Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 25/12/2015 10:18'(GMT+7)

“Ngành Y đổi mới để người bệnh hài lòng”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh).

Năm 2015 Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực, giải pháp, đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực, đặc biệt trong công tác khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Nhờ các giải pháp và nỗ lực như vậy, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu, tiến bộ quan trọng.

Trao đổi với bạn đọc về các quy định của Bộ Y tế đối với thái độ phục vụ người bệnh, TS. Phạm Văn Tác cho biết: Lâu nay, có một thói quen là quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân thường được hiểu theo nghĩa xin - cho. Nhưng hiện nay cần phải thay đổi theo hướng dịch vụ, nghĩa là người bệnh được côi như một “khách hàng”, họ có quyền quyết định về việc sử dụng dịch vụ y tế.

Đây là việc thay đổi hành vi, thay đổi về nhận thức ở mỗi con người nên chắc chắn bước đâu sẽ có khó khăn và gây áp lực cho cán bộ y tế. Tuy nhiên, mỗi cán bộ y tế cũng cần nhận thức rõ rằng, khi đã chuyển đổi tư duy sang cơ chế dịch vụ thì đó không những là trách nhiệm và nghĩa vụ khi bước vào ngành y, mà còn là quyền lợi của cán bộ y tế trong nền kinh tế thị trường. Vì theo chủ trương, giá dịch vụ hướng tới: tính đúng, tính đủ, thu đúng, thu đủ. Nếu nhiều bệnh nhân hài lòng thì họ sẽ đến khám chữa bệnh và quay trở lại nhiều, như vậy nguồn thu sẽ tăng lên, chất lượng đời sống sẽ tăng lên”.

Kiên quyết xóa bỏ phiền hà 

TS. Phạm Văn Tác cho rằng, thay đổi tư duy từ phục vụ sang dịch vụ đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải nỗ lực hơn nữa mới có thể phục vụ tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để thỏa đáng với phục vụ đó, cán bộ y tế cũng như bất cứ người lao động nào, cũng cần phải được trả tiền công một cách thỏa đáng trong điều kiện kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân là một mối quan hệ đặc biệt, kể cả chưa đủ tiền mà người bệnh cần cấp cứu thì bác sĩ vẫn phải cấp cứu. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ y tế. Nếu họ phục vụ tốt thì chắc chắn sẽ được quan tâm cả về vật chất và tinh thần.

Có một thực tế vẫn đang diễn ra tại không ít bệnh viện đó là bệnh nhân có bảo hiểm y tế bao giờ cũng bị đối xử “ít chu đáo” hơn bệnh nhân bỏ tiền khám dịch vụ. Bạn đọc đặt câu hỏi: Có phải vì đồng tiền mà bệnh viện có thái độ như vậy?, TS. Phạm Văn Tác thừa nhận: Gần đây, Bộ Y tế qua nhiều kênh thông tin như Hộp thư góp ý, đường dây nóng và đặc biệt là Fanpage của Bộ trưởng cũng có người dân kêu ca về sự phiền hà khi thanh toán bảo hiểm, đặc biệt xảy ra ở khu vực thanh toán tài chính. Bộ Y tế cũng đề nghị người dân, người bệnh nếu gặp tình huống như vậy thì góp ý với cán bộ và nếu không tiếp thu thì gọi điện qua đường dây nóng của Bộ Y tế theo số: 1900 -9095.

Bệnh nhân đi khám theo bảo hiểm thường phải xếp hàng rất lâu để xếp sổ y bạ, làm các thủ tục giấy tờ khá phức tạp, để cải thiện tình trạng này PGS.TS. Bùi Công Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bộ Y tế đã có cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và trong thời gian tới tất cả các bệnh viện sẽ được trang bị đầy đủ phần mềm để thanh toán bảo hiểm y tế. Đó là điều rất mừng đối với Bệnh viện K vì có lẽ chưa có bệnh viện nào thanh toán nhiều tiền thuốc thời gian điều trị kéo dài như tại Bệnh viện K...

​Liên quan đến những nội dung này, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định về việc thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do các thứ trưởng Bộ Y tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) cùng giám đốc 2 Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra số 1 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 9 Sở Y tế các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng gồm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc.

Đoàn kiểm tra số 2 do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Sở Y tế 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn kiểm tra số 3 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 5 Sở Y tế khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Đoàn kiểm tra số 4 do Thứ trưởng Lê Quang Cường làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 6 Sở Y tế vùng Bắc Trung Bộ và 8 Sở Y tế khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Đoàn kiểm tra số 5 do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn làm trưởng đoàn đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc 15 Sở Y tế khu vực Tây Bắc.

Đối với hai đoàn kiểm tra do Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành lập sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc sở quản lý.

Riêng đoàn kiểm tra số 8 do TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc theo kiến nghị, phản ánh trực tiếp, gián tiếp của công dân qua "đường dây nóng", hòm thư góp ý và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Quyết định của Bộ Y tế, việc kiểm tra này sẽ kiểm tra các cơ sở y tế việc thành lập ban chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; kết quả của việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; việc thực hiện nội dung thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng; kiểm tra việc thực hiện trang phục của cán bộ y tế; kết quả triển khai thực hiện “đường dây nóng”; việc duy trì, củng cố hòm thư góp ý; kiểm tra việc tổ chức ký cam kết, thực hiện các nội dung cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế../.

Đầu tháng 6/2015 Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngành y tế xác định, kế hoạch là một trong những nội dung đột phá hướng tới sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế, đổi trục từ ban ơn sang phục vụ, coi bệnh nhân là trung tâm, là khách hàng đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tư lệnh ngành y tế cùng các thầy thuốc đặt bút ký cam kết.

Tất cả cán bộ từ giám đốc, y bác sĩ đến nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, trông xe sẽ được tập huấn theo bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân. Trong đó sẽ hướng dẫn chi tiết từ việc chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn đến thái độ, âm điệu, cách xưng hô, cách ứng xử trong từng tình huống cụ thể... theo đúng tiêu chí “đến đón tiếp niềm ở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo.

Sau 5 tháng triển khai chương trình "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh" đã có khoảng trên 80 bệnh viện trên cả nước ký cam kết thực hiện nội dung này. Dự kiến năm 2016 việc ký cam kết này sẽ được thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất