Đã một tháng rưỡi kể từ sau khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất các món nợ cũ về tối đa 15% cho các doanh nghiệp. Hơn 77% các món nợ cũ có lãi suất cao đã được các ngân hàng giảm theo mức yêu cầu, nhờ đó áp lực về gánh nặng chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp được giảm bớt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ, bởi ngoài chi phí tài chính doanh nghiệp đang phải gánh thêm nhiều khoản chi phí khác.
Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lãi suất thấp
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/8, tổng hợp của 69 tổ chức tín dụng chiếm thị phần tín dụng 90% cho thấy: Dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 5,4%, mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 20,1%; mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22,7%.
Trong đó, lãi suất giảm mạnh nhất ở nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (có tỷ trọng dư nợ cho vay với mức lãi suất trên 15%/năm là 5,8%), giảm khoảng 91% so với tỷ trọng trước ngày 15/7/2012.
Như vậy, đã có tổng cộng 77,3% các khoản vay cũ được giảm về tối đa 15%.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai cũng cho biết, tính đến cuối tháng 8/2012, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm cho 36.059 khách hàng (trong đó có 1.028 doanh nghiệp) với dư nợ được điều chỉnh là 13.869 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng dư nợ lãi suất trên 15%. Còn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng cũng đạt 9.820 tỷ đồng, chiếm 81,44%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một số ngân hàng lớn công bố đã giảm hầu hết các khoản vay xuống. Đến thời điểm này, VietinBank đã giảm đến 99,8% lãi suất các khoản vay cũ về 15%, trong đó có nhiều doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất thấp khoảng 11%. Điều này cũng có nghĩa nguồn vốn giá hợp lý hơn đã tới được tay các doanh nghiệp ở mức thấp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, đến giờ phút này lãi suất của VietinBank đối với các doanh nghiệp về cơ bản đã được đáp ứng đầy đủ, các doanh nghiệp đang có quan hệ với VietinBank cũng rất thỏa mãn với các chính sách lãi suất mà ngân hàng đang áp dụng.
Ông Mai Xuân Lượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gang Thép Hàn Việt cũng cho biết, trước kia Công ty thép Hàn Việt luôn đau đầu với các khoản nợ vì phải chịu lãi suất quá cao, do đó hoạt động kinh doanh cũng bị trì trệ hơn. Tuy nhiên, từ sau khi được Maritime Bank thông báo giảm lãi suất về 15%/năm, doanh nghiệp lại “sống khỏe,” các khó khăn trước kia dần dần được khắc phục, hạn chế được chi phí để tập trung sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng vẫn giữ thế thủ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện vẫn còn 22,7% các khoản vay cũ chưa được giảm về 15%. Như vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng các mức lãi suất ưu đãi.
Chính Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai cũng thừa nhận, hiện nay dư nợ lãi suất trên 15% vẫn còn khoảng 3.706 tỷ đồng của 32.009 khách hàng (trong đó có 461 doanh nghiệp), chiếm 13% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Còn dư nợ mức lãi suất trên 15%/năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là 1.823 tỷ đồng, chiếm 18,56% tổng dư nợ, tuy nhiên đã giảm 177,5 tỷ đồng (-8,87%) so với cuối tháng 7/2012 là 20,85%.
Các chuyên gia nhìn nhận, doanh nghiệp muốn được cứu nhưng ngân hàng lại không muốn chết theo doanh nghiệp. Vì thế, hành xử tất yếu của nhiều ngân hàng thương mại là "ốc không mang nổi mình ốc, làm sao mang cọc cho rêu."
Một số ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ chỉ xem xét giảm cho những khách hàng thân thiết hoặc những khách hàng có khả năng trả nợ. Tùy từng điều kiện, chủ trương của mình, các ngân hàng này sẽ điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay của các nhóm khách hàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nhất là một loạt các ngân hàng thương mại vừa có CEO mới - họ sẽ càng tuân thủ yêu cầu: an toàn rồi mới hiệu quả.
Chính tại Maritime Bank cũng đang lựa chọn đối tượng khách hàng để giảm lãi suất, ngân hàng này chỉ giảm cho những doanh nghiệp kinh doanh tốt.
Ông Atul Malik - Tổng Giám đốc Maritime Bank cho biết, ngân hàng đã giảm lãi suất cho hai nhóm khách hàng, là những khách hàng hiện đang kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Nhóm thứ hai là những khách hàng hiện đang gặp khó khăn tạm thời nhưng có mô hình kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt.
“Chúng tôi áp dụng chính sách này cho cả các khách hàng hiện tại và khách hàng mới. Nếu trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách hạ lãi suất cho vay, Maritime Bank vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ,” ông Atul Malik nhấn mạnh.
Như vậy, những khách hàng còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thì chưa được hưởng mức lãi suất thấp.
Giải thích điều này, chuyên gia tài chính độc lập Cấn Văn Lực thừa nhận, mỗi ngân hàng có danh mục cho vay khác nhau, có cách làm khác nhau cho nên mức độ và cấp độ cũng không giống nhau.
Còn chuyên gia Vũ Đính Ánh lại cho rằng, mặc dù đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm lãi vay các các khoản tín dụng cũ nhưng cần phải xem lại mục tiêu việc giảm lãi suất lần này là gì. "Đáng lẽ những doanh nghiệp gặp khó khăn phải được ưu tiên giảm lãi suất trước chứ không phải những đối tượng tốt," vị chuyên gia này nhìn nhận.
Một số chuyên gia khác cũng đưa ra nhận định, lãi suất hạ, nguồn vốn rẻ cũng chỉ là một phần trong tổng số các chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Cái chính hiện nay là phải làm sao giải phóng được hàng vẫn còn đang tồn rất nhiều trong kho của các doanh nghiệp thì lúc này doanh nghiệp mới có vốn để xoay vòng tiếp.
Tại một số cuộc hội thảo được tổ chức trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên giảm thêm lãi suất chứ không nên giữ ở mức 15% như hiện nay vì mức này vẫn cao so với tình hình khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế./.
(Vietnam+)