Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 14/1/2013 23:0'(GMT+7)

Kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam

Nhiều Đại hội của Đảng và Hội nghị Trung ương gần đây đều nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế bền vững không thể tách rời tiến bộ với việc tạo lập công bằng, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH). Quan điểm này xuất phát từ chỗ đặt con người vào vị thế trung tâm của sự phát triển, xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của sự nghiệp đổi mới; nguồn lực con người là nguồn lực của mọi nguồn lực. 

Sự phát triển kinh tế cao hay thấp, bền vững hay không bền vững đều bắt nguồn từ việc có đảm bảo ASXH hay không và ngược lại việc đảm bảo ASXH hợp lý sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế. Sự phát triển xã hội trong thời đại ngày nay, thước đo sự tiến bộ không chỉ thuần tuý là tốc độ phát triển kinh tế cao hay thấp, mà cái quan trọng hơn là nó có đem lại chất lượng sống tốt hơn cho con người và xã hội loài người hay không? Tất nhiên, muốn đảm bảo được ASXH phải có một sức mạnh kinh tế nhất định, không có sự phát triển kinh tế đạt tới trình độ nhất định thì không có cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện ASXH. Chính vì thế, trong nhiều văn kiện của Đảng luôn xác định phải gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm với xây dựng văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, phải “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”(1). Như vậy, ở đây, chúng ta nhận thức được rằng không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phải phát triển kinh tế hợp lý với phát triển văn hoá - xã hội, đảm bảo ASXH, vì ASXH là một mục tiêu để đánh giá bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Với quan điểm tất cả vì con người, vì hạnh phúc và phát triển toàn diện, tự do của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên, trong những năm qua Đảng ta luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bằng nhiều biện pháp mang tính đột phá, khắc phục những hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính tiền tệ, bão lụt và thiên tai, đã duy trì sự phát triển trung bình GDP 7%, đưa đất nước ta thoát khỏi đất nước nghèo trở thành nhóm nước phát triển trung bình của thế giới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xuất khẩu tăng, thu nhập bình quân đầu người trên 1.200 USD, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, xã hội được tạo dựng tương đối đồng bộ. Chính nhờ sự phát triển kinh tế đó, cho phép chúng ta thực hiện có hiệu quả vấn đề ASXH.


Đảm bảo ASXH là đảm bảo cuộc sống an bình, hạnh phúc cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, tránh được sự bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống của người dân. Hệ thống ASXH theo quan điểm hiện đại là một cấu trúc thống nhất bao gồm 5 yếu tố: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Cứu trợ xã hội và trợ giúp; Ưu đãi xã hội. Các chính sách chương trình phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro, cứu trợ và trợ giúp xã hội đã đi vào cuộc sống được nhân dân đồng tình và quốc tế đánh giá cao. Số hộ nghèo giảm từ 29% (2002) xuống còn 9,5% (2011); chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (2000) lên mức nhóm trung bình cao thế giới 0,728; xếp hạng 128/187 nước (2011) và đã hoàn thành 6/8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hiệp quốc đề ra đến 2015 cho các nước đang phát triển (2). Số người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc tăng nhanh từ 4,8 triệu (2001) lên 9,7 triệu người (2011). Sau gần 3 năm triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện, đến năm 2010 có gần 100 ngàn người tham gia, năm 2011 có 7,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 13,4% dân số (2000) lên 62% dân số (2010). Thực hiện tốt chính sách ưu đãi thường xuyên cho 1,4 triệu người có công. Kinh phí trợ cấp thường xuyên từ ngân sách và số người được hưởng tăng nhanh, từ 113 tỷ đồng cho hơn 180 ngàn người lên 4.500 tỷ cho 1,6 triệu người (2010). Ngoài ra, Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng chục nghìn tấn lương thực, thuốc men để trợ giúp khó khăn do thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa (3). Năm 2012 sẽ dành 85.560 tỷ cho lương hưu và bảo đảm ASXH (4).

Như vậy, do sự phát triển kinh tế đã tạo ra những điều kiện cho việc thực hiện chính sách ASXH thu được nhiều kết quả như đã nêu trên. Song sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh, lạm phát gia tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định… nên công tác bảo đảm ASXH ở nước ta vẫn chưa bền vững. Những chính sách, chủ trương phòng ngừa rủi ro vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng xa, vùng sâu. ở các huyện nghèo, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng tăng, các quỹ bảo hiểm xã hội đang đặt trong tình trạng báo động; nguồn lực đầu tư cho ASXH không đáp ứng được cho nhu cầu ASXH ngày càng tăng của người dân.


Từ những thành công và chưa thành công cùng những vấn đề đặt ra về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ASXH, chúng ta có thể chú trọng những kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Một là, phải nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa ổn định, đổi mới và phát triển, ổn định để đổi mới, đổi mới để phát triển
Ổn định để tạo ra tiền đề cho đổi mới; đổi mới để tạo ra động lực cho phát triển; sự phát triển phải hướng tới sự ổn định, bền vững để tiếp tục đổi mới. Đảm bảo ASXH chính là để tạo ra sự ổn định đồng thời cũng tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế. Để giải quyết mối quan hệ này trong thực tê,ë cần gắn chặt chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển xã hội, gắn chính sách kinh tế với chính sách văn hoá, xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế trong văn hoá - xã hội và chính sách văn hoá - xã hội trong kinh tế.


Hai là, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với việc xoá đói giảm nghèo, thu hẹp bất công xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Đây là bài học kinh nghiệm đem lại hiệu quả thiết thực qua thực tiễn hơn 25 năm đổi mới. Có thể nói, ở đâu chú trọng được vấn đề này thì ở nơi ấy có kinh tế phát triển và đảm bảo được ASXH. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có sự phát triển kinh tế cao nhất nước cũng là nơi giải quyết tốt vấn đề ASXH. Ở đây, một mặt đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ, mặt khác đồng thời với thực hiện 4 giảm: giảm hộ nghèo, giảm tai nạn giao thông, giảm thất nghiệp, giảm các tệ nạn xã hội. Thành phố Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương nắm vững bài học kinh nghiệm này. Các chương trình phát triển kinh tế của thành phố về công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, đô thị hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội bao giờ cũng gắn chặt với các chương trình 5 không, 3 có (5). Cũng chính từ giải quyết tốt bài học kinh nghiệm này mà thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng đã trở thành hình mẫu cho việc giải quyết một cách hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội.


Ba là, phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị, nông thôn mới gắn với phát triển văn hóa, xây dựng lối sống mới nếp sống mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng việc phát huy lợi thế của từng vùng và tạo ra sự liên kết giữa các vùng. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác, đồng thời tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn ở những khu vực còn nhiều khó khăn nhất là vùng biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Nhờ sự phát triển hài hòa giữa các vùng, có chú trọng đặc biệt đến các vùng xa, vùng sâu, các vùng dân tộc thiểu số mà đến năm 2011, đã có 97,4% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã, 80,7% thôn, 84,6% xã đặc biệt khó khăn có điện với gần 70% hộ sử dụng điện, 99% xã có bưu điện văn hóa, phủ sóng phát thanh đạt trên 90%, phủ sóng truyền hình 80%, tạo điều kiện cho 100% các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xây dựng được 70% số xã có trạm y tế (6). Tuy vậy, việc giải quyết mối quan hệ này từng nơi, từng lúc chưa hài hòa, đồng bộ, thậm chí do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quán triệt và quan tâm đúng mức, nên tỷ lệ hộ nghèo nhất là các vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn cao, 90% số người trong độ tuổi chưa qua đào tạo nghề, 3.000 trạm y tế xã chưa có bác sỹ (7). Những nơi tái định cư để xây dựng các dự án thủy điện, các công trình kinh tế, dân chưa yên tâm về chất lượng công trình; diện tích canh tác, các phong tục tập quán tốt đẹp có nguy cơ mai một.


Bốn là, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội thông qua nhiều chính sách, nhiều hình thức phương pháp phù hợp với ý Đảng, lòng dân.


Chính sách đảm bảo ASXH không phải là một chính sách chung chung trừu tượng mà là một hệ thống chính sách, chương trình phòng ngừa rủi ro, bao gồm chính sách, chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ người tìm việc, tự tạo việc làm hoặc đào tạo nâng cao tay nghề; hệ thống chính sách, chương trình giảm thiểu rủi ro như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… và chính sách, chương trình khắc phục rủi ro như cứu trợ và trợ giúp xã hội. Ở nước ta còn bao gồm chính sách ưu đãi xã hội. Có thể nói, đây là giải pháp vừa mang tính định hướng, vừa là những chủ trương hết sức cụ thể, có tính quyết định việc đảm bảo ASXH để tạo ra sự ổn định, động lực cho sự phát triển kinh tế. Để thực hiện các chính sách, chương trình đó không chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực quốc tế, nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, mà còn là nguồn lực của người dân. Hình thức phương pháp huy động các nguồn lực ấy, không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà còn thông qua các phong trào xã hội như: “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Mái ấm nơi biên cương, hải đảo”, quỹ tình thương, quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, v.v..


Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tinh thần trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội và ý thức tự làm chủ của nhân dân…


Phát triển kinh tế, đảm bảo ASXH phải tăng cường trách nhiệm và cộng đồng trách nhiệm của các chủ thể, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua sự định hướng mục tiêu, chủ trương, chính sách, sự quản lý hệ thống đảm bảo ASXH của Nhà nước, của các cấp chính quyền, sự vận động tổ chức thực hiện chính sách, chương trình của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có tầm quan trọng đặc biệt. Sự công bằng trong chính sách, tính minh bạch trong thực hiện chính sách, sự tham gia của người dân với tư cách vừa là đối tượng tác động, vừa là chủ thể tham gia thực hiện là một trong những nhân tố đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế và đảm bảo ASXH. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào khi có chủ trương, chính sách hợp lý, mỗi tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nông hội…) có chương trình cụ thể, vận động quần chúng tham gia tích cực vì bản thân và cộng đồng, thì ở nơi đó đảm bảo được ASXH và tạo ra được những tiền đề cho sự phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ASXH là một định hướng lớn, là một chủ trương quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện tốt chủ trương đó, đòi hỏi phải có cách nghĩ, cách làm sáng tạo phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng. Mỗi một chính sách đều có những mặt hợp ly,á đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế nhất định của nó, cho nên từ thực tiễn của cuộc sống cần chú trọng đến những kinh nghiệm đã được đúc kết từ thực tế. Những kinh nghiệm nêu trên chưa phải là đầy đủ, trọn vẹn, nhưng rất cần được nghiên cứu bổ sung và phát triển, bởi thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng là cơ sở, động lực của nhận thức, là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý./.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn

-----------------

 (1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.124.

(2),(3)newsid/54521/seo/an-sinh-xa-hoi-o-nuoc-ta... ngày 5-9-2012.

(4) Tạp chí Bảo hiểm xã hội trang thông tin điện tử Mof gov.vn (8-5-2012).

 (5)*5 không: Không có người tái mù chữ, không có người ăn xin, không có hộ nghèo, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không có giết người để cướp của.

* 3 có: Có việc làm, có nhà ở, có lối sống văn minh.

(6), (7)  Báo Văn hoá,  số 2117, ngày 10-2-2012, tr. 9.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất