giờ đây họ không chỉ phải đương đầu với dịch bệnh, vốn đã vô cùng nan giải, mà còn phải giúp cộng đồng không hoang mang, hoảng loạn, thực hiện đúng các khuyến cáo về việc thực hiện các biện pháp giúp phòng, chống và từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Như GS T.Caulfield đến từ Ðại học Alberta (Canada) phân tích: "Trong những ngày đầu của một đợt bùng phát, có rất nhiều điều không chắc chắn. Mọi người không thích sự bất an. Họ muốn có câu trả lời. Mạng xã hội là một cỗ máy phân cực, nơi những tiếng nói lớn nhất sẽ giành chiến thắng. Nhưng đó là điều tệ nhất có thể xảy ra trong một đợt bùng phát dịch bệnh như thế này".

Trong bối cảnh dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu chúng ta thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá. Ðiều đáng sợ hơn cả đó chính là khi chúng ta thiếu niềm tin, thiếu sự hiểu biết, bị dẫn dụ bởi các thông tin bịa đặt, ác ý, từ đó thiếu ý thức hoặc cản trở với hoạt động của cơ quan chức năng, tạo bất ổn trong xã hội ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, đe dọa đến sự an nguy của cả cộng đồng.

Ngày 4-2-2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Chống dịch bệnh do nCoV, không chủ quan nhưng không bi quan, hoang mang.

Mỗi người trong chúng ta cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Nếu mỗi người luôn tự ý thức và tỏ rõ trách nhiệm trong cuộc chiến chống nCoV cam go hiện nay, thì bản lĩnh tinh thần sẽ là nền tảng vững chắc để tăng sức đề kháng của bản thân và cộng đồng, góp phần chặn đứng, sớm đẩy lùi dịch bệnh./.

Đông Á (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất