Cuộc sống hiện đại với nhiều bon chen toan tính vẫn không làm mất đi những tấm lòng nhân văn, cao thượng, trong đó có những “lương y gia truyền” coi việc chữa bệnh cứu người như làm phúc. Những “thầy thuốc mẹ hiền” đó như một sự khẳng định về giá trị và đạo lý của người Việt, họ đối lập hoàn toàn với không ít “nhà thuốc gia truyền” giả danh đang mọc lên “nhan nhản” trong xã hội khiến nhiều người phải “tiền mất, tật mang”.
“Nấm mọc sau mưa” các cơ sở gia truyền
Nước ta có hàng ngàn loài cây thuốc gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các bài thuốc y học gia truyền của người Việt và của các dân tộc anh em. Cây thuốc và bài thuốc y học gia truyền Việt Nam là kho tài nguyên vô cùng phong phú, mà cho tới nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về tiềm năng, giá trị chữa bệnh.
Nhà thuốc gia truyền với những loại thuốc quý “gia bảo” vẫn luôn là niềm hy vọng đối với đa số người bệnh và ngày càng được quan tâm, đề cao trong xã hội.
Hiện nay, với một lòng tin sẵn có của người Việt, với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” khiến nhiều bệnh nhân và người nhà của họ sẵn sàng tìm đến các cơ sở “Đông y gia truyền”. Họ dễ dàng tin vào những lời “rỉ tai”, mà không cần quan tâm đến chứng nhận y tế, chẳng để ý đến tính phổ quát của dạng thuốc, đặc biệt là chưa từng tận mắt thấy chứng kiến và tiếp xúc với người đã chữa khỏi bệnh, chỉ là “nghe thấy tốt lắm”.
Những tâm lý trên của người dân chính là một trong những nguyên nhân và là “môi trường” để “vô thiên lủng” hiệu thuốc gia truyền cùng với các bài thuốc quý hiếm xuất hiện “như nấm sau mưa” trong những năm gần đây. Không khó để một bệnh nhân tìm cho mình một địa chỉ thuốc gia truyền đông y, nam dược. Có một đặc điểm chung là hầu như nhà thuốc gia truyền nào cũng đều có “những bài thuốc hay và lạ”, gần như đáp ứng được tất cả các loại bệnh mà bệnh nhân mang đến. Tuy nhiên, cùng với “chất lượng không biết đến đâu” thì ở nhiều cơ sở “đông y, nam dược” hiện nay đang “phát huy cao độ” lòng tin “trăm sự nhờ thầy” của bệnh nhân mà đưa ra những thang thuốc, đơn thuốc “bí ẩn” với giá trên trời.
Thời gian vừa qua, ở một số bệnh viện lớn đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân là trẻ em nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, co giật, thiếu máu, ho ra dịch vàng... Với những biểu hiện này, trước đây các bác sĩ thường chẩn đoán là sốt cao hoặc viêm não cấp. Nhưng sau khi tìm hiểu, bác sĩ mới nắm được thông tin hầu hết những trường hợp đó đều do sử dụng “thuốc cam gia truyền” chữa nhiệt miệng từ một số cơ sở đông y gia truyền. Các bệnh viện đã xác định được các cháu bị ngộ độc chì trong thuốc cam. Các loại thuốc này từ nhiều cơ sở sản xuất khác nhau nhưng không có nhãn mác. Điều đáng buồn là các “phương thuốc gia truyền” đó phần lớn đều được các bà mẹ mua tại chợ quê hoặc các “cơ sở đông y” trong làng, xã để chữa nhiệt miệng, tưa lưỡi cho con cái.
Cũng từ tâm lý ngại đến bệnh viện, nên nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở các vùng nông thôn khi thấy con bị đau không cho đi khám, mà “nghe mách” chỗ này, chỗ kia có “ông thầy này, ông thầy kia” chữa giỏi, nên cứ đến mua thuốc về dùng, không cần biết đến nhãn mác, tên tuổi của thuốc, và dùng theo “hướng dẫn sử dụng miệng” của “thầy”, không cần có giấy tờ kê đơn hay cách sử dụng vì là “bí kíp gia truyền” (!).
Cùng với nhiều cơ sở “chữa bệnh gia truyền” bát nháo, không giấy phép xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều địa phương với mục đích kiếm tiền của người dân, thời gian qua nhiều hiệu thuốc nam dược, đông dược cũng “mọc lên nhan nhản”, tuy có giấy phép cũng như các loại giấy tờ liên quan, nhưng hiệu quả thực sự đến đâu thì lại không có tổ chức, cơ quan chuyên môn nào kiểm chứng. Người trước đến chữa bệnh bốc thuốc rồi về, người sau đến là do “nghe nói”, mà tin đồn nhiều khi được bắt nguồn từ “chân rết” của chính nhà thuốc, hoặc thông qua những “trang rao vặt”. Hiệu quả thực sự đến đâu thì chưa ai khẳng định được, chỉ biết rằng, đã có rất nhiều những câu chuyện “nửa khóc nửa cười”, “tiền mất tật mang” của nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương”.
Những tấm lòng “từ mẫu” đem phúc đến người đời
Dù sao, những giá trị đích thực của cuộc sống vẫn không bị mất đi, bởi vẫn còn đó trong xã hội những tấm lòng “từ mẫu” đang âm thầm, lặng lẽ hàng ngày, hằng giờ chữa bệnh giúp người không vì công xá, chẳng cần danh tiếng.
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi tìm về một miền quê yên bình, hẻo lánh để gặp một thầy thuốc “vô danh” - người đã giúp cho nhiều gia đình hiếm muộn con cái có được niềm vui. Ông Hà Xuân Minh, thôn Phú Đa, xã Phú Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa, hơn 30 năm nay đã cùng bà cụ thân sinh mang hạnh phúc trao cho nhiều cặp vợ chồng từng buồn phiền, mong mỏi có “một mụn con”.
Trước khi ông Minh được sinh ra, cụ Tần - người thân sinh ra ông lấy chồng 10 năm mà vẫn “hiếm muộn”. Là cán bộ y tế, cùng với những kiến thức về nghề y, mẹ ông đã học hỏi, tự tìm tòi nghiên cứu, tìm ra phương thuốc giúp cải thiện nội tiết tố và một số nguyên nhân khác để có được kết quả cho người phụ nữ “hiếm muộn” con cái. Từ bài thuốc thực tế áp dụng cho bản thân, cụ Tần đã chữa thành công cho nhiều người phụ nữ khác. Với công thức gia truyền do bà mẹ truyền lại, ông Hà Xuân Minh từ nhiều năm này đang tiếp tục công việc “gieo vào thế gian trái ngọt, niềm vui”.
Có những cặp vợ chồng đã đi “chữa chạy” nhiều nơi mà vẫn chưa có con, nhưng khi áp dụng bài thuốc gia truyền của gia đình ông thì có kết quả. Bài thuốc của gia đình ông giờ đây đã có mặt từ Nam ra Bắc, thậm chí “bay” ra tận nước ngoài. Tuỳ từng trường hợp là nam hay nữ, mỗi đối tượng lại có một công thức chữa trị khác nhau. Điều đặc biệt là nguyên liệu để chế bài thuốc “chữa hiếm muộn” của gia đình ông luôn được “công khai” cho tất cả những người đến chữa bệnh và rất đơn giản, dễ tìm, dễ uống, nên những người không có điều kiện về kinh tế vẫn có thể tự chế cho mình một thang thuốc hoàn chỉnh để dùng.
Khi được hỏi, sao ông không mở rộng thương hiệu, quảng bá nhiều hơn để nhiều người biết đến và để tăng thu nhập, ông Minh tâm sự: “Việc duy trì lấy thuốc chữa bệnh cho người dân là để làm phúc, để trồng cây đức cho con cháu sau này và cũng là thực hiện tâm nguyện một đời của mẹ tôi, chứ không coi đây là một nghề kiếm tiền…”.
Cũng là lẽ thường tình nếu có ai đó nghi ngờ mỗi khi nghĩ đến những con người và công việc như ông Minh đang làm, nhưng phải tận mắt chứng kiến, tiếp xúc với những gia đình hiếm muộn đã từng được ông Minh “kê đơn bốc thuốc” có kết quả mà không phải vì tiền công, phải được thấy sự thanh bạch giản dị của gia đình và nghe những điều ông chia sẻ, tâm sự… mới hiểu hết được những giá trị đích thực của một tấm lòng “lương y như từ mẫu”…
Và, vẫn còn đó trong cuộc sống hối hả với những guồng quay của cơ chế thị trường, nhiều và rất nhiều những vị lương y có cái tâm đích thực “giúp người làm phúc” như ông Minh. /.
Thảo Nguyên