Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng, với sản phẩm nước giải khát hay bất cứ sản phẩm thực phẩm nào, khi phát hiện có bất thường về cảm quan, như màu sắc, mùi vị... thì tạm thời ngừng sử dụng, thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về thực phẩm để có biện pháp xử lý.
Tạp chí trích đăng một số ý kiến của Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh phát hiện
các chai nước giải khát có lợn cợn, phát hiện nấm mốc bên trong, thậm
chí có cả dị vật. Những sản phẩm này có đạt tiêu chuẩn chất lượng không?
Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi sử dụng nước giải khát, một mặt
hàng nhu cầu sử dụng tăng rất cao trong dịp Tết?
Trước hết, một sản phẩm thực phẩm, nước giải khát khi được công bố
lưu hành phải đạt các chỉ tiêu về các chỉ số xét nghiệm vi sinh, hóa
chất, kim loại nặng, chỉ tiêu về các thành phần nguyên liệu và còn phải
đảm bảo cả về cảm quan (có sản phẩm người ta dùng chất tạo đục, hay nước
giải khát cho cả thành phần giống như thạch...).
Một sản phẩm đã công bố chỉ tiêu cảm quan, ví dụ công bố chỉ tiêu cảm
quan là trong suốt, nhưng khi sản phẩm có dị vật, hoặc lợn cợn thì rõ
ràng không đạt tiêu chí này. Khi phát hiện những sản phẩm như vậy, cả cơ
quan chức năng và nhà sản xuất cần phải tìm hiểu nguyên nhân xem do quy
trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình vận chuyển không đảm bảo hay do
yếu tố nào khác.
Vì thế, tôi khuyến cáo với người tiêu dùng, khi sử dụng thực phẩm nói
chung trong đó có cả rượu bia, nước giải khát mà thấy có trường hợp bất
thường về cảm quan, ví dụ màu sắc, mùi vị thì tạm dừng sử dụng và báo
ngay cơ quan chức năng.
Thưa ông, thời gian gần đây, liên tục các thông tin về an toàn
thực phẩm được phản ánh. Khi tiếp nhận những thông tin này, Cục sẽ xử lý
như thế nào?
Ở đây, phải hết sức minh bạch, trên quan điểm rõ ràng. Quan điểm của
Ban chỉ đạo liên ngành trung ương, của Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêu chí đầu
tiên là phải bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng. Người tiêu
dùng luôn luôn ở tình trạng thế yếu. Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền lợi
chính đáng của doanh nghiệp.
Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, như tôi đã nói, sẽ yêu cầu cơ quan
chuyên trách an toàn thực phẩm tại địa phương kiểm tra, xác định, trong
trường hợp phát hiện sản phẩm có bất thường thậm chí yêu cầu tạm dừng
lưu thông ngay để điều tra, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó
tiến hành các bước điều tra, tìm nguyên nhân, kiểm nghiệm mẫu sản
phẩm... để có câu trả lời chính xác sản phẩm đó có đảm bảo ATTP không.
Thời điểm Tết nguyên đán đang đến gần, ông có khuyến cáo gì cho
người dân trong việc lựa chọn thực phẩm, nước uống an toàn trong dịp
Tết?
Còn với người tiêu dùng, hãy luôn lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ
ràng, được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó
cần bảo đảm thực phẩm đúng cách vì thói quen tích trữ thực phẩm có thể
khiến thực phẩm biến chất, gây hại cho người sử dụng.
Xin cảm ơn ông!
Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2016, cơ quan chức năng sẽ tập
trung thanh kiểm tra các mặt hàng có tiêu thụ lớn như thịt cá trứng,
bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, hạt có dầu. Ban chỉ đạo liên ngành
trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại
12 tỉnh, thành phố. Ngoài ra sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành
từ Trung ương đến cấp xã phường, tập trung vào nhóm sản phẩm có sức tiêu thụ
lớn, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, thành phố
lớn. |
Theo: Hồng Hải/Dân trí