Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ngày 12/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành phải quán triệt sâu sắc việc bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành.
Chính phủ đã xác định tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong 8 nhóm giải pháp quan trọng trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2010, do vậy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành TNMT phải quán triệt sâu sắc việc bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành.
Thủ tướng đánh giá ngành TNMT có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước và biểu dương những đóng góp tích cực của ngành trong quản lý đất đai, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, biển, hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn…, đồng thời cũng cho biết: Năm 2009, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, nhưng 3/5 chỉ tiêu về môi trường chưa đạt kế hoạch. Đó là: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch.
Tổng thể kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, một số chuyên gia cũng dự liệu sẽ không đạt 6/7 chỉ tiêu về môi trường, đó là thách thức đối với các ngành, các cấp và trước hết là đối với ngành TNMT.
5 trọng tâm cần thực hiện tốt
Trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành TNMT tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 trọng tâm công tác.
Một là, tập trung giải quyết công tác môi trường, mà trước hết là đảm bảo nước sạch cho nhân dân. Cần đề ra các tiêu chí cụ thể và phải có những chuyển biến rõ nét trong việc cung cấp nước sạch cho nhân dân các vùng miền của đất nước. Song song phải quyết liệt tiến hành chống ô nhiễm cho các lưu vực sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…
Việc ngăn chặn Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải là một bài học, đòi hỏi ngành phải chủ động, tích cực hơn nữa, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa ô nhiễm. Đối với các dự án, nhà máy mới xây dựng phải có đủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường, ngành TNMT, kiên quyết không cho phép các nhà máy, dự án xây dựng mới được đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào các dòng sông.
Xử lý rác thải, rác y tế cũng là một vấn nạn trong công tác bảo vệ môi trường. Một lần nữa, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tích cực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ cải thiện môi trường, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển. Đây là yêu cầu trước mắt, vừa là yêu cầu cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.
Hai là
, tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhất là đất công. Làm thế nào quản lý hiệu quả nhất đất đai, đem lại nguồn lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước là vấn đề người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
Trong việc này, Thủ tướng nhắc nhở cán bộ ngành TNMT quan tâm giải quyết khiếu kiện của nhân dân, lắng nghe nhân dân, giải quyết đảm bảo có tình, có lý. Những khiếu kiện chưa đúng cần kiên trì giải thích cho nhân dân hiểu, những khiếu kiện đúng cần nhanh chóng giải quyết cho nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn để đối phó với thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đây là công việc vừa lâu dài vừa cấp bách trước mắt. Nhìn chung, chất lượng công tác dự báo đã tốt hơn, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ. Đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thủ tướng đề nghị ngành cần tăng cường xây dựng các dự án để kêu gọi các nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, nhất là đối với hệ thống đê sông, đê biển.
Thứ tư, tăng cường thăm dò, điều tra tài nguyên khoáng sản. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành trong khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng về địa chất, khoáng sản trong mấy năm gần đây, nhất là những phát hiện mới về titan – zircon, quặng urani… Kết quả này cho thấy, nước ta giàu tài nguyên khoáng sản, đây là tiềm năng, nguồn lực giúp Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, song chủ trương nhất quán là không bán tài nguyên ở dạng thô mà phải tiến hành chế biến ra sản phẩm hàng hóa công nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường phải coi là nguyên tắc cơ bản, yêu cầu chung đối với sự phát triển kinh tế, hoạt động khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển KT-XH và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Thứ năm là tăng cường hơn nữa công tác điều tra cơ bản, thu thập dữ liệu, thông tin làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; quan tâm đẩy mạnh công tác quản lý biển, hải đảo, đồng thời sớm xây dựng cơ chế thích hợp trong quá trình thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế biển, hải đảo, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ là “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển”./.
(Cổng TTĐTCP)