(TG) - Sáng 5/7, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tổ chức lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ”.
Trải qua 8 tuần triển khai, cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi – Thiếu nhi với Bác Hồ” đã có gần 4,5 triệu bài tham gia với nhiều bài dự thi chất lượng và mang nhiều cảm xúc. Trong đó có hơn 75 nghìn bài thi viết, hơn 3,7 triệu bài thi vẽ tranh và gần 700 nghìn bài thi trực tuyến, đánh dấu kỷ lục cuộc thi có số bài dự thi nhiều nhất từ trước tới nay do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi.
Cuộc thi là một sân chơi ý nghĩa, bổ ích, là đợt sinh hoạt chuyên đề sâu rộng của thiếu nhi cả nước thiết thực kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, qua đó mong muốn giáo dục thiếu nhi Việt Nam niềm tự hào, lòng kính yêu Bác Hồ, thi đua học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Tạo điều kiện để thiếu nhi Việt Nam tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Từ đó, khích lệ các em thiếu nhi học tập và làm theo những lời dạy của Bác Hồ bằng những hành động, việc làm cụ thể để các em phấn đấu rèn luyện, học tập mai sau trở thành những chủ nhân có đức, có tài, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Phát biểu tại chương trình đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Các tác phẩm dự thi vẽ tranh, bài thi viết và bài tự luận của thi chung kết trực tuyến của các em được khai thác với nhiều ý tưởng sáng tạo, nội dung phong phú, hình thức sinh động, bám sát đề tài. Qua những suy nghĩ hồn nhiên của mình, các em đã đem đến cho cuộc thi nhiều bài viết, câu chuyện, tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, có ý nghĩa giáo dục và giá trị truyền thông tốt, giúp cho chúng ta hiểu hơn về tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo ân cần của Bác Hồ đối với thiếu nhi và những tình cảm kính trọng, biết ơn của thiếu nhi đối với Bác Hồ. Bên cạnh đó, các phong trào, các hoạt động của Đoàn, Đội như: Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Giúp đỡ bạn vượt khó vươn lên… đã được các em phản ánh rất sinh động; những việc làm tốt của các em thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy cũng được lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi tác phẩm dự thi, góp phần làm phong phú thêm những câu chuyện đẹp, những thành tích tốt trong học tập và rèn luyện của các em để nhân rộng nhiều hơn những tấm gương “bông hoa nghìn việc tốt- bông hoa học hành chăm”, cùng nhau phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ - những bông hoa ngát hương trong vườn hoa đất nước.
“Qua các bài dự thi đã tiếp tục khẳng định, lan toả một giá trị đẹp, đó là: Dù chưa một lần được gặp Bác nhưng với tất cả các em, hình ảnh của Bác thật gần gũi và ấm áp, tình yêu thương của Bác với thiếu nhi thật bao la, điều đó đã được các em gửi gắm và thể hiện rất sinh động vào mỗi bài thi của mình; làm sáng thêm niềm tin và sự kính trọng, biết ơn của thế hệ thiếu nhi Việt Nam hôm nay đối với Bác”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nói.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt biểu dương tinh thần hưởng ứng, tham gia tích cực của thiếu nhi cả nước. Đồng chí tin tưởng, thiếu niên, nhi đồng tham gia cuộc thi nói chung và thí sinh giành giải cao nói riêng sẽ tiếp tục cố gắng rèn luyện, thi đua học tập, xứng đáng với danh hiệu “con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
"Thông qua tác phẩm, các cháu thiếu nhi không chỉ thể hiện sự hiểu biết, ghi nhớ những điều Bác dạy, mà đã làm theo lời Bác bằng những việc hết sức cụ thể trong quá trình học tập, rèn luyện của bản thân. Điều đó, đã tạo nên những cung bậc cảm xúc, lay động tình cảm của biết bao người Việt Nam khi theo dõi quá trình tổ chức Cuộc thi”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 240 giải thưởng tuần cho các thí sinh; trao giải chung kết theo 2 bảng cho cả 3 hình thức thi. Mỗi hình thức thi (thi vẽ tranh, thi viết và thi trực tuyến) sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích dành cho mỗi bảng. Giải thưởng gồm: Tiền thưởng (tổng giá trị trên 150 triệu đồng), phiếu mua sách của Nhà xuất bản Kim Đồng (tổng trị giá trên 180 triệu đồng), các ấn phẩm của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng... Tổng thể có 60 giải thưởng chung kết cuộc thi, trong đó có 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 24 giải khuyến khích.
Cụ thể, hai giải nhất phần thi viết thuộc về hai thí sinh Trần Minh Châu, lớp 5A5 Trường tiểu học số 1 Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) và Lưu Thị Hà Phương, lớp 7B7 Trường THCS Chu Văn An (TP Hải Phòng). Hai giải nhất phần thi vẽ tranh được trao tặng các thí sinh Đỗ Khánh Linh, lớp 5D Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa) và Nguyễn Châu Phương Trinh, lớp 7A2 Trường THCS thị trấn Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Hai giải nhất của phần thi trực tuyến đã thuộc về các thí sinh Nhữ Kim Bạch Dương, lớp 4D2 Trường TH Chu Văn An (TP Hải Phòng) và Trần Nguyễn Uyên Nghi, lớp 6A9 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh)./.
Một số hình ảnh về buổi lễ trao giải cuộc thi:
Nhật Minh