(TG)-Đúng vào dịp Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay, người Việt Nam đón nhận những thông tin đáng suy ngẫm về biến động chất lượng dân số báo hiệu ảnh hưởng đến chất lượng sống và nguồn lực quốc gia trong tương lai. Đó là tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao với con số bình quân cả nước là 112,7 bé trai/100 bé gái và tỷ suất sinh giảm trong những năm gần đây.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính cao là vấn đề không mới, đã xuất hiện hơn chục năm trở lại đây, nhưng đáng lo là xu hướng lựa chọn sinh con trai ngày càng lan rộng. Có rất nhiều cảnh báo và pháp luật đã ngăn cấm, song xu hướng này không có dấu hiệu thuyên giảm và hậu quả sẽ ra sao khi chỉ mươi, mười lăm năm nữa nạn thiếu cô dâu sẽ trở nên nghiêm trọng.
Trong khi vấn đề chênh lệch giới tính chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu thì vấn đề sinh ít con lại nổi lên trong vài năm gần đây. Nếu mức sinh trung bình của cả nước (số con trung bình của một phụ nữ) là 2,1 thì ở TP Hồ Chí Minh con số năm 2015 chỉ là 1,45. Ở khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, tỷ suất sinh cũng giảm khá rõ với bình quân là 1,8 và 1,9. So sánh với tổng suất sinh theo Pháp lệnh Dân số là 2,03 con/cặp vợ chồng thì những con số trên thực sự là thấp bất ngờ và đáng lo ngại. Đất nước ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, nhưng những tín hiệu già hóa dân số đã phát lộ cùng dự báo tốc độ già hóa dân số sẽ đến rất nhanh trong 1-2 thập kỷ tới. Mặc dù theo xu thế chung năng suất lao động sẽ ngày một tăng, sức máy sẽ dần thay sức người, nhưng người lao động tương lai gần sẽ phải nặng thêm gánh nuôi dưỡng, chăm lo cho người già. Tình hình quỹ bảo hiểm xã hội đã khá căng thẳng gần đây sẽ có thể trở nên nặng nề hơn…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến động về sinh nở được nêu lên. Đó là chi phí chăm nuôi trẻ ngày càng tăng, là áp lực của công việc, là nhu cầu thụ hưởng, là hiện tượng phụ nữ kết hôn muộn và không sinh con, là hiện tượng vô sinh... Rõ ràng ý thức về chăm sóc, nuôi dạy, lo cho con cái học hành "đến nơi đến chốn" là rất đúng đắn. Nhưng phải chăng khuynh hướng hưởng thụ cá nhân, lo liệu có con trai để “nối dõi tông đường” cũng là một rào cản ngày càng lớn cả trong chuyện sinh ít con và chọn sinh con trai.
Sinh ra những đứa con khỏe mạnh, học hành tử tế, gia đình hòa thuận là hạnh phúc và đã là đóng góp cho xã hội, nhưng sẽ là đóng góp đầy đủ hơn nếu sinh con dù trai hay gái cũng đủ hai con, đủ mức sinh thay thế. Sinh đủ, nuôi dạy tốt, đó chính là chuẩn mực hàng đầu của chất lượng sống mỗi gia đình gắn với đất nước.
Theo các chuyên gia, do tình trạng sinh nở ở các khu vực trong nước khác nhau nên cần có những giải pháp khắc phục sự chênh lệch khác nhau. Nếu như ở Đồng bằng Bắc Bộ và một số vùng nông thôn, miền núi mức sinh còn cao thì khẩu hiệu “Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con” vẫn rất cần thiết. Còn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ lại cần thực hiện mục tiêu “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”. Có thể nói rằng công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình gắn với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới và quyền trẻ em chúng ta đã đạt được nhiều thành công. Cũng có thể khẳng định công tác y tế, chăm lo sức khỏe sinh sản, thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã tạo ra nhiều kết quả tích cực. Đó là những cơ sở đáng tin cậy, cần và có thể phát huy hơn nữa trong việc ứng phó trước những thách thức cũ và mới về cơ cấu, chất lượng dân số.
Nguyễn Anh/QĐND