Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Ba, 1/8/2017 10:35'(GMT+7)

Ngày Dân số Thế giới 11/7/2017: "Kế hoạch hóa Gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh"


 1. Các thông tin chính về Kế hoạch hóa gia đình

1.1. Đầu tư vào công tác kế hoạch hoá gia đình

Thực hiện đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình chính là thực hiện đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững được ban hành kèm theo chương trình nghị sự này.

Hội nghị thượng đỉnh London về Kế hoạch hóa gia đình năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 7, trùng với ngày Dân số Thế giới. Đây là lần thứ hai Hội nghị này được tổ chức với sự tham gia của các nhà tài trợ và các bên liên quan sau khi chung tay xây dựng Sáng kiến về Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2020 trong đó tập trung vào việc mở rộng cung cấp dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình tự nguyện cho thêm 120 triệu phụ nữ và trẻ em gái tính tới thời điểm năm 2020.

1.2. Sự chuyển đổi mô hình/định hướng: Coi kế hoạch hóa gia đình là một phần nội dung quyền con người

Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 đã đánh dấu một sự chuyển biếnvề định hướng/mô hình trong lĩnh vực dân số và phát triển trong đó phương pháp tiếp cận dựa trênnhân khẩu học được thay thế bằng phương thức tiếp cận cho phép các cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định số con (có sinh con hay không) và thời điểm khi nào sinh con.

Đẩy mạnh tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/sức khỏe tình dục, bao gồm thực hiện Kế hoạch hóa gia đình tự nguyện được coi là trọng tâm của mô hình mới này.

Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền không chỉ chú trọng tới các kết quả đầu ra mà còn tập trung vào quá trình làm thế nào để đạt được các kết quả này. Phương pháp này thừa nhận con người là chủ thể trong quá trình phát triển của chính mình chứ không phải là những người có vai trò thụ động chỉ biết ngồi chờ đợi để được cung cấp dịch vụ. Họ cần được cung cấp thông tin, được học tập/giáo dục và cần được trao quyền và nâng cao vị thế. Sự tham gia của họ chính là một yếu tố then chốt vì nó không chỉ đảm bảo tính sở hữu của họ đối với chương trình mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì tiến độ của chương trình.

Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền đã giúp chúng ta đạt được những kết quả phi thường trong lĩnh vực chăm sóc Sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình. Hàng triệu phụ nữ đã được trao quyền và nâng cao vị thếlàm cơ sở cho phép họ có thể đưa ra các quyết định sinh ít con hơn và có thể sinh con muộn hơn. Nhờ đó, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập hơn, nhiều cơ hội kiếm sống tốt hơn và có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Khả năng một cá nhân được tự quyết định thời điểm sinh con và số con của mình có liên quan chặt chẽ tới khả năng thực hiện các quyền khác của chính cá nhân đó. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn cho thấy tính tới thời điểm hiện tại, quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình vẫn là một quyền mà nhiều người hiện đang phải tranh đấu để có được nó mặc dù đã có rất nhiều các quy định về quyền được ban hành trên phạm vi toàn cầu và rất nhiều các khuôn khổ phát triển đã và đang ủng hộ vấn đề này một cách mạnh mẽ. Chúng ta cần thực hiện công tác tuyên truyền vận động mạnh mẽ hơn và thực hiện hỗ trợ ở phạm vi rộng hơn.

1.3. Công tác Kế hoạch hóa gia đình và giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng

Tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn và tự nguyện là một quyền con người. Đây là vấn đề giữ vị trí trung tâm trong bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ đồng thời là một yếu tố then chốt trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khoảng 225 triệu phụ nữ có nhu cầu thánh thai hiện chưa được sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả. Hầu hết số phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng này hiện đang sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của rất nhiều phụ nữ thông qua việc tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn trên phạm vi toàn thế giới đồng thời giảm 1/3tỷ lệ tử vong mẹ. Ước tính năm 2016, con số tử vong mẹ là 303.000 ca.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần gấp đôi trên toàn thế giới - từ 36% năm 1970 lên 64% vào năm 2016. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để có thể đảm bảo rằng tất cả phụ nữ đều có quyền tự quyết định số con, thời điểm sinh và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với chính mình.

1.4. Kế hoạch hóa gia đình và trẻ em gái vị thành niên

Tính tới thời điểm năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về kế hoạch hoá gia đình nhưng chưa được đáp ứng. Ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con.

1.5. Công tác Kế hoạch hóa gia đình trong các tình huống khủng hoảng

Thực hiện kế hoạch hóa gia đình là một can thiệp có thể cứu sống con người. Thực hiện Kế hoạch hóa gia đình giúp ngăn ngừa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm các ca nạo phá thai không an toàn. Bao cao su nam và bao cao su nữ cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm nhiễm qua đường tình dục. Các loại hình can thiệp này có vai trò hết sức quan trọng trong các tình huống khủng hoảng nhân đạo – với các đặc điểm nổi bật là bạo lực tình dục, bạo lực đối với bạn tình, tảo hôn và các hành vi nguy cơ cao như bán dâm để tồn tại hoặc bán dâm vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng, việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình bao gồm các biện pháp tránh thai thường rất hạn chế, hoặc không đầy đủ hoặc thậm chí không tồn tại. Ngay cả khi các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình sẵn có, nhưng vì vị trí yếu thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình trong một số xã hội khiến họ không thể tiếp cận các dịch vụ này vì họ không có cơ hội được đòi hỏi được sử dụng các dịch vụ/biện pháp này với người chồng hay bạn tình.

1.6. Kế hoạch hóa gia đình với phát triển kinh tế xã hội

Chúng ta có thể thực hiện xóa bỏ đói nghèo cùng cực. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, chúng ta cần hiểu về mối quan hệ phức tạp giữa kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế.

Khi phụ nữ và trẻ em gái có thể tự do quyết định việc có sinh con hay không, thời điểm sinh con và số con mong muốn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để có thể tìm kiếm các công việc được trả lương và tăng mức thu nhập cho gia đình. Khi phụ nữ tiếp cận được với các nguồn lực trong sản xuất, phụ nữ cho biết sức khỏe của họ được chăm sóc tốt hơn, họ có thể đạt được trình độ học vấn cao hơn và ít phải gánh chịu bạo lực từ người chồng/bạn tình hơn.

Những tác động tích cực này cũng hoàn toàn đúng đối với thế hệ con cái của những phụ nữ này. Các em gái kết hôn muộn hơn sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học ở phụ nữ sẽ tỷ lệ nghịch với số con họ sinh (số năm đi học càng nhiều thì số con càng ít). Chính vì vậy, đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Chi tiêu 1 đô la cho các dịch vụ tránh thai sẽ giúp làm giảm 1,47 đô la các chi phí chăm sóc trước sinh - bao gồm cả việc chăm sóc cho phụ nữ nhiễm HIV.

1.7. Kế hoạch gia đình và lợi tức dân số

Đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng kinh tế của quốc gia. Khi tỷ lệ dân số phụ thuộc (dân số trẻ em và người cao tuổi) nhỏ hơn dân số trong độ tuổi lao động, nó tạo ra một lợi thế về kinh tế.Sự kết hợp giữa tăng số lượng người lao động tạo ra thu nhập và giảm tỷ lệ dân số phụ thuộc cộng thêm các chính sách phù hợp sẽ là cơ sở thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia có mức thu nhập quốc dân thấp.

1.8. Kế hoạch hóa gia đình là một nội dung tích hợp trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững trong 15 năm tới, bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững – các mục tiêu này được xây dựng nhằm mục đích thay đổi thế giới với lộ trình thực hiện tới năm 2030. Các mục tiêu này được thiết kế nhằm xóa bỏ đói nghèo, phân biệt đối xử, xóa bỏ các hình thức lạm dụng và giảm số ca tử vong có thể ngăn ngừa, giải quyết vấn đề tàn phá môi trường và mở ra một kỷ nguyên phát triển cho tất cả mọi người sinh sống ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Kế hoạch hóa gia đình đã được tích hợp trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (như mục tiêu 3.7 nhằm đạt được sự tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Sức khỏe tình dục). Liệu chúng ta có đạt được các mục tiêu phát triển bền vững hay không phần nào phụ thuộc vào việc phụ nữ có thể thực hiện các quyền sinh sản của của mình hay không. Đạt được tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, bao gồm kế hoạch hóa gia đình, chính là chìa khóa đảm bảo thành công.

Mục tiêu 1: Xoá bỏ đói nghèo cùng cực

Mục tiêu này được xây dựng nhằm chấm dứt đói nghèo cùng cực cho tất cả mọi người - ít nhất là cho một nửa dân số ở tất cả các lứa tuổi hiện đang sống trong nghèo đói. Mục tiêu này không chỉ chú trọng tới vấn đề thu nhập mà còn đề cập tới các yếu tố khác như việc chăm sóc sức khỏe hiện còn yếu kém và công tác giáo dục còn chưa được thực hiện đầy đủ. UNFPA đã thực hiện hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục bao gồm kế hoạch hóa gia đình nhằm mở rộng sự lựa chọn cho phụ nữ. Không có cơ hội được lựa chọn và không được tự quyết định kế hoạch sinh sản chính là rào cản đối với hàng triệu phụ nữ, rào cản này khiến họ không có cơ hội tiếp cận được với những việc làm thỏa đáng và cản trở họ đạt được một cuộc sống tươi đẹp hơn. Điều này tạo ra những tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế, làm giảm số lượng nhân sự có trình độ chuyên môn và làm giảm năng suất lao động. Mở rộng việc tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình một cách tự nguyện sẽ tạo ra những tác động tích cực lên sự tăng trưởng kinh tế và góp phần xóa bỏ đói nghèo.

Mục tiêu 3 - Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc

Thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản bao gồm các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều các ca tử vong ở phụ nữ tử vong hoặc khiến họ phải chịu đựng nhiều chứng bệnh gây suy nhược cho cơ thể. Mục tiêu 3 cam kết giảm tỷ lệ tử vong mẹ trên phạm vi toàn cầu xuống dưới 70 trên 100.000 trẻ sinh sống tính tới năm 2030. Mục tiêu này được xây dựng nhằm đảm bảo việc tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục - bao gồm cả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Mục tiêu 5 - Bình đẳng giới

UNFPA thực hiện công tác nâng cao vị thế/trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ, bao gồm quyền tự do quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh.

2. Một vài số liệu thực tế

•Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 225 triệu phụ nữ trên toàn thế giới hiện có nhu cầu về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại nhưng chưa được đáp ứng.

•Vào năm 2016, các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp có khả năng ngăn ngừa được 11,7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, gần 3,7 triệu ca nạo phá thai không an toàn và góp phần ngăn ngừa khoảng 29.000 ca tử vong mẹ.

•Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện có thể giảm 1/3 số ca tử vong mẹ và giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ em.

•Để có đáp ứng các nhu cầu về biện pháp tránh thai hiện đại cho tất cả 877 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển, tính trung bình mỗi năm chúng ta cần chi tiêu 11 đô la cho mỗi khách hàng sử dụng các dịch vụ tránh thai (cung cấp các biện pháp và dịch vụ tránh thai cho người sử dụng).

3. Các thông điệp chính

•Thực hiện tốt các quyền về chăm sóc Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới tới vào năm 2030.Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

•Phụ nữ lựa chọn thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ có sức khỏe tốt hơn và có thể giảm các rủi ro liên quan tới tử vong mẹ. Khi người mẹ giãn khoảng cách giữa các lần sinh thì trẻ sinh ra sẽ mạnh khỏe hơn và có thể giảm các nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu đời.

•Nếu phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn và được chăm sóc sức khoẻ sinh sản tốt hơn thì họ sẽ có năng lực và vị thế cao hơn và họ có thể tìm kiếm và duy trì các công việc thỏa đáng hơn, sẽ đóng góp được nhiều hơn cho gia đình, đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng của quốc gia và toàn nhân loại. Gia đình của họ sẽ khấm khá hơn về kinh tế, con cái họ sẽ được hưởng các cơ hội học tập tốt hơn và đây chính là tiền đề tạo nên sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai. Đây cũng chính là cơ sở tạo ra lợi tức dân số và góp phần gia tăng thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu.

4. Lời trích dẫn

"Để phụ nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn, phụ nữ cần có quyền được tự do quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh cho chính mình. Duy trì và tăng cường việc thực hiện các quyền này sẽ góp phần cải thiện sức khoẻ cho họ đồng thời tạo ra nhiều lợi ích kèm theo như tăng đầu tư vào giáo dục/đào tạo, tăng năng suất lao động, tăng sự tham gia vào lực lượng lao động và cuối cùng là tăng thu nhập, tăng mức tiết kiệm, mức đầu tư và tích lũy tài sản”.

Cố Giám đốc Điều hành UNFPA, Tiến sĩ Babatunde Osotimehin (1949-2017)

 Phương Vinh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất