Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Thứ Hai, 29/6/2020 10:4'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Vai trò cấp ủy trong phòng, chống dịch Covid-19

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 TP. Hồ Chí Minh phát động ra quân thực hiện “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp” và tuyên truyền phòng, chống Covid -19. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 1 TP. Hồ Chí Minh phát động ra quân thực hiện “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp” và tuyên truyền phòng, chống Covid -19. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Trong 5 tháng qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một nội dung rất quan trọng được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc và quyết liệt. Các sở, ngành, quận, huyện đã cùng chung tay tham gia phòng chống dịch rất tích cực. Trong đó, vai trò của cấp ủy trong tổ chức phòng, chống dịch bệnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhập cuộc để sớm phát hiện kịp thời những người có nguy cơ lây nhiễm và cách ly theo quy định. Chính sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân là tiền đề giúp Thành phố Hồ Chí Minh khống chế dịch ngay tại cộng đồng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, rất sớm của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Thành ủy cùng chính quyền Thành phố, công tác phòng ngừa dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công.

ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số điện thoại đường dây nóng chống dịch của phường 19, quận Bình Thạnh reo liên tục. “Khi bắt đầu có dịch Covid-19, phường đã thành lập đội phản ứng nhanh. Mỗi khi nhận được tin báo của người dân, chúng tôi đều cử cán bộ chuyên trách xuống ngay để nắm tình hình và giải quyết một cách kịp thời, tránh gây hoang mang trong dân. Nhiều lúc nửa đêm nhận được tin báo của dân có trường hợp nghi ngờ bệnh là mình cũng phải tức tốc đến ngay”, đồng chí Bùi Thị Hồng Quế, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh chia sẻ. Thời điểm ấy, rất nhiều lần đồng chí Hồng Quế và cán bộ phường phải xuống hiện trường lúc quá nửa đêm để giải quyết tình hình dư luận về dịch bệnh. Chính sự nhanh nhạy, kịp thời, không ngại khó của những cán bộ đội phản ứng nhanh phường và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy mà tình hình trật tự cũng như công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phường được ổn định.

Không chỉ có cấp ủy, trước tình hình dịch bệnh bùng phát phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đóng góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều đảng viên, đặc biệt những đảng viên cao tuổi Đảng đã có sự đóng góp thiết thực. Có thể kể đến như đảng viên Lê Thị Văn, 91 tuổi (ngụ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi nhận được huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cụ Văn đã dành toàn bộ số tiền nhận được để ủng hộ những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Từng là bác sĩ quân y nên cụ Văn đồng cảm với những khó khăn, nguy hiểm của các bác sĩ đang ngày đêm làm công tác ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Khi đóng góp số tiền trên, cụ Văn cho biết mình tuổi đã cao, sức đã yếu nên chỉ có thể góp được một phần nhỏ để cùng cả nước chung tay chống dịch bệnh. Chính tấm lòng của cụ Văn đã khiến mọi người cảm phục, yêu mến cũng như giúp lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người.

Không chỉ cụ Văn, tại, rất nhiều đảng viên cao tuổi cũng đã đóng góp vật chất, tinh thần và những việc làm thiết thực để cùng tham gia chống dịch bệnh. Không chỉ góp vật chất, đảng viên Nguyễn Kim Hên (68 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, ở phường 19, quận Bình Thạnh) còn kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19. Còn đảng viên Trần Quang Dũng (ngụ quận Tân Phú) đã giảm 50% giá thuê mặt bằng để giúp các hộ kinh doanh sớm vượt qua khó khăn. Ông Dũng cho rằng, khi toàn xã hội cùng chung tay hỗ trợ nhau thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, KINH DOANH

Để công tác phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp được nâng cao, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) đã thành lập nhiều đoàn công tác đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 trực tiếp tại doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Nhất là tiến hành đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp có đông lao động. Không chỉ vậy, Hepza còn phối hợp cùng các đoàn giám sát của quận, huyện để công tác kiểm tra, đánh giá được khách quan, chính xác.

Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp theo Quyết định số 1203/QĐ-BCĐ ngày 6-4-2020 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh rất chi tiết, cụ thể, giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận biết và thực hiện theo các chỉ tiêu an toàn với dịch bệnh. Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Hepza cho biết, trên thực tế, qua kiểm tra, một số doanh nghiệp còn lúng túng khi thực hiện các biện pháp an toàn. Để giúp doanh nghiệp nắm vững các chỉ tiêu về sản xuất an toàn trong dịch bệnh, Hepza đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp kéo giãn chỉ số rủi ro. Cụ thể như: bố trí thêm các điểm đặt nước rửa tay, thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt người lao động trước khi vào công ty, giám sát việc đeo khẩu trang của người lao động, thực hiện vách ngăn tại nhà ăn.

Để từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các doanh nghiệp tự đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp trên địa bàn. Từ cơ sở đó, cơ quan chức năng thẩm định kết quả đánh giá, đồng thời xác nhận mức độ an toàn với dịch để cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo bí thư các quận ủy - huyện ủy phải chỉ đạo, giám sát UBND quận, huyện và phường, xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra kết quả tự đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm của doanh nghiệp.

Quận Thủ Đức là một trong những địa bàn có đông doanh nghiệp sản xuất cũng như công nhân lao động. Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động khi tham gia sản xuất, kinh doanh, Ban Thường vụ Quận ủy quận Thủ Đức đã sớm chỉ đạo UBND quận tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, quận cũng lập đoàn giám sát để triển khai đánh giá rủi ro lây nhiễm trong các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Để công tác giám sát được chặt chẽ, đánh giá đúng thực tế, các đoàn liên ngành đã thực hiện kiểm tra vào nhiều thời điểm, như: lúc hoạt động sản xuất, khi công nhân vào ca hay tan ca, thời điểm ăn giữa ca hay việc công nhân thực hiện các biện pháp rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang có đúng cách không.

Ngoài ra, Quận ủy Thủ Đức còn phân cấp để UBND các phường ký cam kết, kiểm tra việc tự đánh giá của doanh nghiệp có từ 10 đến dưới 100 lao động. Yêu cầu UBND quận lập đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên. Đồng thời, phân công thành viên cấp ủy tham gia đoàn kiểm tra, nghe báo cáo kết quả thực hiện hàng ngày để từ đó rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh kịp thời.

Chính sự nhanh nhạy, nhập cuộc kịp thời của cấp ủy địa phương đã giúp công tác kiểm tra, đánh giá tình hình lây nhiễm dịch bệnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được chính xác. Góp phần giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh của người lao động khi tham gia sản xuất./.

Tố Nga
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất