Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 2/2/2009 22:10'(GMT+7)

Ngày xuân xem chiếu chèo Đoài

Trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” do các em học sinh thôn Ninh Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) biểu diễn.

Trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” do các em học sinh thôn Ninh Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) biểu diễn.

Loại hình sân khấu cổ truyền này ra đời vào thời nhà Đinh và tồn tại đến ngày nay nhờ sự độc đáo, hấp dẫn và gần gũi với dân lao động. Theo một số nhà nghiên cứu thì chèo khởi nguồn từ văn hóa lễ hội như các hội mùa, hội làng. Các điệu hát hát xoan, hát giao duyên... và những vũ điệu dân gian vùng châu thổ sông Hồng cùng những động tác lao động trên ruộng đồng đã được biến điệu, sắp xếp lại thành các làn điệu chèo. Các câu chuyện dân gian được sân khấu hóa thành tích diễn. Tất cả được phối kết lại theo quy luật sáng tạo riêng biệt, độc đáo, thành sân khấu chèo.

Xứ Đoài, vùng Hà Tây (cũ), vốn là vùng đất văn hiến. Nghệ thuật chèo ở đây có nét đặc sắc song vẫn bình dị, gần gũi. Phải chăng thiên nhiên đã ban cho xứ Đoài non xanh nước biếc, sông dài với những thềm đá ong cổ, mạch nước nguồn trong mát tạo nên chất giọng chèo Đoài để ai đã nghe một lần rồi cũng say, cũng mến. Chèo với bà con nông dân xứ Đoài gần gũi, thân thuộc. Xưa kia, người ta không gọi là đội chèo mà gọi là chiếu chèo. Mỗi chiếu chèo khoảng trên dưới hai chục người. Người đứng đầu chiếu chèo (hay phường chèo) là ông trùm (như trưởng đoàn bây giờ). Ông không chỉ quản lý, tổ chức hoạt động cho chiếu chèo mà còn phải khá am tường về loại hình sân khấu này. Tiếp đó là các đào, kép và một số nhạc công. Một chiếu chèo muốn có tiếng bao giờ cũng phải có một vài đào, kép đẹp người, múa giỏi, hát hay.

Tuy vậy họ không phải là người biểu diễn chuyên nghiệp. Hằng ngày, họ là những người nông dân chân lấm tay bùn miệt mài trên đồng ruộng. Vào gần dịp hội hè, lễ lạt hoặc được các nơi mời gọi, ông trùm tập hợp họ lại và cùng nhau tập dượt tiết mục rồi khăn gói đi diễn. Sàn diễn là chiếc chiếu trải ra sân đình, vừa tiện lợi, vừa giản dị, gần gũi với cuộc sống thường nhật của người nông dân. Chiếc chiếu dùng để diễn chèo thường là chiếu đậu, màu trắng đục. Dàn đàn và dàn đế (người hát đế) được sắp xếp ở hai bên mép chiếu. Phía ngoài, sát với chỗ người xem, là chỗ của người đánh trống chầu điều khiển đêm diễn. Người xem ngồi quây kín xung quanh, tạo nên sự giao lưu thân mật, gắn bó giữa diễn viên và người xem.

Sau một hồi trống rộn rã mở màn, sân khấu trở nên sôi động, cuốn hút. Trong tiếng đàn nhịp phách rộn ràng, những làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm với vũ điệu thướt tha cùng sắc màu rực rỡ của những bộ xống áo tứ thân mớ bảy mớ ba của các cô đào đã đủ để quyến rũ, hớp hồn người xem. Rồi những vai hề mồi, hề gậy với "cu Sứt", "anh Nô"... đã làm bùng lên những trận cười nghiêng ngả.

Một cảnh trong vở chèo “Dáng trúc Sài Sơn”.

Tích diễn thường được xây dựng từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc. Những tích ấy dù ai cũng biết hoặc dù đã được xem diễn nhiều lần mà chẳng hề thấy chán. Hôm trước xem rồi, hôm sau nếu có dịp vẫn muốn xem lại. Các chiếu chèo lớn, đông đào kép thì dựng cả vở; chiếu nhỏ thì chỉ dựng trích đoạn nhưng nếu diễn hay thì vẫn được mời đón trọng vọng và nhiều khi đi diễn hết làng này sang làng khác suốt mấy tháng hội hè. Những nhân vật như Xúy Vân (vở Kim Nham), Thị Mầu, Thị Kính (vở Quan Âm Thị Kính), rồi Lưu Bình - Dương Lễ... đã đi vào lòng người và trở thành kỷ niệm không phai mờ về những ngày hội hè đình đám của thôn quê. Nhiều người mê xem chèo đến nỗi khăn gói đi theo chiếu chèo xem diễn cả tháng trời. Họ có thể kể lại rành rọt các tích diễn một cách say sưa hoặc thuộc nhiều lời hát, điệu hát của các vai trong tích chèo. Những vai trong tích diễn thường được nhắc đến như một bài học dạy dỗ con cháu về lòng nhân ái, thủy chung, về đạo lý "ở hiền gặp lành - ác giả ác báo" hay về tấm gương ham học, rèn chí lớn để sau này thành đạt giúp dân giúp nước...

"Nghe tiếng trống chèo vác bụng đi xem". Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà câu ca dao này đưa ra hình ảnh vừa hài hước mà cũng vừa thể hiện cái hào hứng của người dân đối với chiếu chèo. Có lẽ xưa kia đời sống kinh tế còn thấp, hầu hết các gia đình nông dân quanh năm tất bật lo miếng cơm manh áo. Chỉ đến dịp lễ tết, hội hè mới là lúc họ có thời gian nghỉ ngơi và cũng là dịp tự thưởng cho công sức lao động quần quật cả năm của mình. "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết" cũng là vì thế. Ngày lễ tết, hội hè đâu chỉ cần no đủ về vật chất mà còn có nhu cầu "no đủ" cả về tinh thần. Và một điều cũng quan trọng không kém với người nông dân là được đi xem hát chèo vừa vui lại vừa không mất tiền. Bởi thế, khi nghe tin có chiếu chèo về diễn là cả xóm, cả làng đều náo nức chờ mong.

Vùng xứ Đoài nổi tiếng cả nước bởi có nhiều ngôi đình đẹp, đúng như câu ca: Chùa Đông, cầu Bắc, đình Đoài... Về xứ Đoài mới thấy hầu hết các làng quê đều có đình làng. Ngôi đình vừa là nơi hội họp việc làng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Sân đình thường được chọn là địa điểm cho chiếu chèo tổ chức biểu diễn. Người xem chen chúc vòng trong vòng ngoài, có thể xem thâu đêm suốt sáng. Những tích diễn hay, những đào kép giỏi, tiếng hát chèo mượt mà xen tiếng trống chầu thưởng của người cầm trịch vang lên làm cả người diễn và người xem càng say mê, hứng thú.

Chèo xứ Đoài từ xa xưa đã nổi danh cùng chèo xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), xứ Đông (Hưng Yên, Hải Dương), xứ Nam (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình). Hầu như huyện nào cũng có chiếu chèo danh tiếng như Tòng Bạt, Hậu Trạch (Ba Vì), Tam Thuấn, Phụng Thượng (Phúc Thọ), Canh Nậu, Đại Đồng (Thạch Thất), Đại Thành, Phượng Cách (Quốc Oai), Tử Dương (Ứng Hòa), Phú Nhi (Sơn Tây), Tri Trung, Hoàng Long (Phú Xuyên), Nghiêm Xuyên, Vân Tảo (Thường Tín)... Xứ Đoài cũng vùng đất có hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ diễn ra quanh năm. Đó chính là những địa chỉ quen thuộc cho nhiều chiếu chèo tung hoành. Cũng từ những chiếu chèo này đã sản sinh ra nhiều giọng hát chèo cả nước biết đến như NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Khắc Tư (Đoàn chèo Trung ương), Kim Thoa (Đội chèo Đài TNVN), Nghệ nhân Văn Vẻ, NSƯT Phương Toàn, Minh Sáng, NSƯT Văn Chương, NSƯT Ngọc Ánh (Đoàn chèo Cổ Phong)... và hiện nay là lớp diễn viên trẻ trung đầy triển vọng như Tuyết Mai, Hạnh Ngân, Thúy Hằng, Lê Tuấn...

Cho đến nay, nhiều chiếu chèo vẫn giữ nếp xưa vào dịp nông nhàn đi biểu diễn phục vụ bà con địa phương và các làng xã lân cận. Kế thừa và phát huy nền nghệ thuật chèo của dân tộc, Đoàn chèo Cổ Phong cũng dàn dựng một số trích đoạn chèo cổ và tổ chức thành nhiều tốp diễn nhỏ gọn, cơ động tại các lễ hội với hình thức diễn truyền thống trên chiếc chiếu trải giữa sân đình. Đặc biệt, đoàn đã thực hiện có hiệu quả dự án Sân khấu học đường, tổ chức truyền dạy hát chèo cho học sinh một số trường THCS như Viên Sơn (Sơn Tây), Tri Trung (Phú Xuyên), Đại Thành (Quốc Oai), Phú Lương (Thanh Oai), đồng thời đã tiến hành chương trình khôi phục vốn cổ ở các xã Đại Thành, Canh Nậu (Thạch Thất), Dương Nội (Hà Đông), Nghiêm Xuyên (Thường Tín…

Đến hội xuân xứ Đoài, được nghe tiếng trống chèo tưng bừng, rộn rã, được hòa cùng không khí hào hứng của đêm hát chèo, được quây quần cùng bà con xung quanh chiếc chiếu chèo sân đình, càng thấy nghệ thuật chèo - nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc - có sức sống bền bỉ và sức truyền cảm mãnh liệt. Trải qua thời gian cùng không ít thăng trầm, chiếu chèo truyền thống xứ Đoài hôm nay vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, vượt qua những tác động của kinh tế thị trường, như viên ngọc càng mài càng thêm sáng./.

(Theo: Quách Tuấn Hương/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất