Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 30/4/2011 9:45'(GMT+7)

Nhớ về quá khứ để cùng hướng tới tương lai

* Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng

 Tháng 4 hàng năm, ký ức lại tràn về trong lòng những người từng chứng kiến thời khắc lịch sử ngày 30-4 của 36 năm về trước. Cũng chính ký ức ấy đã đưa nhiều người Mỹ ít nhiều từng liên quan trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam quay trở lại mảnh đất từng là chiến trường khi xưa, để cùng hoài niệm, suy ngẫm về quá khứ; chứng kiến những đổi thay hiện tại của Việt Nam và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Tất cả người Việt Nam đều mong có hòa bình

“Tôi đã thấy người dân miền Nam và cả những người lính chính quyền Ngụy Sài Gòn vui mừng thế nào khi chiến tranh kết thúc, bộ đội giải phóng quân tiếp quản thành phố. Tôi hiểu đó là bởi tất cả người Việt Nam đều mong có hòa bình!”. Đó là những ấn tượng sâu đậm của nhà báo Matt Franjola - một trong số rất ít phóng viên Mỹ đã ở lại miền Nam Việt Nam sau khi quân Mỹ thua trận và rút về nước.

“Hòa bình, hòa bình! Hòa bình rồi, về nhà thôi, đừng sợ!” - Tôi nhớ mãi một thanh niên trẻ đã reo lên như thế vào lúc đó, khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, lực lượng giải phóng quân từ miền Bắc vào. Nhiều người dân địa phương ở hai bên đường cũng reo hò náo nhiệt chào mừng những người lính giải phóng...

Vài ngày trước khi quân giải phóng tiến vào, tôi gặp một số lính chính quyền ngụy Sài Gòn và hỏi họ là kết thúc chiến tranh họ sẽ làm gì. Họ trả lời rất bình thường rằng sẽ về làng thôi, về sống cuộc sống an bình với gia đình và bạn bè. Mọi người dân Việt Nam đều vui vẻ khi chiến tranh kết thúc, mọi người bỏ vũ khí, trở về nhà, xây dựng cuộc sống trong hòa bình”.

Chính tính cách bình dị và nhân văn của người Việt Nam đã giúp phóng viên trẻ Matt Franjola lý giải được điều mà nhiều người Mỹ từng tự hỏi rằng: “Vì sao một cường quốc như nước Mỹ thua cuộc, còn Việt Nam - đất nước có tiềm lực quân sự yếu hơn rất nhiều - cuối cùng lại chiến thắng?”.

“Quân Mỹ đã thua vì không có mục đích tốt đẹp khi tiến hành cuộc chiến tranh. Họ không hiểu gì về Việt Nam, về Hồ Chí Minh; phóng đại mối đe dọa về Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng quên mất rằng đó trước hết là chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước của cả một dân tộc Việt Nam. Tôi đã từng đọc sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất lâu rồi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói về khát vọng hòa bình, độc lập cho đất nước. Chứng kiến TP HCM, Việt Nam hôm nay, càng thấy rõ hòa bình có ý nghĩa như thế nào để thúc đẩy sự phát triển”.

Việt Nam đã chiến thắng…

Cùng chung suy nghĩ về thất bại không tránh khỏi đối với quân đội Mỹ 36 năm về trước, bác sỹ người Mỹ Carl Batecchi đã viết trong cuốn “Nhật ký một bác sỹ trong chiến tranh ở Việt Nam” của ông rằng: “Chính quyền hiếu chiến Mỹ đã thua vì không hiểu một điều cơ bản và cốt lõi rằng những người Việt Nam yêu mảnh đất quê hương, yêu đồng bào, sẽ làm hết sức mình để bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ đồng bào của họ và họ đã chiến thắng”.

Tới Việt Nam vào năm 1965, anh bác sỹ trẻ phục vụ trong đội ngũ cứu hộ y tế khẩn cấp bằng trực thăng cho quân đội Mỹ tại Sóc Trăng đã bị cuốn hút bởi một mảnh đất hiền lành, những con người khoan dung; và căm phẫn vì cuộc chiến phi nghĩa mà chính quyền Washington tiến hành tại đây. Nhiều năm qua, vị bác sỹ này đã nhiều lần quay trở lại, nỗ lực cùng các đồng nghiệp Việt Nam tại các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và Chợ Rẫy hợp tác để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế tại Việt Nam.

Nhớ lại thời điểm 30-4-1975, ông Carl Batecchi cho biết:“Vào thời điểm đó, người Mỹ cảm thấy ê chề và quá mệt mỏi với chiến tranh. Họ buộc phải thừa nhận rằng chẳng có một sự ủng hộ nào cho cuộc chiến tranh phi nghĩa mà quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Bản thân những người trở về, dù cay đắng, cũng thừa nhận “Chúng ta đã thua và phải ra khỏi Việt Nam”. Nhưng cũng vào thời điểm đó, dù có chút xa vời, song nhiều người Mỹ chúng tôi, đặc biệt là những bác sỹ như tôi đã bảo nhau rằng cần phải làm gì đó để bù đắp lại những gì chúng ta đã gây ra cho Việt Nam, để xây dựng lại mối quan hệ hai bên. Chiến tranh không bao giờ tốt cả, bên nào cũng chịu thiệt hại. Là một bác sỹ, tôi hiểu điều này”.

Theo lời kể của Carl Batecchi: Ở Mỹ chúng tôi có 300 triệu con người, đa số là người tốt, nhưng cũng có một nhóm nhỏ xấu bụng và làm nhiều điều vì lợi ích của riêng họ. “Buồn là số ít người này lại gây ra quá nhiều rắc rối và làm xấu hổ cho cả nước Mỹ chúng tôi”.

… và giúp tôi làm lại cuộc đời!

Cùng với bác sỹ Carl Batecchi, ngày càng nhiều cựu chiến binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam, chứng kiến những phát triển diệu kỳ ở mảnh đất từng là chiến trường ác liệt xưa kia, nơi từng xé nát thời trai trẻ của họ và còn ám ảnh mãi phần đời còn lại. Với Carl Robinson, đất nước và con người Việt Nam đã thức tỉnh và làm thay đổi cả cuộc đời, sự nghiệp của ông.

“Tôi được cử đến Gò Công, miền Nam Việt Nam ban đầu là nhân viên của USAID, với nhiệm vụ thực hiện các dự án giúp đỡ người dân Việt Nam, với thuật ngữ mỹ miều là giúp chính quyền Sài Gòn “chiếm được trái tim và khối óc” của người dân. Nhưng sau đó tôi phẫn uất trước tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính quyền Ngụy Sài Gòn và sự dối trá của quân đội Mỹ khi họ thay đổi các báo cáo của tôi để tô hồng cuộc chiến, đưa thông tin về cho người dân Mỹ. Quá thất vọng, nhưng không muốn rời mảnh đất và con người nơi đây, tôi đã quyết định bỏ việc và xin làm phóng viên của hãng AP tại Việt Nam. Việt Nam đã giúp tôi hiểu và làm lại cuộc đời của mình”.

Sự thay đổi nhận thức đã khiến người phóng viên trẻ tuổi Robinson dám liều cả tính mạng, trở thành một trong những người đầu tiên điều tra về vụ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhốt tù binh Việt Nam vào chuồng cọp. Sau khi chiến tranh kết thúc, trở về nước Mỹ, ông rơi vào tình trạng trầm cảm do thất vọng trước chính sách của đất nước và quyết định xa rời nước Mỹ- nơi ông không còn coi là quê nhà, tới sống ở một nước thứ ba là Australia. Tại đó, ông cùng người vợ Việt Nam mở một quán ăn Việt và một công ty du lịch đưa người nước ngoài đến thăm quan và tìm hiểu về đất nước- con người Việt Nam hôm nay.

Mỗi người một câu chuyện, nhưng chặng đường hoài niệm của hầu hết những người Mỹ từng có mặt trong cuộc chiến mà quân đội Mỹ tiến hành tại Việt Nam như một vòng tròn giống nhau. Họ tới mảnh đất mới Việt Nam khi còn trẻ, đầy kỳ vọng nhưng nhanh chóng thất vọng, chán chường khi nhận ra sự thực về cuộc chiến phi nghĩa, và sợ hãi, nhục nhã trước thất bại thảm hại của quân Mỹ. Nay, họ quay trở lại cùng người dân Việt Nam xây dựng một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn, không chỉ bởi còn nhiều vấn đề di chứng còn để lại cần sự hợp tác tích cực hơn giữa hai bên, mà còn vì “Càng nhìn xa về quá khứ, mới có thể xây dựng một tương lai vững chắc cùng nhau”.

Theo QĐND/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất