Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 30/1/2009 22:41'(GMT+7)

Tháng Giêng có còn là tháng ăn chơi?

Người dân thủ đô đi lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ, Hà Nội (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Người dân thủ đô đi lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ, Hà Nội (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

 Tết cũng như không

Trước đây, với nhiều người, ngày Tết là để về quê, nghỉ ngơi, thư giãn sum họp với gia đình. Đất nước thuần nông, mà tháng Giêng lại chính là tháng nông nhàn, bởi vậy mới có câu "Tháng Giêng là tháng ăn chơi...". Thời bao cấp xem ra cũng đủng đỉnh, Tết đến là về quê, ngày đi làm còn vòng vèo chúc tụng các phòng ban, rồi đến các nhà đồng nghiệp, bạn bè, rồi đi lễ đầu năm cầu may... Xoay vòng cứ gọi là qua Giêng cũng chưa hết Tết.

Nhưng nay thì không, cơ chế thị trường cũng như nền kinh tế toàn cầu hóa đã biến đổi tất cả. Không chỉ  có những giới "bất di bất dịch" là không có Tết, không có ngày nghỉ như công an, quốc phòng, những người đang trên những công trình dang dở, hay khối dịch vụ công cộng... Với đại bộ phận công chức, nhất là những người làm những công việc liên quan đến đối ngoại, đến đối tác nước ngoài thì công việc dường như vẫn tiếp diễn đều đặn, bởi "Tây họ có nghỉ Tết đâu?"

Các doanh nhân thì rõ là càng không có thời gian để mà "ăn chơi nhảy múa." Hơn nữa, ngày làm việc còn kéo dài hơn thường lệ bởi phải san sẻ thời gian cho mâm cơm tất niên, hóa vàng, phải đi lễ hay đến thăm cha mẹ, bà con chòm xóm...  Nhưng điện thoại vẫn reo, hợp đồng vẫn đàm phán... "Bận mờ cả mắt, làm quần quật và lễ nghĩa quần quật" là lời than thở của anh M., giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngay trong những ngày Tết này, công ty anh vẫn gấp rút đàm phán một hợp đồng quan trọng với đối tác châu Âu, mà hy vọng ký kết được sẽ "an tâm suốt năm."

Với dân báo chí còn mệt hơn, người làm báo viết thì nghỉ đã đành, nhưng cũng chả yên, có việc vẫn phải làm. Dân truyền hình, đài tiếng nói, báo mạng thì làm gì có ngày nghỉ, cứ gọi là 24/24. "Đi làm quanh năm, 30, mồng 1 Tết cũng chả được nghỉ, lại đi trực, ngồi như lửa đốt với ngổn ngang nỗi lo mâm cơm chưa đủ món, thời gian đi Tết nội ngoại. Cứ đà này, chắc là chồng em nó cũng bỏ em mất thôi," cô phóng viên báo mạng than thở.

Thấm thoắt rồi 3 ngày Tết cũng qua, thế là công việc lại lút mắt, ngày đầu năm đi làm, cả phòng pha ấm trà nóng, định bụng trà ngấm thì chúc tụng nhau, thế rồi công việc cuốn đi, đến lúc nghỉ trưa mới ngẩng đầu lên, ấm trà đã nguội...

"Mùa chặt chém"

Tết cũng là dịp "kiếm bộn tiền" đối với  những người lao động. Dịch vụ giúp việc ngày Tết chở nên "hot", 300.000 đồng/ngày, rồi đến 500.000 đồng/ngày vẫn không có người. Chị Đ. - một người làm công việc này ngày Tết nói, giọng hồ hởi: "Cũng biết Tết nhất nên về nhà, nhưng lại nghĩ có mấy ngày thôi, mà thu nhập vài ba triệu, đủ tiền học cho con cả năm, thì phải cố. Thường thì người giúp việc tại gia nghỉ 7 ngày, có người đến cả 10 ngày Tết. Mình làm cố, bằng đi làm 3, 4 tháng chứ ít đâu?"

Các hàng quán thì không có ngày nào là nghỉ, và chữ Tết với họ bao hàm đủ mọi nghĩa. Đông nhất và phổ biến nhất vẫn là các loại bún riêu, bún ốc, kế đến là phở bò, phở gà... cả gia truyền lẫn "gia truyền đời thứ nhất" và cả các quán cóc vỉa hè, liếc ngang cũng biết là "nghiệp dư chuyên nghiệp" vẫn cứ đông khách tướp nượp, đợi được một bát cũng gọi là dài cổ. Đêm Giao thừa, 30.000 đồng/bát bún riêu vẫn bán hết veo, dù là nước trong leo lẻo và ăn xong đau váng đầu vì mì chính!

Gặt hái đáng kể nhất là dịch vụ trông xe. Đêm Giao thừa để xem pháo hoa thì trung bình 10.000 đồng/xe máy, 5.000 đồng/xe đạp, ôtô thì cứ đơn giản là 30.000 đồng/xe, miễn bàn. Ngay cả vườn hồng gần Lăng Bác (đường Bắc Sơn), mấy anh mặc đồng phục hẳn hoi cũng thu giá này, dù xuất vé vẫn in 2.000 đồng cho một xe máy. Tại điểm bắn pháo hoa Hồ Hoàn Kiếm, các phố lân cận cũng "vào cầu" khi chém 30.000 đồng/xe máy, ôtô lên giá 50.000 đồng/chiếc.

Đường vào Bia Bà (Hà Đông), đêm Giao thừa thu nhanh không vé là 40.000 đồng/xe ôtô, xếp dọc hai bãi trống phía trong, đến tầm 2-3 giờ sáng thì tắc cứng, vào không vào được, ra không ra nổi.

Chùa Hương dẫu chưa vào mùa, ngày 2 Tết cũng thu 20.000 đồng/xe ôtô vào bãi. Bà con muốn đi sát đến Đền Trình xin thêm 20.000 đồng tiền... đường, ấy là đỗ vào rồi quay ra , chứ đậu xe trong bãi gần Đền Trình  thì mất thêm 30.000 đồng nữa. Mua vé lên cáp treo ở  đại lý Mai Lâm (cổng Thiên Trù), khách hàng nhận được câu tưng tửng "Không bán, vì các anh chị vừa ăn cơm ở quán bên cạnh rồi...".

Những kiểu chặt chém ngày lễ Tết, chốn hội hè nhất là các dịch vụ ăn uống, trông xe, năm nào rồi cũng nói, năm nào rồi cũng có đại diện nào đó đứng ra hứa "sẽ chấn chỉnh," nhưng rồi vẫn cứ y nguyên, năm này qua năm khác cấp độ còn tăng hơn. Lẽ nào, đã là "bệnh nan y", không thuốc chữa?

Thiết nghĩ, việc làm ăn, kiếm tiền vào những ngày Tết, ngày nghỉ thật xứng đáng để trả công, nhưng lạm dụng quá mức thì sẽ gây nên tệ nạn xã hội, làm nên một hình ảnh xấu trong những ngày lễ hội, nhất là sẽ tập trung ở trước cửa Phật môn linh thiêng và cần đến sự tôn nghiêm./.

DT- theo Hàn Phi (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất