Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 9/10/2009 11:28'(GMT+7)

Văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay

Không thể  phủ nhận rằng trong thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ đã trở  nên quan tâm đến sách hơn. Điều đó cũng thể  hiện ở việc tại các quầy sách báo, các cửa hàng sách cũ đang rất  được nhiều bạn trẻ lui tới. Vậy có thể coi đó là 1 tín hiệu đáng mừng khi mà trước đó, nhiều bài báo, lời nhận xét của các chuyên gia đều phản ánh về tình trạng lười đọc trong giới trẻ hiện đại.
Đọc sách vì không biết làm gì 

Tuấn (Đại học giao thông) luôn khiến các bạn cùng phòng kí túc khâm phục vì khả năng đọc sách của cậu. Lúc nào cũng đọc, đọc thâu đêm suốt sáng, đọc quên  ăn quên ngủ. Và các bạn của Tuấn không khỏi thắc mắc là tại sao Tuấn rất lười học, có khi cả tuần không lên lớp 1 buổi nào mà cậu lại ham đọc sách như vậy. 

Đến khi được hỏi, Tuấn mới trả lời hồn nhiên, cậu tìm đến với sách đơn giản là vì không biết phải làm gì  để giết thời gian cả. Chính vì không chịu lên giảng đường, cũng không có quá nhiều bạn để đi chơi nên thời gian trống của Tuấn là rất nhiều. Chơi điện tử, ngủ…thì cũng chán. Cuối cùng, cậu tìm đến sách như là cách cuối cùng để giết thời gian. Ban đầu chỉ là vài cuốn truyện, vài cuốn tiểu thuyết võ hiệp mà có khi cậu đọc lai rai cả tuần mới xong. Lâu dần thì đọc sách vô hình chung đã tạo thành cho cậu 1 thói quen. Thế là thay vì những cuốn giáo trình, cậu đến với các tiểu thuyết võ hiệp dài kì của Trung Quốc và những cuốn tiểu thuyết trinh thám của phương Tây… 

Đọc sách nhiều, nhưng Tuấn lại chứng minh cho mọi người thấy một điều rằng đọc sách quá nhiều đôi khi lại là cả 1 sự tai hại. Theo những cuốn tiểu thuyết, Tuấn trở thành 1 người ảo tưởng nặng. Nói chuyện, bàn luận với bạn bè về bất cứ lĩnh vực gì Tuấn cũng đem những điều trong sách ra để nói. Và bạn bè Tuấn đều cùng chung 1 cảm nhận rằng Tuấn sống rất thiếu thực tế. Không những thế, cậu luôn lấy hình mẫu nhân vật Dương Quá trong tiểu thuyết “Thần điêu đại hiệp” làm hình mẫu lí tưởng nhất và cho rằng phải như Dương Quá mới đúng là nam nhi. 

Lang thang dọc các phòng trong nhiều kí túc xá và các phòng trọ, người viết mới cảm nhận được phong trào đọc sách đang lên. Sách có thể mua, mượn ở thư viện hay cách đơn giản nhất là đọc trên mạng. Nhưng để tìm được 1 người đọc sách để tìm kiếm những giá trị tri thức mà sách mang lại quả thật là rất khó. Hầu hết các bạn tìm đến sách đều vì mục đích giải trí, giết thời gian là chính. Cũng chính vì thế mà sách các bạn đọc đều là những cuốn sách viết theo kiểu giải trí, câu khách như các tiểu thuyết lãng mạn của Quỳnh Dao, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung… 

 Ảnh minh họa

 Bìa cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi


Đọc sách theo phong trào

Cách đây mấy năm, 2 cuốn nhật kí của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành 1 hiện tượng và nhanh chóng trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ. Những tâm sự người lính, những khắc họa rõ nét về chiến tranh và đặc biệt là những khó khăn, gian khổ của những người đã sớm phải chôn vùi tuổi thanh xuân nơi trận mạc đã tạo ra sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ. Và chắc chắn rằng sau khi đọc xong các tác phẩm đó, những bạn trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều, nhất là về lí tưởng sống. 

Sau 2 cuốn nhật ký đó là rất nhiều cuốn sách, đủ các thể loại của các tác gia trong và ngoài nước cũng lập tức tạo được cơn sốt đối với giới trẻ như tập truyện ngắn “Bóng đè” của tác gia Đỗ Hoàng Diệu hay những truyện dài “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Yêu anh hơn cả tử thần”…của tác gỉa Tào Đình ( Trung Quốc), “Rừng Nauy của tác giả Murakami(Nhật Bản)… 

Không thể  phủ nhận khi đã tạo thành 1 trào lưu thì nó sẽ khiến cho giới trẻ tìm đến sách nhiều hơn và góp phần làm giảm căn bệnh “lười đọc” vẫn đang tồn tại trong giới trẻ. Nhưng trong số rất nhiều người đi theo những trào lưu đó, có mấy người sẽ cảm nhận được giá trị của tác phẩm hay khi trào lưu qua đi, câu đối thoại về quyển sách đó chỉ đơn giản và duy nhất là hỏi:“Đọc chưa?” và trả lời:“Đọc rồi”.  

Đặc biệt hơn nữa, với những người đọc sách thực sự vì  đam mê và có vốn hiểu biết thì chắc chắn sẽ tìm được sự lựa chọn hợp lí khi quyết định đi hay không đi theo trào lưu đó bởi trong vô vàn những tác phẩm tạo nên cơn sốt đó, không phải tác phẩm nào cũng phù hợp. Nhất là khi vấn đề “tình dục” đang được các tác giả hướng đến như một thứ “gia vị” để tăng sức hấp dẫn cho cuốn sách.  

Khi được hỏi lí do tại sao lại tìm đến những cuốn sách đang “nóng” trên thị trường, V. (ĐH Quốc gia) đã trả lời thẳng thắn rằng cô đọc những cuốn sách đó vì thấy nhiều người cũng tìm đọc. Và hơn nữa, phải đọc những cuốn sách đó cô  mới cảm thấy bằng bạn bằng bè và cũng là cách cô theo kịp thời đại.  

Chung 1 câu trả lời như V, nhiều bạn trẻ cũng đang tự  huyễn hoặc mình rằng cứ đọc những cuốn sách theo phong trào mới là sành điệu, là đúng thời  đại. Đọc để theo trào lưu và nguy hiểm hơn là  không có sự chọn lọc chính là hiện tượng dễ thấy ở đại đa số giới trẻ và đôi khi chính điều đó sẽ tạo thành 1 căn bệnh còn nguy hiểm hơn cả bệnh lười đọc. Đó là chưa kể nếu cuốn sách trở thành trào lưu mà không mang những nội dung, giá trị phù hợp thì sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ, tư tưởng của giới trẻ. 

 Ảnh minh họa

 Giới trẻ bây giờ có rất nhiều lựa chọn đầu sách


Và  những người tìm đén giá  trị đích thực của sách

Nói đi thì cũng phải nói lại. Dù T, V là 2 đại diện rõ nét nhất cho rất nhiều bạn trẻ hiện nay khi tìm đến với sách nhưng không phủ nhận 1 điều rằng vẫn đang còn 1 bộ phận những bạn trẻ đến với sách với niềm say mê thực thụ và luôn có ham muốn học hỏi, nghiền ngẫm những cuốn sách mà các bạn đã đọc. 

Quyên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) có 1 sở thích là đi mua sách. Là nhà báo tương lai cho nên với Quyên việc đọc nhiều là vô cùng cần thiết, chính vì thế những khi có tiền, cậu lại đến các tiệm sách để tìm mua những cuốn sách mà cậu cho là có ích. Văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, kể cả những cuốn sách được cho là “bác học” cậu vẫn mua về đọc. Và điều quan trọng nữa là Quyên luôn có sự chọn lọc các tác phẩm. Qua những cuốn sách, Quyên đã học hỏi được rất nhiều về ngôn ngữ, về cách viết và cả giá trị nội dung, tri thức của những cuốn sách mà cậu đã đọc qua. 

Lan (ĐH Ngoại thương) cũng thế. Từ nhỏ cô đã thừa hưởng niềm đam mê sách của bố, một giáo viên dạy văn. Chính vì thế mà Lan đọc sách và giữ sách rất cẩn thận. Lan tâm sự rằng cứ mỗi khi đọc sách, cô như bước vào một thế giới riêng và khi đọc xong, những gì cô cảm nhận được cô đều ghi ra giấy. Đọc sách có khoa học, và giá trị của những cuốn sách đã được Lan cụ thể hóa qua vốn kiến thức mà bạn bè luôn ca ngợi. Hơn thế nữa, trong các cuộc thi, môn văn của cô đều đạt điểm rất cao. Và tất nhiên, vốn sống và khả năng sử dụng ngôn ngữ của Lan cũng tì lệ thuận với những cuốn sách cô đọc. 

Vậy những “hạt vàng” như thế trong cái được gọi là văn hóa đọc trong giời trẻ Việt Nam có thực sự nhiều. Có thể khẳng định là không ít, nhưng vẫn ít hơn những “hạt sạn”.  Đó là những điều cần phải suy ngẫm để xác  định được hướng đi đúng đắn cho văn hóa  đọc ở nước ta bởi nếu như đi trệch hướng, việc đọc nhiều đôi khi lại gây tác động xấu, trái ngược với những gì tốt đẹp mà sách mang lại. 

Theo VnMedia


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất