Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 1/5/2011 7:35'(GMT+7)

Ngày của đoàn tụ, chung sức đưa đất nước phát triển

 Từ sáng hôm trước, sáng ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã ra lệnh tiến hành cuộc hành quân Cơn lốc (Operation Frequent Wind) để di tản hết người Mỹ ra khỏi Việt Nam.

17 giờ cùng ngày 29/4, Tướng Dương Văn Minh ra tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn chấp nhận các điều kiện của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Chiều ngày 29/4, 16.000 nhân viên cảnh sát trong toàn thành phố được ông luật sư Trần Quốc Mạnh với cương vị chỉ huy trưởng cảnh sát Đô thành đã cho giải tán về nhà, xóa bỏ bộ máy kìm kẹp nhân dân của chính quyền cũ.

5g30 sáng 30/4, quân chủ lực của cách mạng từ bốn hướng tiến vào Sài Gòn.

Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố “thành phố bỏ ngỏ” và cho phát lệnh trên Đài phát thanh thành phố lúc 9g30 kêu gọi binh sĩ ngừng bắn, ở đâu nguyên đó. Các cánh quân cách mạng rầm rập tiến vào nội thành. Một số đơn vị quân Sài Gòn, do không nhận được lệnh hoặc ngoan cố, vẫn còn cầm súng, gây nên thương vong cuối cùng đáng tiếc trên quốc lộ 1 và ngã tư Bảy Hiền.

Từ suốt ngày 29 đến sáng 30/4, đã có 107 điểm nổi dậy của quần chúng giương cờ giải phóng, thiết lập trật tự, hân hoan mừng đón quân giải phóng tiến vào nội đô.

11g ngày 30/4/1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn II với xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính, tiến thẳng vào sân Dinh Độc lập. Nửa giờ sau, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện, trao chính quyền về tay nhân dân.

Trong khi đó, ở Hà Nội, sau khi đã trao đổi thống nhất với Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáo điện ngay vào Nam thông báo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Có thể dùng ông Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân”.

Bức điện được gửi đi lúc 12g25. Nó đằm thắm một tinh thần bao dung, hòa hợp dân tộc. Chỉ thị ấy đã chưa thực hiện được, bởi trước đó nửa tiếng, ở Sài Gòn, các đồng chí Bùi Văn Tùng, Phạm Xuân Thệ đã đưa Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc bản Tuyên bố đầu hàng, nhân danh Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

Một ngày mới, một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất không còn bóng quân ngoại bang- bắt đầu những chỉ thị nhắc làm thật tốt việc giữ vững trật tự trị an, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và tài sản công cộng, ổn định đời sống, không được để nhân dân Sài Gòn bị một phút mất điện, mất nước.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Sau ngày giải phóng, theo tinh thần hòa hợp dân tộc, Trung tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định, đã tiếp các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Hữu Hạnh và các nhân vật cao cấp nhất của chính quyền cũ còn ở lại Sài Gòn.

“Giữa chúng tôi và các anh, không có người thắng, người thua, chỉ có đế quốc thua và nhân dân ta thắng”.

Không có cuộc “tắm máu” nào xảy ra như sự tuyên truyền phản động trước đó, khiến nhiều người hoang mang hoảng hốt chạy trốn bỏ quê hương, lâm cảnh màn trời, chiếu nước, lênh đênh trên biển cả.

Những người ở lại thực sự đã được sống trong bầu không khí hòa bình, tuy có những thiếu thốn tất yếu của thời hậu chiến, sau một cuộc chiến tranh tàn phá 30 năm mà đế quốc đã để lại hậu quả cho toàn dân nói chung.

Bắt tay vào xây dựng hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khoa học – kỹ thuật đã rất chú ý đến nhân lực để kiến thiết đất nước. Ông đã đề xuất chủ trương, “Sau khi giải phóng Miền Nam, chúng ta có thêm những cán bộ khoa học và kỹ thuật đã làm việc dưới chế độ cũ. Cần phải hết sức trọng dụng những cán bộ đó, làm sao cho anh chị em phát huy tài năng và trí tuệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta".

Dần dần những người ở lại đất nước đã càng ngày càng đồng tâm hiệp lực với nhân dân, bắt tay vào kiến thiết kinh tế quốc dân, góp sức làm cho thành phố mang tên Bác ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Sau cuộc chiến, hầu như gia đình nào cũng có người đi bên này, người đi bên kia; nhưng bên này hay bên kia đều cùng dòng giống con Hồng cháu Lạc.

Khép lại quá khứ, nhìn về tương lai là thái độ sống duy nhất đúng.

Nhiều trí thức ở lại đã thành những nhân tố quý, tiêu biểu cho tinh thần tất cả vì nước, vì dân.

Giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn đã được bầu làm đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người có  3 con du học ở Pháp, cũng ở lại, trở thành Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, “bà hoàng của phương pháp thụ thai trong ống nghiệm”, được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Nhóm Chiều Thứ Sáu, gồm những trí thức do ông Phan Chánh Dưỡng đứng đầu, năm này sang năm khác, cứ chiều thứ Sáu lại họp nhau, bàn kế sách phục vụ dân sinh, góp sức vào những chính sách kinh tế - tài chính cho sự phát triển, khắc phục sai lầm trong các biện pháp không thích hợp.

Ngoài những người ở lại, cả những người đã định cư ở nước ngoài cũng không bị quên.

Ngay từ những năm của thập kỷ 80, Giáo sư Bùi Trọng Liễu ở Paris đã nhận được lời mời chính thức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, mời về nước tham gia ý kiến xây dựng, phát triển đất nước. Ông đã về nhiều lần, đóng góp những ý kiến chân thành về kế hoạch chấn hưng giáo dục đào tạo. Và cho đến trước khi từ trần, ông còn gửi về nước những lời cuối đã được đăng trên tạp chí Hồn Việt khi ông mất năm 2010.

Cùng với nhiều trí thức như các Giáo sư Trần Thanh Vân, Trần Quốc Hùng, Trần Văn Thọ, các  ông là những gương mặt trí thức yêu nước, đáng kính trọng.

Chắc chắc các ông sẽ còn hài lòng hơn nữa, khi thấy những đề xuất được thực thi, tô thắm cho quê hương đất nước giàu đẹp.

Ngày 30/4 là ngày từng gia đình sum họp, cả dân tộc sum họp, đoàn tụ dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Hòa hợp dân tộc đã hóa giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên CNXH, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…


Theo Trần Thái Bình (Nhà nghiên cứu lịch sử)/ Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất