Mặc dù các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đang rất mạnh về tiềm lực tài chính
nhưng theo nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ
Việt Nam, doanh nghiệp nội không nên quá bi quan với các nhận định thị
trường bị mất vào tay doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Đánh giá tại buổi giao lưu trực tuyến “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ
hội và thách thức” do Báo Công Thương tổ chức sáng 13/11, bà Loan cho
rằng những nhận định của dư luận gần đây về thị trường bị thu hẹp do các
nhà bán lẻ nước ngoài lấn sân thì cần xem xét lại và không thật sự
chính xác. Bởi lẽ thị phần của doanh nghiệp nội đang mở rộng và có nhiều
cơ hội phát triển.
Làm rõ hơn điều này, theo bà Loan, về thực lực các nhà phân phối nước
ngoài đã có mặt ở Việt Nam đều có thế mạnh vượt trội hơn doanh nghiệp
nội rất nhiều, nhất là về vốn, tài chính, thương hiệu, mạng lưới, kỹ
năng, con người…
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Hiệp hội bán lẻ, qua thực tế những cuộc
nghiên cứu “bỏ túi” đối với người tiêu dùng, mặt bằng giá cả tại
Lotteria rất rẻ, BigC thì không phải mặt hàng nào cũng rẻ. Nhưng thú vị
nhất là các chuyên gia, người nước ngoài đang ở Việt Nam lại yêu thích
hệ thống bán lẻ Việt Nam hơn, trong đó nhiều cái tên như FiviMart hay
Co-op Mart là sự lựa chọn của họ.
"Điều này cho chúng ta nhiều hy vọng hơn về khả năng cạnh tranh của
doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, cũng là động lực để doanh nghiệp tăng
cường đổi mới để phát triển," bà Loan cho hay.
Đồng quan điểm này, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường
trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, các tập đoàn bán lẻ đầu tư
vào Việt Nam đều rất mạnh, đã hình thành hàng chục năm, thậm chí có tập
đoàn hình thành gần trăm năm.
Tuy vậy, xét về thị phần thực tế hiện này thì cán cân chênh lệch không
quá lớn. Đơn cử, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng
700 siêu thị, thì các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%, ngoài ra
với khoảng 125 trung tâm thương mại thì các tập đoàn nước ngoài tại Việt
Nam mới chỉ chiếm 25%.
"Như vậy, tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường
nước ngoài tương đối cao, với sự cố gắng hiện nay thì sức cạnh tranh của
doanh nghiệp nội được nâng lên rất nhiều," ông Năm cho hay.
Để giúp doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, lãnh đạo
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, sẽ đưa ra các giải pháp để
nhằm hỗ chợ cho thành viên của mình như: Kết nối cộng đồng doanh nghiệp
với các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành những văn bản, quy định liên
quan đến ngành phân phối bán lẻ, tập hợp những ý kiến không chỉ là thành
viên của hội mà còn cả các cơ sở, ban, ngành.
Bên cạch đó, Hiệp hội bán lẻ cũng chú trọng về đào tạo chuyên môn cho
các doanh nghiệp trong ngành, tập trung đến việc kết nối các thành viên
của mình, trong hiệp hội cũng như các thành viên ngoài hiệp hội và kết
nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, đặc biệt chú trọng đến công tác
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.../.
Đức Duy (Vietnam+)