Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 9/10/2009 11:28'(GMT+7)

Gìn giữ và phát triển di sản Ca trù

Liên hoan các CLB Ca trù 2009 tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật số 2 Hoa Lư, Hà Nội.

Liên hoan các CLB Ca trù 2009 tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật số 2 Hoa Lư, Hà Nội.

Thông tin UNESCO công nhận ca trù là "Di sản Văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" của nhân loại đã làm nức lòng các thành viên của các CLB Ca trù trong cả nước cùng hội tụ về Thủ đô trong dịp này.

"Chúng tôi rất phấn khởi, muốn chia sẻ niềm vui với tất cả bạn diễn, những người yêu ca trù và khán giả"...Nghệ nhân Phạm Lãm ở quận Tây Hồ, Hà Nội, năm nay đã 80 tuổi nói.

Điều đáng mừng trong liên hoan lần này là có nhiều gương mặt tuổi đời rất trẻ. Nguyễn Thị Minh Ngọc - một trong những thí sinh trẻ tuổi nhất ở CLB Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân,Hà Tĩnh) năm nay mới 11 tuổi nhưng tiếng hát đã vang, nhịp phách đã giòn. Ngọc cho biết, em học hát từ các nghệ nhân Nguyễn Thị Gia và Phan Thị Mơn từ năm lên 6 tuổi.

Còn với Nguyễn Thu Thủy, một trong số ít bạn gái trẻ đánh đàn đáy- thành viên CLB Ca trù Thăng Long, năm nay đang ở tuổi đôi mươi thì "càng học ca trù càng thấy ngấm, càng thấy thích".Thu Thủy cho rằng, là người Việt Nam nên học âm nhạc truyền thống. Những người trẻ tuổi càng phải góp sức bảo vệ ca trù...

Cùng với nhiều bài ca trù lời cổ, các nghệ nhân cũng biểu diễn những tiết mục có lời mới. "Điều này cho thấy ca trù luôn phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống", Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan- thành viên Ban Giám khảo nhận xét.

Tiết mục biểu diễn của CLB Ca trù thôn Đông Môn, xã Hòa Binh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Có một thực tế là hầu hết thành viên của các CLB tham gia liên hoan không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, để ca trù phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần triển khai chương trình hành động quốc gia để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản ca trù. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ đời sống nghệ nhân, hỗ trợ việc truyền nghề cho lớp trẻ. Đồng thời cần giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ca trù.

Trong dịp Liên hoan các CLB Ca trù 2009, còn trưng bày giới thiệu nghệ thuật ca trù qua các bản ca trù nổi tiếng, các điệu múa, nhạc cụ trong nghệ thuật ca trù, không gian trình diễn ca trù, các di tích liên quan tới nghệ thuật ca trù và các bản thư tịch cổ, trang phục biểu diễn của đào kép.v.v.

* Tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam cũng diễn ra Triển lãm tôn vinh làng nghề truyền thống Hà Nội, trưng bày hơn 300 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân Hà Nội và của các làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội.

Nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ trình diễn nghề dát vàng.

Triển lãm tái hiện không gian sinh hoạt văn hoá và sản xuất của các làng nghề từ truyền thống đến hiện đại. Nghệ nhân làng nghề trình diễn các công đoạn và thao tác nghề thủ công truyền thống. Tại đây có sự góp mặt của các làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm)...

Đặc biệt, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề Vạn Phúc giới thiệu toàn bộ công đoạn làm nghề như: từ guồng tơ đến công đoạn mắc- hồ- dệt và giới thiệu cách làm mẫu hoa văn (một khâu vốn là bí mật của dệt lụa Vạn Phúc)./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất