Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 24/1/2009 23:20'(GMT+7)

Một mùa xuân nhỏ

Tôi không bao giờ quên được giao thừa buổi sáng năm 1981. Trong một chương trình ca nhạc gồm những bài hát viết về mùa xuân chẳng mấy đặc biệt, tôi bỗng nghe được một bài rất lạ, thú vị, nghe mà thấy “gai” người. Không phải vì kinh sợ theo nghĩa của từ này mà vì bài hát quá hay, đã lâu lắm tôi mới được nghe một bài hát như thế. Giai điệu nghe cứ bâng khuâng, nao nao thế nào. Tết đến, xuân về ai cũng thường vui vẻ, hân hoan. Vậy mà bài hát cứ khiến tôi phải suy tư, trầm mặc, có chút gì đó bùi ngùi, bồi hồi. Ôi! mới phù hợp với không khí sau phút giao thừa làm sao!

Ở cái khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, giữa cái cuối Đông và đầu Xuân, trong cái rét ngọt của đêm trừ tịch, sau những tràng pháo rộ lên rồi vẫn tiếp tục râm ran đây đó (khi ấy chưa cấm đốt pháo), người ta quây quần lại ngả cỗ cúng giao thừa xuống, rồi vui vẻ nâng cốc chúc nhau. Ai cũng hoan hỉ, hồ hởi, rộng lượng, sẵn sàng thể tất mọi thứ, cho qua tất cả để bước vào năm mới. Nhưng qua đi giây phút ấy? Trẻ con lên giường ngủ. Người lớn thao thức và không ít người ngồi suy ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời. Bài hát thật phù hợp với tâm trạng những người như vậy. Đó là bài Một mùa xuân nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải.

Trước đó mọi người đã biết tên tuổi của nhà thơ Thanh Hải. Ông được coi như một trong những nhà thơ mở đầu nền thi ca chống Mỹ ở miền Nam với tập thơ khá tiêu biểu Những đồng chí trung kiên. Bài thơ Một mùa xuân nhỏ được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong Bệnh viện Trung ương-Huế những ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó là những ngày tháng 12 năm 1980. Bài thơ là chút tâm sự, chiêm nghiệm của một nhà thơ đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Là bạn thân của Thanh Hải, nhạc sĩ Trần Hoàn đã ngay lập tức phổ nhạc bài thơ khi nhà thơ vừa hoàn thành và nhanh chóng đến với thính giả.

Một mùa xuân nhỏ lại là một thành công đặc biệt thứ hai của Trần Hoàn sau Lời ru trên nương. Nhạc sĩ đã tìm đến một bài thơ sâu sắc với tứ thơ hay, giàu sức thuyết phục: Mỗi người chúng ta hãy khiêm nhường đóng góp chút gì bé nhỏ để góp phần làm nên cuộc đời tươi đẹp, hãy hoà cùng mọi người, hãy sẻ chia với đồng loại, chớ ồn áo, phô trương, chớ chỉ thấy mình, hãy “làm con chim hót, làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”.

Tác giả không sử dụng hẳn một chất liệu dân ca vùng nào để tạo nên bài hát. Ta chỉ cảm thấy loáng thoáng chút ví dặm Nghệ Tĩnh ở chủ đề âm nhạc, rồi được biến hoá đi ngay: “mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc, ơi con chiền chiện…”. Bố cục của bài hát vuông vức ở thể hai đoạn. Đoạn A giai điệu được viết ở giọng Thứ, đoạn B chuyển sang Trưởng. Cách viết này là thông thường, không có gì đặc biệt. Nhưng ngôn ngữ âm nhạc thật độc đáo, bởi tạo dựng được một hình tượng khiến người nghe cảm thấy bồi hồi, xao xuyến, thắc thỏm, lại pha chút bùi ngùi, nuối tiếc. Đặc biệt ở đoạn B, khi giai điệu đã chuyển hẳn sang điệu Trưởng, thông thường sẽ sáng vui hẳn lên nhưng người nghe vẫn được tô đậm thêm ấn tượng ban đầu do đoạn A đã đem lại: “Mùa xuân! Mùa xuân! một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân tôi xin hát…”. Những dấu lặng đơn được đặt sau mỗi tiếng “Xuân” gây cho ta cảm giác đúng là những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá, nhành cây, mái gianh mà tác giả đã miêu tả ngay từ đầu: “Từng giọt long lanh rơi, tôi đưa tay hứng về”. Mùa xuân là mùa hứa hẹn sự sống, mùa sinh sôi của muôn loài. Nhưng đâu chỉ có vui, chỉ phơi phới, hớn hở, tưng bừng như người ta quan niệm, mà thực ra còn rất nhiều suy tư, ngẫm nghĩ, thậm chí pha chút buồn nữa chứ. Nhưng là cái buồn thẩm mĩ, chứ không phải là buồn bã, buồn nản, yếm thế, tuyệt vọng, không phải là cái buồn sầu của Chế Lan Viên xưa:

“Tôi có chờ đâu có đợi đâu

Mang chi Xuân lại gợi thêm sầu!”

Trong bài hát, tôi thích nhất hai chi tiết: “Con chim chiền chiện hót chi mà vang trời” và “Một nốt trầm xao xuyến”. Chim hót vang trời giữa mùa xuân có “người cầm súng” với “lộc giắt đầy trên lưng”, có “người ra đồng” với “lộc trải dài nương lúa”. Đẹp quá, vui quá! Nhưng sao nét nhạc nghe cứ lắng lại, cái quãng 5 đổ xuống giữa “Vang” và “Trời” sao bâng khuâng thế, sao bùi ngùi vậy? Ôi, mùa xuân của những người giàu suy nghĩ, đâu chỉ là chuyện riêng bản thân mà chuyện của giang sơn, đất nước, của muôn người chưa được toàn vẹn hạnh phúc vì còn lắm nỗi gian truân: “Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao”.

Chính bởi vậy, hãy nguyện làm “một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”. Một nốt thôi, lại là nốt trầm, để lẩn vào, lặn xuống, để tan biến. Khiêm nhường biết chừng nào. Nhưng đâu phải vai trò nhỏ. Bè trầm trong hợp xướng là vô cùng quan trọng. Thiếu nó, hợp xướng hẳn sẽ mất hết màu sắc, còn hay sao được nữa. Hai chi tiết vừa nói tôi thích nhất thì nếu được phép chê sẽ là: “Đất nước như vì sao vững vàng phía trước”. Sao lại nói đất nước như vì sao? Chẳng “đắt” chút nào. Nếu muốn nói cái sáng, cái đẹp, cái lung linh cao cả thì ví với sao cũng chưa “trúng” lắm. Còn “vững vàng phía trước” thì nôm na, thật thà quá, chẳng phù hợp với ngôn từ toàn bài được huy động rất có tìm tòi, rất giàu hình tượng. Nhưng đó là lời thơ của nhà thơ. Song nhạc sĩ chẳng nên quá nệ, phụ thuộc vào lời thơ - sự “chung thuỷ” này không cần thiết, chẳng ai ngợi ca, khuyến khích nếu hạn chế hiệu quả.

Một mùa xuân nhỏ ra đời cách đây đã gần ba mươi năm. Hơn một phần tư thế kỷ là quãng thời gian quá đủ để khẳng định giá trị bất hủ một tác phẩm nghệ thuật. Từ bấy đến nay, mỗi mùa xuân về lại có hàng chục bài hát mới ra đời, nhưng quả là tôi không thấy có bài nào sánh được với bài hát này.

Mỗi dịp nghe Một mùa xuân nhỏ tôi vẫn thấy vẹn nguyên cảm giác nao nao, bồi hồi, xao xuyến như lần nghe đầu tiên. “Một mùa xuân”… “nhỏ” nhưng hiệu cảm xúc, thẩm mĩ đem lại cho người nghe thì vô cùng mạnh mẽ lớn lao./.

 Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất