Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Thứ Tư, 29/7/2020 9:20'(GMT+7)

Ngành Du lịch hành động để tháo gỡ khó khăn do COVID-19

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

DU LỊCH LÀ NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng cao, hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan như vận chuyển, thương mại, dịch vụ, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường bảo vệ môi trường. Thông qua du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, tạo dựng uy tín trên trường quốc tế. Những tiềm năng to lớn từ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học đến các giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, ẩm thực phong phú của các vùng miền trên cả nước đều là nguồn lực to lớn của du lịch…

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập với quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục, tỷ trọng du lịch trong GDP cũng có sự bứt phá rõ rệt. Du lịch góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của khối ngành dịch vụ từ 38,7% (năm 2000) lên trên 40% (năm 2019). Bên cạnh đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chất đột phá trong nâng cao chất lượng và hình ảnh của Việt Nam, thời gian qua ngành Du lịch luôn chú trọng công tác quản lý nhà nước về lữ hành, khách sạn, điểm đến và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế theo hướng chuyên nghiệp, hướng đến những thị trường trọng điểm để thu hút du khách và các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh, lan tỏa Việt Nam - vẻ đẹp bất tận trên bản đồ du lịch thế giới.

TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI DU LỊCH

Đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch toàn cầu đóng băng. Hoạt động đi lại, vận chuyển hàng không trên toàn thế giới trở nên rất khó khăn, hầu hết các đường bay quốc tế đã đóng. Ngành Du lịch Việt Nam ngừng trệ hoàn toàn khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để ứng phó với đại dịch như: ngừng nhập cảnh toàn bộ người nước ngoài từ 22/3; dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người; các thành phố lớn đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ từ 28/3 (trừ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, khám chữa bệnh); ngừng hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, hạn chế giao thông công cộng.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5% và tổng thu du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động du lịch nội địa dần được phục hồi sau khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, du lịch quốc tế kể từ tháng 3/2020 đến nay vẫn đang ngừng trệ, tiếp tục tác động đến du lịch Việt Nam.

Trong quý I và II/2020 có khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất trung bình năm trước (52%). Đến tháng 4/2020, có khoảng 90% cơ sở lưu trú phải tạm dừng hoạt động. Dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn do dịch COVID - 19 sẽ còn tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương.

NHIỀU BIỆN PHÁP CHÍNH SÁCH THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Từ khi dịch bệnh khởi phát đến nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch. Trong đó, doanh nghiệp và lao động ngành Du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ như: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; hỗ trợ tài chính người lao động du lịch bị mất việc hoặc nghỉ không lương bởi đại dịch và gần đây nhất là triển khai các quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Đặc biệt, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19  quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành Du lịch như giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020… Chính phủ cũng đã ban hành chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử: (1) Chính sách miễn thị thực cho công dân của 24 nước sau được áp dụng miễn thị thực vào Việt Nam: Song phương cho công dân 9 nước ASEAN, 1 nước Trung Á (Kyrgyzstan) và 1 nước Châu Mỹ (Chi Lê); Đơn phương cho công dân 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và 11  nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Belarus). Tuy nhiên, thời hạn hiệu lực và thời gian lưu trú áp dụng cho công dân của mỗi nước được quy định khác nhau; (2) Chính sách miễn thị thực cho du khách nước ngoài đến Phú Quốc; (3) Chính sách Thị thực điện tử: Thị thực điện tử Việt Nam cấp cho người nước ngoài bởi Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông qua hệ thống điện tử có hiệu lực tối đa 30 ngày, một lần nhập cảnh, chi phí là 25 đô la Mỹ. (4) Theo Nghị định 17/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/2/2019 về việc sửa đổi quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, bổ sung thêm các nước sau, nâng tổng số quốc gia được áp dụng Thị thực điện tử lên 80 quốc gia.

Ngoài ra, ngành Du lịch cũng đã liên tục có các văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai trong và sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và cập nhật các cơ chế, chính sách mới ban hành trong gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

KÍCH CẦU DU LỊCH NỘI ĐỊA

Triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, ngày 8/5/2020, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ban hành Kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa; đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Nhằm thu hút sự vào cuộc của các địa phương mở cửa lại du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch; sự đồng hành của các doanh nghiệp, triển khai các gói kích cầu du lịch Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Ban Tư vấn nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ  tổ chức Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” và Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19”. Ngày 24/5/2020, tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa, đồng thời đề nghị chuẩn bị sẵn sàng để đón du khách quốc tế vào Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Sau khi được phát động, chương trình kích cầu du lịch nội địa đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của hầu hết các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá hợp; tổ chức các chương trình phát động, giới thiệu điểm đến, tiêu biểu như Hà Nội, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh liên kết với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, liên kết hợp tác phục hồi du lịch Quảng Nam - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Cần Thơ…

Đối với vận chuyển hàng không, việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại, gần bằng mức trước dịch COVID-19. Cụ thể như: Vietnam Airlines đã mở lại 100% các đường bay nội địa cũng như tần suất bay, công suất chuyên chở đã gần bằng trước dịch; Bamboo Airways đã khôi phục trở lại trên 50% so với trước dịch các đường bay nội địa, công suất chuyên chở tăng nhanh, hiện đạt khoảng 75-80%; Vietjet Air trong tháng 5 đã bay khoảng 8.000 chuyến tại 45 đường bay trong nước, gần bằng 100% so với trước dịch. Dự kiến tháng 6 sẽ tăng lên 10.000 chuyến và tháng 7 tăng lên 12.000 chuyến.

Để nhanh chóng phục hồi ngành Du lịch, kế hoạch tiếp theo được xác định chia thành các giai đoạn: 1) Giai đoạn 1: Tập trung phát triển thị trường nội địa song song với chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở cửa thị trường quốc tế vào thời điểm thích hợp; 2) Giai đoạn 2: Triển khai thí điểm đón khách quốc tế (trên cơ sở trao đổi khách song phương giữa một số quốc gia đảm bảo an toàn phòng chống dịch); 3) Giai đoạn 3: Tiếp tục xem xét mở rộng số quốc gia, khu vực thực hiện trao đổi khách quốc tế; 4) Giai đoạn 4: Khi dịch bệnh được khống chế toàn cầu, các hoạt động du lịch quốc tế và nội địa sẽ diễn ra bình thường tại Việt Nam.

Với những đổi mới và nỗ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến và các chương trình hành động để tái khởi động hoạt động du lịch, hình ảnh du lịch Việt Nam liên tục xuất hiện trên các trang báo lớn như The Guardian, The New York Times, Reuters… gắn liền với thông điệp an toàn, thành công trong công tác chống dịch COVID-19. Ngoài việc tập trung đẩy mạnh du lịch nội địa, ngành Du lịch đã và đang chuẩn bị các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, tận dụng lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Du lịch Việt Nam sẵn sàng thu hút và đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép./.

Nguyễn Trùng Khánh
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất