Thứ Bảy, 30/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 8/11/2013 10:32'(GMT+7)

Ngày hội toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật

1. Từ Hiến pháp năm 1946 đến Ngày Pháp luật nước  Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ðể thực hiện nhiệm vụ giành độc lập hoàn toàn, bảo toàn lãnh thổ và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ, ghi nhận những thành tích vẻ vang của Cách mạng, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ" (1). Và, ngày 9/11/1946, đã thật sự đi vào lịch sử dân tộc ta như là một mốc son chói lọi khẳng định tư cách chủ nhân của mỗi người dân Ðất Việt khi Quốc hội thay mặt toàn thể nhân dân thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ðây thật sự là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, không kém một bản hiến pháp nào trên thế giới, là sự kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, thấm đẫm tinh thần "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ của nhân dân. Ðánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp" (2).

Ðược xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, bảo đảm các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân, Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà ở đó "tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo"; "mỗi công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật"; "những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết"... Những giá trị to lớn của Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa, phát triển, được thể hiện trong các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980 và năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đồng thời tạo cơ sở hiến định để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặt nền tảng chính trị - pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta, đất nước ta, phù hợp với nhiệm vụ của Cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật với khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phải ra sức tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hiệu quả thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, ngày 20-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa  Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

2. Ngày Pháp luật - Ngày hội toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi). Do vậy, việc tổ chức Ngày Pháp luật năm nay thật sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hành phương châm "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" đã được Ðảng, Nhà nước ta đề ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ðể thực hiện tốt Ngày Pháp luật, cần lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với từng bộ, ngành, địa phương, trong đó nội dung cần đặc biệt quan tâm là phải tiếp tục nâng cao, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, đặc biệt trong việc xác lập trách nhiệm của Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, Ngày Pháp luật phải giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tự học tập, tìm hiểu để nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng, chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật vì đó là tôn trọng và bảo vệ chính mình, góp phần duy trì xã hội trong trật tự, bảo vệ lợi ích của đất nước, của cộng đồng và của chính mỗi người dân.

Trong điều kiện Ðảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện những công việc cấp bách về xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, Ngày Pháp luật còn là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ với nhân dân. Từ đó, mỗi người tự mình chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chấp hành pháp luật, tự xem xét, nhắc nhở bản thân về những cái được và chưa được, những cái nên và không nên làm, tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những "công bộc" của nhân dân, thật sự là người tuyên truyền, phổ biến pháp luật tích cực. Ngày Pháp luật còn là cơ hội để thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết, gương mẫu, tiên phong trong việc nghiêm túc chấp hành pháp luật, tích cực học tập, tìm hiểu pháp luật, không ngừng nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ đi trước để cùng góp sức xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, văn minh, giàu đẹp.

Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa trong việc xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý truyền thống phù hợp xu hướng phát triển của thời đại và những chuẩn mực quốc tế trong cuộc sống xã hội, xây dựng và duy trì bền vững xã hội nhân văn có pháp chế nghiêm minh, có kỷ cương chặt chẽ. Qua đó góp phần gắn kết mỗi cá nhân, tổ chức và toàn thể cộng đồng để cùng chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua nguy cơ, hình thành niềm tin, biến thành hành động cách mạng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật chính là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ðể Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong ngày 9/11 mà còn trong tất cả các ngày khác trong năm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân. Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp và những người làm công tác pháp luật cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tích cực, chủ động đem kiến thức pháp luật của mình tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân. Tích cực tham gia vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để mỗi người đều tự giác tìm hiểu pháp luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, tích cực, thực hiện "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Qua Ngày Pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp rất mong sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất; phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp để cùng giúp Ðảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật, không chỉ trong năm 2013 mà còn cả trong những năm tiếp theo, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức hoặc chạy theo phong trào mà ít chú trọng đến chất lượng. Việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cần bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; gắn việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013, cần tổng kết, rút kinh nghiệm để lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho phù hợp trong những năm tiếp theo; kịp thời nhân ra diện rộng, phát huy triệt để vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các phương tiện cổ động trực quan cũng như công nghệ thông tin trong hoạt động này. Ngoài ra, cần tiếp tục huy động sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân để hưởng ứng, triển khai Ngày Pháp luật, tạo sự đồng thuận chung về ý chí, ý thức pháp luật nói chung trong nhân dân. Với sự chung sức, chung lòng của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ngày Pháp luật hằng năm sẽ thật sự trở thành ngày hội của toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật./.

HÀ HÙNG CƯỜNG, Bộ Trưởng Tư pháp
_______________________

(1) Hồ Chí Minh: Tuyển tập,  Nxb.CTQG, H, 1980, t.1, tr.356.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb.CTQG, H, 2000, t.4, tr.390.

(Nguồn: Nhân Dân)

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất