1. Vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) nói riêng, của khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) nói chung được quy định bởi sự tồn tại tất yếu của vai trò kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.
Ở Việt Nam, sự tồn tại và phát triển của TĐKTNN gắn liền với quan điểm về vai trò chủ đạo của KTNN trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH), gắn liền với quá trình đổi mới thể chế kinh tế, trong đó nổi bật là chủ trương xây dựng các tổng công ty (90 và 91) năm 1994; ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 1995; tiến hành cổ phần hóa một bộ phận lực lượng DNNN từ năm 1996 (thí điểm từ năm 1993); thí điểm tổ chức TĐKTNN năm 2005...
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến năm 2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.846 doanh nghiệp và bộ phận DNNN. Trong đó, đã cổ phần hóa 3.944 doanh nghiệp, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 261 doanh nghiệp và sáp nhập, hợp nhất, giao bán khoán 1.902 doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có 12 TĐKTNN do Nhà nước quản lý. Đây là những tổng công ty (TCT) và công ty lớn (còn gọi là TCT 90, 91) thí điểm xây dựng theo mô hình tập đoàn từ 5 đến 6 năm nay. Những tập đoàn này nằm trong diện được Nhà nước đầu tư lớn, với nhiều ưu đãi, có hệ thống tổ chức công ty mẹ - công ty con. Theo mô hình này, các doanh nghiệp nhà nước có quan hệ về vốn hoặc hợp tác tập hợp lại tạo thành những doanh nghiệp khổng lồ chi phối ngành mà tập đoàn đó đang hoạt động. Các doanh nghiệp trong tập đoàn đều có tư cách pháp nhân riêng và quan hệ với nhau theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các tập đoàn được thành lập bằng cách tập hợp các TCT có cùng ngành nghề lại với nhau theo quyết định của Chính phủ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các TĐKTNN hiện đang chiếm khoảng 30% giá trị tài sản, 5 1% vốn và 40% tổng số lao động của khu vực kinh tế quốc doanh. Còn nếu tính trong toàn bộ nền kinh tế, các tập đoàn chiếm l0% tổng giá trị tài sản, 14% tổng số vốn và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn. Mặc dù các tập đoàn tăng nhanh về quy mô (phần lớn là do vốn vay mà có), nhưng hiện nay chưa có tập đoàn nào vươn lên tầm khu vực và thế giới. Một số tập đoàn đang tiềm ẩn những rủi ro về tài chính; có đầu tư ra nước ngoài, nhưng thị trường vẫn còn nhỏ bé. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng hầu hết các tập đoàn đều kinh doanh có lãi, nhưng mức lãi không cao, không tương xứng với những ưu ái và hỗ trợ mà Chính phủ dành cho các tập đoàn. Đặc biệt, lợi nhuận của các tập đoàn đang có xu hướng giảm dần.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 15-2-2011 cho thấy, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, TCT được xác định là 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so với năm 2009. Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế là 70.778 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại trong năm vừa qua. Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 tập đoàn: dầu khí, viễn thông quân đội, bưu chính viễn thông và cao su. Như vậy, ở các tập đoàn, TCT còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn nữa. Theo Báo cáo về tình hình thua lỗ, nợ nần của các tập đoàn, TCT nhà nước của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương công bố mới đây, trong năm 2011 EVN dự báo lỗ là 11.669 tỷ đồng, còn trong 6 tháng đầu năm, Vinalines lỗ 660 tỷ đồng; trong 7 tháng đầu năm TCT Xăng dầu lỗ 1.449 tỷ đồng…
Bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước không thể phủ nhận, các TĐKTNN của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là về phương hướng, mô hình hoạt động và hiệu quả đầu tư. Hoạt động của không ít TĐKTNN luôn đi cùng với lãng phí và tốn kém, thậm chí với mức độ ngày càng nặng nề. Đầu tư và quản lý đầu tư của các TĐKTNN kém hiệu quả không chỉ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, mà còn làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực và kéo dài khác, như: Tăng sức ép lạm phát trong nước; mất cân đối vĩ mô - trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy - tiêu dùng, cũng như mất cân đối và gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, địa phương và bộ phận dân cư trong xã hội; tăng tình trạng tham nhũng và bóp méo cơ chế kinh tế thị trường; hạn chế sức cạnh tranh và chất lượng phát triển của nền kinh tế trong hội nhập. Đặc biệt, đầu tư của các TĐKTNN kém hiệu quả, trực tiếp làm tăng gánh nặng và tác động tiêu cực của nợ nần lên đất nước, do làm tăng nợ Chính phủ, nhất là nợ nước ngoài. Thậm chí, gánh nặng nợ nần của TĐKTNN Vinashin với những bất cập trong cơ chế trả nợ quốc tế mà nó đang mắc phải, còn làm giảm uy tín của Chính phủ, khiến các tổ chức tín nhiệm nước ngoài hạ thấp điểm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tín dụng quốc tế, gấy tổn thương hình ảnh đất nước.
Khúc mắc lớn nhất của các tập đoàn kinh tế (TĐKT) hiện nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh đối với việc hoạt động cũng như giám sát các tập đoàn. Theo đó, nhà nước vẫn chưa tách bạch rõ ràng chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý về mặt nhà nước đối với các tập đoàn. Hiện tại chưa có cơ quan nào là đầu mối giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của các tập đoàn.
Nguyên nhân của tình trạng trên có cả mặt khách quan và chủ quan. Nguồn vốn nhà nước đã eo hẹp lại đầu tư không hợp lý, đầu tư nhiều vào các ngành tư nhân sẵn sàng đầu tư; đầu tư thiếu tập trung và dứt điểm cho các công trình trọng điểm có khả năng lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư công thấp còn chịu ảnh hưởng bởi cơ chế quản lý kém, thiếu minh bạch, khép kín; bởi năng lực và trách nhiệm cán bộ quản lý quá thấp kém, bởi tham nhũng, lợi ích cục bộ; thiếu kiểm soát và chế tài kịp thời, nghiêm khắc; trách nhiệm chưa rõ ràng và nhất là do thiếu phối hợp đồng bộ các chính sách, các cấp, ngành và các bên hữu quan trên cơ sở một Luật đầu tư công còn thiếu vắng ở nước ta…
Đặc biệt, cho đến nay, trong cơ chế quản lý các DNNN nói chung, TĐKTNN nói riêng, vẫn đang tồn tại những “nút thắt” sau:
Thứ nhất, chưa thể chế hóa quản lý nhà nước đối với TĐKTNN
Hiện nay vẫn còn mù mờ về vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; quyền chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với yêu cầu đầu tư của Nhà nước vì lợi ích chung; vai trò và cơ chế trách nhiệm, quyền lợi của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.
Đặc biệt, sự phân cấp quản lý chưa thống nhất và rõ ràng, nhiều tầng nấc. Một số TĐKTNN còn được trao chức năng có tính quản lý nhà nước về chuyên ngành, dẫn đến “hành chính nhà nước hóa” trong mối liên hệ với các doanh nghiệp khác, cũng như với chính quyền địa phương.
Thứ hai, chưa phân định rõ yêu cầu và cơ chế quản lý giữa hoạt động đầu tư vì lợi nhuận và phi lợi nhuận
Trên thực tế, trong các tập đoàn và DNNN đang có sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận. Trách nhiệm xã hội của các TĐKTNN đối với ổn định kinh tế vĩ mô song hành, trùng lặp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, từ đó dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả.
Thứ ba, tên gọi và mô hình tổ chức, cũng như khung pháp lý cho thành lập và hoạt động của TĐKTNN cũng chưa rõ hoặc còn những bất cập
Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề phát sinh trong việc tổ chức, hoạt động của DNNN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản dưới luật, trong khi pháp luật về DNNN không còn duy trì được tính đồng bộ và tính hệ thống. Kể từ ngày 1-7-2010, các công ty nhà nước hoạt động theo Luật DNNN năm 2003 đã phải chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hậu quả là nhiều quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên đã không còn được áp dụng nữa vì không còn đối tượng điều chỉnh là công ty nhà nước. Nhiều quy định điều chỉnh việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đầy đủ, đặc biệt là đối với các TĐKT và TCT. Hậu quả là, nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động của các DNNN không có pháp luật để điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đến nơi đến chốn.
Điều trớ trêu là bản thân các TĐKTNN lại không được công nhận tên gọi chính danh theo bất kỳ cơ sở pháp lý nào: Luật DNNN năm 2003 chỉ có khái niệm TCT. Còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã nêu rõ: “Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5-9-2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ: “Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp”. Còn Luật DNNN thì đã chính thức bãi bỏ từ 1-7-2010. Như vậy, Luật định hiện hành cho thấy tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không phải là một tổ chức kinh tế chính danh, nhưng thực tế, 12 TĐKTNN đã được đăng ký kinh doanh và đang có tư cách pháp nhân kiểu “mặc định”, trong đó có cả tập đoàn mới được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005!?
Cho đến nay, mới có 2 văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước là Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5-11-2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý TĐKTNN và Quyết định 224/2006/QĐ-TTg ngày 26-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Nghị định 101/2009/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về xác định địa vị pháp lý và tên gọi của TĐKT; về tổ chức thực hiện quy định về kiểm soát viên đối với các TĐKT; về việc thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với các TĐKT; về việc thực hiện kinh doanh đa ngành để bảo đảm các TĐKTNN tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh chính đã được Nhà nước giao...
Tóm lại, khung pháp lý về thí điểm thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý, giám sát TĐKT chưa tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ… Nhiều nội dung liên quan đến thành lập, quản lý điều hành, nguyên tắc quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa được quy định cụ thể, chi tiết hoặc chưa có hướng dẫn gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện cũng như tạo ra sự tuỳ tiện trong tổ chức thực hiện. Chưa có quy định về cơ chế tổ chức, phối hợp các đầu mối thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước; việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu và trách nhiệm của các cơ quan liên quan nên khó có thể phát hiện nhanh, kịp thời những vẫn đề của KTNN để điều chỉnh. Chưa có quy định về việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện.
2. Tái cấu trúc và đổi mới cơ chế quản lý khu vực DNNN nói chung, các TĐKTNN nói riêng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, tạo động lực tích cực phát triển các thành phần kinh tế khác phù hợp với cơ chế thị trường và mục tiêu phát triển của đất nước đang và sẽ còn tiếp tục là vấn đề trọng tâm và bức xúc đối với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, TCT nhà nước rà soát các doanh nghiệp thành viên, đẩy nhanh cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các ngành, các lĩnh vực không phải là kinh doanh chính, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trong quý I năm 2012, các bộ liên quan phải hoàn thành sắp xếp lại các TĐKTNN theo hướng rà soát lại các tập đoàn mà Nhà nước cần nắm 100% vốn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các tập đoàn nhà nước không cần nắm 100% vốn và “bán tất” ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm vốn chi phối để tập trung vào những ngành kinh doanh chính.
Trên tinh thần đó, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của các TĐKTNN theo hướng sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh CPH, kể cả CPH toàn TCT. Giảm, thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong một số hẹp những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế. Nghiên cứu sửa đổi ngay những quy định không phù hợp, đang cản trở quá trình CPH DNNN, trong đó trước hết liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, chọn đối tác chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, tăng tính xã hội ngay trong công ty cổ phần.
Thứ hai, dừng việc thành lập các TĐKTNN mang tính hành chính không phù hợp với quy luật phát triển doanh nghiệp; đánh giá, xem xét lại những tập đoàn đã thành lập trong các năm qua, nếu cần thiết nên sắp xếp lại.
Ưu tiên xây dựng các mô hình TĐKT đa sở hữu, đảm nhận vai trò chủ lực hạn chế trong nền kinh tế, được vận hành theo đúng quy luật và quy trình kinh tế, trên cơ sở sự tự nguyện thoả thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập, đồng thời, khuyến khích thành lập một số TĐKT tư nhân.
Thứ ba, bãi bỏ hoặc giảm thiểu việc Chính phủ bảo lãnh tín dụng hoặc cho vay chỉ định đối với DNNN; tạo áp lực buộc tất cả DNNN phải huy động vốn qua cơ chế thị trường. Chính phủ chỉ hỗ trợ tín dụng cho những DNNN hoạt động cung cấp hàng hóa công cộng, mà không thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao (loại doanh nghiệp này chịu sự giám sát bằng cơ chế riêng).
Thứ tư, các tập đoàn và TCT nhà nước phải công bố thông tin hoạt động, nhất là về tài chính như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong quá trình tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các TĐKT và TCT nhà nước, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các TĐKT, TCT nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành và tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân; chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu chỉnh sửa, giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định hiện hành về cho phép DNNN được phép đầu tư “trái ngành”.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về CPH, sắp xếp, đổi mới DNNN. Sớm nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (Nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của Nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội.
Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về tổ chức và hoạt động của TĐKT và quản lý, giám sát của Nhà nước đối với TĐKT; bổ sung các quy định pháp lý liên quan đến cơ chế hoạt động tài chính, giao dịch thương mại nội bộ tập đoàn, TCT… Ban hành chuẩn mực kế toán, các biểu mẫu báo cáo: báo cáo tài chính hợp nhất, quy định minh bạch hóa và công khai giao dịch tài chính giữa các doanh nghiệp thành viên. Ban hành nguyên tắc quản trị, minh bạch hóa thông tin trong tập đoàn. Hơn nữa, cần có quy định về mô hình TĐKT tư nhân và TĐKT đa sở hữu nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển các nhóm doanh nghiệp tư nhân theo mô hình tập đoàn. Đồng thời, ban hành quy định về tiêu chí sử dụng cụm từ “tập đoàn”, “tổng công ty” trong đặt tên doanh nghiệp để tương xứng với quy mô của doanh nghiệp, góp phần làm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp.
Thứ sáu, khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật đầu tư công tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng Luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN trong 2 dạng hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Đặc biệt, cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Các bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Việc đầu tư, kế hoạch sản xuất hàng năm, huy động vốn... thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng. Nghiên cứu để phân cấp cho Hội đồng thành viên có thẩm quyền quyết định việc thành lập chi nhánh. Việc thành lập mới doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu. Việc huy động vốn có liên quan đến ngoài nước phải có thẩm định của Bộ Tài chính. Nội dung phê duyệt, thẩm định, chấp thuận cần được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này; xây dựng Nghị định riêng đối với TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo nguyên tắc tập trung vốn của các doanh nghiệp nhỏ để đầu tư cho doanh nghiệp lớn…
Không nên đóng khung sự phối hợp chính sách chỉ trong nội bộ các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước, mà cần gắn kết chặt chẽ, mở rộng dân chủ hóa với giới doanh nghiệp và viện, trường và các tầng lớp nhân dân. Sử dụng chuyên gia trong nước và nước ngoài có trình độ và khách quan nhằm đánh giá, phản biện độc lập các tác động hai mặt của dự án đầu tư công lớn. Làm tốt việc này sẽ hạn chế bớt những hoạt động đầu tư công gắn với lợi ích cục bộ, chủ quan và ngắn hạn của các quan chức chuyên nghiệp và chính trị trong đầu tư công.
Về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội; tái cơ cấu đầu tư công, tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; khoa học và công nghệ, đào tạo và y tế; tiết giảm việc cấp vốn ngân sách cho nhu cầu đầu tư của khối các TCT; TĐKTNN và chuyển trọng tâm đầu tư công ra ngoài lĩnh vực kinh tế, để tập trung vào phát triển các lĩnh vực hạ tầng và xã hội. Kiên quyết loại bỏ những dự án đầu tư nếu không đạt các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và chưa bảo đảm các yêu cầu về thủ tục. Tập trung vốn cho các dự án bảo đảm hoàn thành trong hạn định và có hiệu quả cao; cắt giảm các công trình đầu tư công bằng nguồn ngân sách có quy mô quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài. Khuyến khích các chủ đầu tư huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức chìa khóa trao tay, có đặt cọc bảo hành - bảo đảm chất lượng công trình.
Kiên quyết chống tham nhũng và thực hiện thường xuyên hơn trách nhiệm giải trình trong đầu tư công. Cần có nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn; phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và ban quản lý dự án trong các hình thức quản lý dự án cụ thể (tự tổ chức quản lý, thuê tư vấn quản lý và uỷ thác đầu tư); nhất là trách nhiệm của các tổ chức tư vấn đầu tư trong các lĩnh vực lập dự án, thẩm định dự án, đánh giá đầu tư, quản lý dự án đầu tư... Thực hiện công khai hóa kế hoạch, chương trình mục tiêu và dự án đầu tư công. Việc công khai hóa các nội dung trên là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan liên quan nhằm cung cấp thông tin đến mọi người dân và các cơ quan quản lý để thực hiện giám sát, góp phần chống tiêu cực trong đầu tư.
Cần làm rõ hơn nội dung, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong phân cấp quản lý đầu tư, đảm bảo giảm thủ tục hành chính, nhưng hiệu lực thi hành cần được tuân thủ đầy đủ, với các chế tài đủ mạnh, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chậm đưa công trình vào sử dụng, hiệu quả kinh tế, xã hội hạn chế. Bên cạnh hệ thống giám sát nhà nước, cũng cần xem xét, bổ sung quy định các hoạt động đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng, xác lập quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò giám sát đối với các hoạt động đầu tư công. Nghiên cứu quy định rõ các hành vi bị cấm và các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm ở các mức độ khác nhau theo những quy định, tiêu chuẩn mang tính quốc tế của WTO, cũng như trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương; góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực và làm cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm trong đầu tư công núi chung, đầu tư của các TĐKTNN nói riêng./.
TS. Nguyễn Minh Phong