Thứ Bảy, 21/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 16/1/2013 22:14'(GMT+7)

Triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

* Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Để đợt lấy ý kiến đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh sẽ không tổ chức các Hội nghị quy mô lớn với sự tham dự của nhiều ban ngành, khối mà theo hình thức chia nhỏ, từng đơn vị, từng đối tượng một nhằm tập trung và thu được nhiều ý kiến chất lượng. Với tinh thần, tất người dân đều nắm được nội dung, tinh thần về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, đối với cấp huyện do triển khai lấy ý kiến tới tận tổ dân phố, thôn ấp nên tỉnh chỉ đạo phải thật sự khẩn trương vì khối lượng công việc nhiều. Hội nghị đã quán triệt các nội dung, chỉ thị và giao nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn rõ ràng cho từng đơn vị, tiến độ cũng như thời gian hoàn thành.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị khi triển khai lấy ý kiến phải tìm những người có năng lực, trình độ chính trị, xã hội cao và khả năng truyền đạt tốt. Bên cạnh đó, phải tập trung nhấn mạnh vào những vấn đề quan trọng, nền tảng nhất để lấy ý kiến như: chủ quyền đất nước, bản chất thể chế, mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, vai trò đối ngoại, quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản biện xã hội…nhằm thực sự nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Hội nghị do tỉnh Bạc Liêu tổ chức đã quán triệt sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1992; những quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992, báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và giới thiệu Dự thảo Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã thông báo Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của đại diện các Sở, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý; đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp. Hội thảo lấy ý kiến của đại diện UBND các quận, huyện, xã, phường và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. UBND quận, huyện tổ chức hội thảo lấy ý kiến với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể quận, huyện, phường, xã và trực tiếp tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại xã, phường thuộc địa bàn quản lý. Từng xã, phường tổ chức rộng rãi việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tất cả các ý kiến đóng góp được tổng hợp sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2013.

* UBND tỉnh Bình Dương thành lập Tổ giúp việc giúp HĐND, UBND tỉnh để thực hiện việc tổ chức phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo; giúp HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề để thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo với thành phần đại diện UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan tư pháp, UBMTTQ VN tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh; đại diện một số đơn vị cấp huyện, cấp xã, một số chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri. UBMTTQ VN tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến với thành phần đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ, đại diện các tổ chức xã hội khác, các đại diện tiêu biểu của giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, tôn giáo, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc lấy ý kiến Dự thảo tại UBMTTQ cấp huyện và tổ chức tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Lực lượng vũ trang nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến đóng góp và báo cáo tổng hợp ý kiến gửi theo hệ thống ngành dọc và Ban chỉ đạo tỉnh.

Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức 1 Hội nghị lấy ý kiến đóng góp gồm đại diện cấp uỷ, HĐND, UBND, đại diện các phòng ban và tương đương và đại diện Thường trực HĐND, UBND các xã phường thị trấn; hướng dẫn Thường trực HĐND cấp xã chủ trì, phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức mỗi xã 1 cuộc lấy ý kiến gồm cấp uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể cấp xã và đại diện lãnh đạo các khu phố, ấp; tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp của cấp huyện, xã báo cáo về Ban chỉ đạo...Các Sở, ban ngành tỉnh, tổ chức thành viên của UBMT, các Ban Đảng, các Trường đại học-cao đẳng, Trường Chính trị, Đoàn Luật sư... lấy ý kiến của đơn vị. Ngày 5/3 các đơn vị và địa phương phải hoàn thành các Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp ở cuộc họp lấy ý kiến của các cấp, ngành gửi về Trung ương hệ thống dọc và Ban chỉ đạo tỉnh.

Kế hoạch cũng lưu ý các đơn vị, ngành, địa phương tập trung lấy ý kiến đóng góp sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của tổ chức mình và những vấn đề mà tổ chức, cá nhân quan tâm; đưa ra nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm như lấy ý kiến trực tiếp tại buổi họp; đóng góp qua Website của HĐND tỉnh, Báo Bình Dương, qua thùng thư tại các trụ sở chính quyền xã....

* Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp cho rằng, đợt lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán và đây cũng là thời điểm tập trung nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Do đó, Ban chỉ đạo cùng các đơn vị có liên quan cần khẩn trương hoàn thành kế họach, phân công công việc cụ thể để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được diễn ra chu đáo, khoa học và có chất lượng cao. Đồng chí cũng đề nghị từng thành viên trong Ban chỉ đạo phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân. Trong đó, cần chú trọng đến vai trò của hệ thống tuyên giáo các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, phát huy cao độ quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong việc góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn tỉnh

Theo dự thảo kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ban chỉ đạo tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm các nội dung như chế độ chính trị, quyền con người, chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường... Trên cơ sở đó, sẽ có nhiều hình thức lấy ý kiến thông qua góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, thảo luận tại các hội nghị lấy ý kiến của tỉnh, các đơn vị, địa phương.
Về đối tượng lấy ý kiến, cùng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tỉnh cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản tiêu biểu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đề nghị, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền và hình thức góp ý. Bên cạnh tài liệu dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tỉnh cũng sẽ phát hành tài liệu cụ thể hơn về những điều sửa đổi ở Hiến pháp năm 1992 để việc góp ý đạt hiệu quả cao./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất