Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Thứ Tư, 20/3/2019 14:52'(GMT+7)

Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới: Khát vọng áp dụng những kỹ thuật hàng đầu

GS.TS Trịnh Đình Hải khám cho một bệnh nhi

GS.TS Trịnh Đình Hải khám cho một bệnh nhi

THỰC HIỆN NHỮNG KỸ THUẬT CAO SÁNH TẦM QUỐC TẾ

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngành răng hàm mặt là lĩnh vực y tế có thể giữ người bệnh điều trị ở trong nước với các kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Thay vì phải để người bệnh ra nước ngoài điều trị với chi phí rất tốn kém, người bệnh có thể được điều trị ngay trong nước, hưởng thụ những kỹ thuật chữa bệnh tiên tiến nhất thế giới. Do đó, hơn 10 năm qua, ngành rất chú trọng hợp tác quốc tế và nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước, đưa các kỹ thuật tiên tiến vào áp dụng để điều trị các bệnh lý phức tạp.

GS.TS. TTND Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội-Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cho biết: “Riêng năm 2018, chúng tôi đã cử 22 đoàn công tác tham dự các hội nghị tại các nước trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Argentina… với 358 lượt cán bộ được cử đi. Ngoài ra, bệnh viện còn ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nghiên cứu sinh với các trường đại học uy tín tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Hiện, bệnh viện đang cử 12 bác sĩ học nghiên cứu sinh tại các trường đại học ở nước ngoài”.

GS.TS. TTND Trịnh Đình Hải cho rằng, cần phải tự tạo ra cầu nối với tiến bộ y khoa thế giới, học tập và thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó các bệnh nhân mới có thể yên tâm điều trị ở trong nước. Và thực tế cho thấy, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được thực hiện, sánh ngang với các nền y khoa tiên tiến nhất thế giới, đi trước các nước trong khu vực.

Nói đến các kỹ thuật tiên tiến nổi bật đang được thực hiện, không thể không nhắc đến kỹ thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương hàm mặt - một kỹ thuật hết sức thành công của Bệnh viện, đi trước Singapore và Thái Lan.

GS.TS. Trịnh Đình Hải cho biết, kỹ thuật này đã được Việt Nam thực hiện trước các nước trong khu vực, do ở nước ta khác với một số nước phương Tây, phát hiện loại bệnh u men. Tại các nước phương tây rất ít gặp loại bệnh này, nhưng ở Việt Nam thì tuần nào Bệnh viện cũng phải tiếp bệnh nhân mắc bệnh này. Nếu điều trị triệt để thì phải cắt bỏ xương hàm, thông thường sẽ để lại di chứng nặng nề là khuyết hổng lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, giao tiếp của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ thuật vi phẫu tái tạo xương hàm mặt, không chỉ giúp phục hồi tính thẩm mỹ, mà còn cải thiện các chức năng khác như ăn, nhai, nuốt, nói….

Ban đầu đưa vào áp dụng, mỗi tháng Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội chỉ triển khai được 1 ca và gặp rất nhiều khó khăn, sau đó tăng dần lên 4 ca/tháng. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, đã có 500 bệnh nhân mang khối u vùng hàm mặt được ghép vi phẫu chỉnh xương hàm mặt thành công, trong đó có cả những bệnh nhân người nước ngoài.

Điển hình là trường hợp phẫu thuật vi phẫu thành công lần thứ 500 mới đây của bệnh nhân Nguyễn Giang Ly, 16 tuổi ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Bệnh nhân Ly được các bác sĩ của Bệnh viện chuẩn đoán bị u xương, ăn mòn toàn bộ mặt bên ngoài của xương hàm từ năm 8 tuổi, bị tổn thương xương hàm quá nặng nên đây được coi là một trong những ca mổ phức tạp nhất.

Trước khi phẫu thuật, Giang Ly rất tự ti, không dám gặp gỡ ai, tránh ra chỗ đông người, thậm chí khi nhà có công việc, khách đến chơi cháu cũng tránh gặp mọi người. Được Bệnh viện phẫu thuật miễn phí hoàn toàn, gia đình Ly rất vui mừng. Chị Lưu Thị Trâm, mẹ cháu Ly rất xúc động khi nhìn thấy con mình khỏe mạnh, được tự tin trở lại. Chị chỉ mong con lấy lại tự tin để lại có thể đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 10 năm, hiện tại kỹ thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt đã trở thành kỹ thuật thường quy của Bệnh viện với 2-3 ca/tuần, thậm chí có dịp bệnh viện tổ chức tuần lễ phẫu thuật vi phẫu thì có đến 2-3 ca/ngày. Các bệnh nhân đều có cuộc sống tốt và gương mặt thẩm mỹ hơn sau phẫu thuật.

Bằng việc đi trước cả 10 năm so với nhiều nước trong khu vực, cùng chi phí thấp hơn khoảng 9 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, ngành răng hàm mặt đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng các kỹ thuật hàng đầu thế giới về điều trị các bệnh hiểm nghèo liên quan đến răng miệng cho người bệnh, góp phần nâng cao vị thế của nền y học nước nhà.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật cao trong cấy ghép răng implant, phục hình răng thẩm mỹ… cũng đã giúp cho hàng nghìn bệnh nhân hài lòng với nụ cười, thẩm mỹ được cải thiện rõ rệt. Hay kỹ thuật điều trị răng miệng cho trẻ em dưới gây mê - một trong những kỹ thuật rất phức tạp, đã mang lại hiệu quả điều trị cao cho trẻ em, giảm bớt sự lo lắng của gia đình và sự sợ hãi ở trẻ nhỏ, đặc biệt với các trẻ mắc bệnh tự kỷ, tim mạch… Tất cả các kỹ thuật đặc biệt tiên tiến ngang tầm quốc tế đều đã trở thành các kỹ thuật thường quy của Bệnh viện, thu hút rất nhiều học viên từ nhiều quốc gia trên thế giới đến nghiên cứu, học tập và thực hành.

Khám, điều trị răng miệng miễn phí cho học sinh Trường tiểu học Liên Minh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới
Khám, điều trị răng miệng miễn phí cho học sinh Trường tiểu học Liên Minh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới

ĐỀ CAO VIỆC CHĂM SÓC SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG TOÀN DÂN

Không chỉ mổ nhân đạo cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Giang Ly, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã mổ nhân đạo cho hàng chục nghìn trẻ em khuyết tật khe hở môi, giúp các em tìm lại nụ cười. Các bác sĩ của Bệnh viện luôn chào đón, nhận mổ từ thiện, không mất tiền viện phí cho các trẻ em khuyết tật khe hở môi vòm miệng bất kỳ lúc nào.

Mới đây, Bệnh viện còn lên kế hoạch chăm sóc nhân đạo toàn diện cho trẻ em mắc khe hở môi vòm miệng, tư vấn cho các bà mẹ từ lúc mang thai, điều trị cho các bé từ khi mới sinh, đến khâu tiến hành phẫu thuật, điều trị sau phẫu thuật, hỗ trợ thuốc thang, kinh phí đi lại cho các trẻ ở vùng sâu vùng xa, rồi kiêm cả nhiệm vụ “giáo viên” tại những lớp học phát âm cho những trẻ em mắc khuyết tật này.

“Bao năm nay, tôi luôn bị ám ảnh bởi nụ cười của các cháu bị khuyết tật. Vì thế, lúc nào chúng tôi cũng canh cánh trong lòng nhiệm vụ phải làm thế nào phẫu thuật được cho càng nhiều cháu mắc khe hở môi vòm miệng càng tốt, để giúp thay đổi cuộc đời các cháu”, GS.TS. Hải trăn trở.

Ngoài các chương trình mổ nhân đạo cho các trẻ khuyết tật khe hở môi vòm miệng, Bệnh viện cũng phối hợp với Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động khám và tư vấn răng miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, giúp người dân sớm phát hiện tình trạng bệnh và hiểu rõ lợi ích chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Răng miệng là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe toàn diện của con người. Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân và là điều cốt yếu để có được một sức khỏe toàn diện và cuộc sống lành mạnh cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tại Việt Nam rất nhiều người chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe răng miệng của bản thân.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, tại Việt Nam, có hơn 90% dân số mắc các bệnh về răng miệng. Đáng lưu ý, trên 85% trẻ em trong độ tuổi từ 6-8 có sâu răng sữa và trung bình mỗi em có trên 6 răng đã bị sâu. Một con số đáng buồn nữa là 50% người dân Việt chưa bao giờ đi khám để biết về tình hình răng miệng của mình. Nhiều người không biết rằng những bệnh về răng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến các bệnh khác như viêm cầu thận, đau tim, đột quỵ, viêm phổi, tiểu đường…

Do đó, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bản thân là rất quan trọng. Bên cạnh đó, giáo dục, trang bị kiến thức chăm sóc răng miệng cho trẻ, nhất là các em học sinh ở bậc tiểu học là điều vô cùng cần thiết, góp phần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, tập thói quen giữ răng miệng luôn sạch khỏe, giảm thiểu những bệnh lý về răng miệng.

Để người dân có thể dự phòng được những bệnh lý nguy hiểm liên quan đến răng miệng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, GS.TS. Trịnh Đình Hải khuyến cáo cộng đồng nên đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Nếu phát hiện các vấn đề về răng miệng hoặc u ở vùng xương hàm mặt thì điều trị sớm sẽ đạt được kết quả tốt. Phát hiện bệnh sớm và được điều trị ngay giai đoạn đầu sẽ không để lại khuyết hổng lớn, do đó sẽ không cần phải thực hiện các kỹ thuật cao, tái tạo mà có thể điều trị đơn giản hơn.

“Các bệnh răng miệng có tỉ lệ người mắc cao và có thể có các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, nhưng có thể dự phòng được bằng các biện pháp chăm sóc dự phòng như: Chải răng với kem đánh răng có flour ít nhất 2 lần/ngày; kiểm tra răng miệng định kỳ để được tư vấn và điều trị kịp thời; quan tâm chăm sóc răng miệng cho trẻ em tuổi học đường và trẻ em ở lứa tuổi trước đi học; chăm sóc răng miệng cho bản thân, cho người thân và tuyên truyền chăm sóc răng miệng trẻ em cho cộng đồng; hãy chăm sóc sức khỏe răng miệng để bảo vệ sức khỏe toàn thân”, ông Hải cho hay.

Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới là sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 20/3 hằng năm, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trên toàn cầu về vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng và tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới được ngành răng hàm mặt vận động cho năm nay bao gồm:

-     Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội và một số bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt tại các tỉnh thành trong cả nước.

-     Tổ chức tháng khám răng miệng và tư vấn miễn phí cho cộng đồng ở các tỉnh thành trong cả nước.

-     Tổ chức khám và điều trị sâu răng cho trẻ em ở các trường tiểu học tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, TPHCM, Huế…

-     Thực hiện các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

Lan Anh/Chinhphu.vn
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất