Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 25/1/2009 8:47'(GMT+7)

Nhìn lại hoạt động văn hóa, văn nghệ năm 2008

Những kết quả nổi bật

Các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, các đội thông tin lưu động cả nước đã bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, kế hoạch của ngành, của địa phương, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục mới, với hình thức hoạt động phong phú, nội dung hấp dẫn, tăng cường phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hệ thống thiết chế văn hoá các cấp được củng cố, bổ sung trang thiết bị. Cả nước hiện có 59 Trung tâm Văn hoá- Thông tin; 4 Trung tâm Thông tin- Triển lãm; 5 Nhà văn hoá Trung tâm cấp tỉnh; 614 phòng Văn hoá- Thông tin cấp huyện; 349 Trung tâm Văn hoá- Thông tin cấp huyện; 214 Nhà văn hoá cấp huyện; 688 đội Thông tin lưu động; 4.222 Nhà văn hoá xã; 17.970 cụm cổ động; 5.688 trạm truyền thanh; gần 1.000 Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã; 38.338 Nhà văn hoá ở làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 3.390 điểm vui chơi cho trẻ em ở xã; 29.193 tổ, đội văn nghệ quần chúng; 27.462 câu lạc bộ các loại... Đây là những thiết chế cơ bản, quyết định chất lượng các hoạt động văn hoá ở cơ sở, trực tiếp phục vụ nhân dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có bước phát triển mới. Ban chỉ đạo phong trào các cấp tiếp tục được kiện toàn, tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về đẩy mạnh phong trào gắn với xây dựng các thiết chế văn hoá và việc thực hiện Chương trình mục tiêu về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức sơ kết 2 năm (2006- 2008), đánh giá những mặt được, chưa được, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện; xác định những yêu cầu mới đối với Ban chỉ đạo các cấp; đề suất những giải pháp nhằm tiếp tục duy trì chất lượng của phong trào trong những năm tiếp theo.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cấp uỷ Đảng các cấp đã phối hợp với các cơ quan, ngành liên quan tổ chức nghiêm túc việc tổng kết từ cơ sở, đánh giá kết quả, chỉ ra những yếu kém, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Chỉ thị. Qua tổng kết cho thấy, việc xây dựng đời sống văn hoá nói chung, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Hạn chế được một số tiêu cực, hủ tục lạc hậu. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhất là ở khu dân cư, vùng nông thôn, trong lực lượng vũ trang; công tác vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc; tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm của Cựu chiến binh… Đã xuất hiện những điển hình tốt, những mô hình mới trong tổ chức đám tang, đám cưới; một số lễ hội mới đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp quan trọng với việc duy trì, củng cố chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, vào việc thực hiện chiến lược “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần NQTW 5 (khóa VIII) của Đảng.

Hoạt động văn hoá phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm, đầu tư về quy mô, chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất.... Ngày hội văn hoá-thể thao- du lịch các dân tộc tiếp tục được phát huy, đi vào chiều sâu, tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực các dân tộc thiểu số; làm phong phú đời sống tinh thần cho đồng bào; tạo cơ hội cho đồng bào tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hoá, giao lưu văn hoá. Năm 2008 nổi lên là hoạt động Giao lưu bản sắc văn hoá các vùng miền tại Hà Nội; ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Đông Bắc lần thứ VI tại Bắc Giang; ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV tại Cần Thơ. Các hoạt động trên đã thu hút hàng nghìn nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng tham gia sáng tạo, biểu diễn, phục vụ hàng triệu người dân và du khách nước ngoài. Việc sản xuất và cung cấp các ấn phẩm văn hoá cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa triển khai đúng kế hoạch.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tạo được ấn tượng tốt với việc triển khai và tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn: lễ hội Đền Hùng, lễ hội Chùa Hương, lễ hội văn hóa du lịch tại Hạ Long, Đà Lạt, Lào Cai, Yên Bái, Con đường di sản thế giới ở miền Trung… ngày hội văn hóa các dân tộc theo khu vực, vùng. Điều đó tạo cơ hội phát huy giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương, khu vực, vùng miền và của đất nước. Văn hóa dân gian, cổ truyền, các loại hình nghệ thuật của 54 dân tộc anh em (hát, múa, diễn xướng dân gian…), các lễ hội, nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, thể thao truyền thống… được tổ chức sưu tầm công phu với nhiều hình thức lưu giữ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, thứác đẩy hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

Hoạt động bảo tàng được duy trì, một số bảo tàng được xây dựng mới, nâng cấp trưng bày, bổ sung trang thiết bị. Đến nay, trong toàn hệ thống bảo tàng Việt Nam có 2.808.707 hiện vật được lưu giữ, bảo quản. Một số bảo tàng tư nhân tiếp tục hoạt động và phục vụ tốt cộng đồng cả về thưởng thức nghệ thuật, thẩm mỹ và giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động này rất cần được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, động viên, khuyến khích, hỗ trợ về tinh thần và vật chất.

Hệ thống thư viện cả nước đã làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Mạng lưới thư viện quận, huyện, thị xã phát triển tương đối đồng đều. Trang thiết bị ở nhiều thư việc đã được tăng cường, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác thư việc tiếp tục được nâng lên. Nhiều thư viện cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn được đầu tư kinh phí xây dựng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoạt động văn học, nghệ thuật, nổi lên và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ là quá trình chuẩn bị Đề án “Phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới”. Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua và trình ra Trung ương, ban hành Nghị quyết số 23, ngày 16-6-2007 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới. Hưởng ứng Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức từ trung ương dến địa phương. Tháng 11/2008, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập. Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực chất quá trình hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời gian qua; đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực của thị trường nêu trên và của quá trình hội nhập, giao lưu văn hoá quốc tế đối với đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam; đánh giá mặt được cần phát huy, mặt chưa được cần khắc phục của các doanh nghiệp văn hoá, văn học, nghệ thuật; sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường định hướng XHCN và trong quá trình hội nhập; đề xuất, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp (cơ chế, chính sách) nhằm tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật trước tác động của cơ chế thị trường và hội nhập. Đoàn Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc Hội thảo lớn tại Bắc, Trung, Nam để tìm giải pháp thúc đẩy văn học, nghệ thuật có được các tác phẩm chất lượng cao và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tài trợ sáng tác văn học, nghệ thuật giai đoạn 2007-2010.

Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học, các cuộc thi sáng tác, Hội thi tài tăng trẻ (Sân khấu, Múa); tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh có chất lượng cao.

Hội văn nghệ các tỉnh, thành phố hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi những gương điển hình tiêu biểu về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ca ngợi tấm gương suốt đời hy sinh cho đất nước, cho nhân dân của Bác. Chào mừng ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3-2-2009 và sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động, các Hội VHNT chuyên ngành đã thu được hàng trăm tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật được các hội chuyên ngành lựa chon gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương xét khen thưởng.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật có nhiều khởi sắc, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Cả nước hiện có 132 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, năm 2007 biểu diễn 16.790 buổi, trong đó các đơn vị nghệ thuật của các địa phương biểu diễn 12.429 buổi. Tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp có quy mô lớn, tính tư tưởng và tính nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, tạo sự quan tâm của dư luận xã hội, nâng cao trình độ thẩm mỹ nghệ thuật, đời sống văn hoá cho nhân dân: Thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III; thi hát sử ca Việt Nam; liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất, và nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật được tổ chức tại các địa phương, vùng, miền. Hoạt động điện ảnh: Diễn ra sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác sản xuất phim được chú trọng, thu hút ngày càng đông khán giả đến rạp. Số lượng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất tăng về số lượng, khẳng định xu hướng xã hội hoá ngày càng có hiệu quả. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV tại Nam Định được tổ chức thành công, quy tụ được nhiều hãng phim, với số lượng phim tham dự lớn nhất từ trước đến nay. Cả nước hiện có 53 hãng phim, trong đó có 31 hãng phim nhà nước, 22 hãng phim tư nhân. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thời gian vừa qua các hãng phim, đài truyền hình đã và đang sản xuất một số phim về đề tài Bác Hồ, những tấm gương làm theo đạo đức của Bác: Phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn từ thế kỷ XXI” của Hội Điện ảnh Việt Nam, sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Chủ đề chính là những người nước ngoài nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim “Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu”, chủ đề nói về Bác Hồ với văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, do Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất, dự kiến hoàn thành dịp 3/2/2009. Phim “Đền thờ Bác Hồ”, nói về tình cảm của đồng bào miền Nam thương nhớ Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hãng phim Giải phóng đang triển khai thực hiện. Phim “Đồng tiền Cụ Hồ” do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp với Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện (đã hoàn thành). Hai tập phim tài liệu cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, khởi chiếu dịp 19-5-2007 và 3-2-2009. 30 tập phim về “40 năm thực hiện Di chúc của Bác” do Hãng phim truyện Việt nam và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Những hạn chế, yếu kém

Hoạt động kinh doanh văn hoá, dịch vụ văn hoá vẫn ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở một số hoạt động như xuất bản sách, tranh ảnh, băng đĩa hình, tiếng; những thông tin trên mạng internet, các trò chơi điện tử có nội dung phi văn hoá..., công tác quản lý có biểu hiện lúng túng, bị động, hữu khuynh, buông lỏng, chưa có những khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp khả thi, thuyết phục.

Hệ thống thiết chế văn hoá vẫn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị lạc hậu; cán bộ văn hoá ở cơ sở xã, phường, thị trấn, tổ chức, duy trì hoạt động văn hoá ở làng, thôn, ấp, bản, khu dân, trong các trường học, ở cơ quan và nhất là ở các khu công nghiệp; chính sách, cơ chế tài chính đảm bảo cho hoạt động văn hoá và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có dấu hiệu chững lại, một số hiện tượng tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội phô trương, nhiều nghi thức rườm rà, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, gây tốn kém, phiền phức tiếp tục tái diễn. Đáng chú ý là việc chấp hành Chỉ thị của Đảng đối với không ít cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, chưa làm gương trước quần chúng, nhân dân. Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, nhất là trong tổ chức đám cưới, nhưng cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, người chủ trì chưa quan tâm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện tuyên truyền, nhân rộng. Các cơ quan báo chí, thông tấn chưa quan tâm giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tốt, phê phán nhắc nhở những biểu hiện vi phạm Chỉ thị của Đảng, quy định, quy chế của Nhà nước. Sinh hoạt mê tín, dị đoan phát triển ngày càng phức tạp. Hoạt động lợi dụng khả năng đặc biệt của con người để trục lợi, lừa đảo, xuyên tạc gây rối trật tự, an toàn xã hội, phủ nhận nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín của lãnh tụ, các bậc tiền bối cách mạng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, kích động gây mâu thuẫn nội bộ... có chiều hướng gia tăng, ngày càng tinh vi, gắn với tư tưởng, với chính trị.

Một số hoạt động văn hoá có quy mô lớn, nhiều nội dung, nhưng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chưa cụ thể, thiếu sâu sát, thiếu kiên quyết nên có biểu hiện lai căng, phản cảm, phục cổ một cách cực đoan (thi trình diễn lễ hội nhưng chủ yếu là lễ, ít hoặc không có hội; lễ cưới truyền thống của các dân tộc chưa được quan tâm giới thiệu, quảng bá), ít chú ý đến những hoạt động mang đậm giá trị văn hoá phù hợp với cuộc sống đương đại, đúng với định hướng của Đảng về văn hoá. Cá biệt có hoạt động, người chủ trì tổ chức xem thường pháp luật, quy chế, quy định của Nhà nước.

Một số vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo

1- Tệ nạn xã hội, tội phạm gia tăng mạnh, nhất là ở lứa tuổi thanh niên, học sinh, mức độ nghiêm trọng, phạm vi hoạt động rất đáng báo động. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII cho thấy năm 2008 tình trạng tội phạm, nhất là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm mới có chiều hướng gia tăng. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập hình thành các băng nhóm sử dụng hung khí, vũ khí đâm chém, bắn giết lẫn nhau gây rối trật tự công cộng diễn ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ thanh thiếu niên, học sinh sinh viên phạm tội có chiều hướng gia tăng, hành vi phạm tội đa dạng, gây ra nhiều vụ rất nghiêm trọng. Nạn cờ bạc, mại dâm hoạt động có tổ chức diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Trẻ em bị xâm hại gia tăng mạnh.

2- Vài năm gần đây hiện tượng hôn nhân giữa người Việt Nam với người nước ngoài gia tăng. Chủ yếu là con gái Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc, Đài Loan. Trước năm 2004, chỉ có 2.560 cuộc kết hôn thì năm 2008 lên tới 25.000 cuộc (Tiền phong ngày 5-4-2008). Đáng chú ý là tỷ lệ các cuộc hôn nhân Việt-Hàn thông qua môi giới ở Việt Nam rất cao, chiếm 69,2%. Theo thống kê của Hàn Quốc, chỉ có hơn một nửa các gia đình Việt- Hàn sống yên ổn hoặc hạnh phúc, còn lại là rạn nứt, tan vỡ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn nhân, nhưng chủ yếu là vì lý do kinh tế, hầu hết không xuất phát từ tình cảm, tình yêu. Thực tế cho thấy các cuộc hôn nhân này ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, liên quan đến nhân phẩm, quyền con người, nạn bạo hành, đạo đức gia đình, không có cơ quan, tổ chức nào bảo vệ.

3- Vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, ngày càng nảy sinh nhiều phức tạp, tranh chấp, kiện tụng, cả trong nước và nước ngoài. Sự không thống nhất về nhận thức, về thực hiện quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với một số cơ quan truyền thông, dẫn đến hàng trăm nhạc sỹ ký đơn phản ứng, khiếu nại đòi thực thi quyền tác giả theo pháp luật.

4- Di sản, danh thắng, di tích lịch sử- văn hoá bị xâm hại, xuống cấp, quản lý kém. Những tháng cuối năm 2008, tình trạng xâm hại, để xuống cấp trầm trọng, việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, danh thắng yếu kém... diễn ra ở nhiều địa phương, phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, an ninh trật tự khu dân cư.

Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số vấn đề về văn hóa, văn nghệ đáng lưu ý nêu trên, cơ quan chức năng của Trung ương cần xây dựng kế hoạch, phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình, dự báo xu hướng, khuynh hướng, kiến nghị với cấp có thẩm quyền những giải pháp khả thi, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội./.

Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất